Lần đầu tiên tuyển sinh ĐH theo nhóm trường: Thí sinh gian lận sẽ mất cơ hội xét tuyển

ANTĐ - Liên quan tới Đề án tuyển sinh chung theo nhóm trường lần đầu tiên được áp dụng trong kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2016, đại diện Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ sẽ sử dụng công nghệ để phòng khả năng thí sinh đăng ký “chui”, vượt quá nguyện vọng cho phép.

Lần đầu tiên tuyển sinh ĐH theo nhóm trường: Thí sinh gian lận sẽ mất cơ hội xét tuyển ảnh 1Tham gia tuyển sinh theo nhóm trường, thí sinh và nhà trường cùng có lợi

Giảm “ảo” - tăng cơ hội trúng tuyển

Ngày 7-4, ông Trần Văn Tớp - Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, Đề án tuyển sinh theo nhóm của trường này với 8 trường thành viên (ĐH Bách khoa Hà Nội, Kinh tế quốc dân, Xây dựng, Ngoại thương, Thủy lợi, Giao thông vận tải, Mỏ-Địa chất và Công nghiệp Hà Nội) đã được Bộ GD-ĐT phê duyệt. Nhóm 8 trường này vẫn “mở cửa” để các trường khác có nhu cầu có thể gia nhập để cùng tuyển sinh. Ông Trần Văn Tớp chia sẻ, ngoài 8 trường ban đầu, đã có thêm Học viện Ngân hàng, ĐH Công nghệ Giao thông vận tải đăng ký tham gia.

Ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT khẳng định, với giải pháp tuyển sinh nhóm, khi số trường tham gia càng đông thì càng giảm được lượng thí sinh “ảo”. Khi số trường đủ lớn, thí sinh sẽ không cần phải đăng ký thêm các trường ngoài nhóm. Như vậy, các trường sẽ chủ động trong khâu xét tuyển vì đã nắm trong tay nguyện vọng của thí sinh.

 “Điều này vừa tốt cho các trường và tốt cho thí sinh vì thực tế các năm trước cho thấy, tỷ lệ “ảo” quá lớn sẽ dẫn tới điểm trúng tuyển của các trường cũng “ảo” theo. Khi các trường hạ điểm trúng tuyển thì nhiều thí sinh đã mất cơ hội theo đuổi những ngành nghề yêu thích bởi đã đăng ký vào trường khác theo nguyện vọng kế tiếp” - ông Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Kinh tế quốc dân phân tích.

Ông Trần Văn Tớp cho biết, điều kiện để tham gia nhóm là các trường phải xét tuyển theo một phương thức chung của nhóm: sử dụng kết quả thi THPT quốc gia. Thời hạn chốt số thành viên tuyển sinh theo nhóm trường là ngày 22-4. Như vậy, các trường ngoài công lập cũng có thể tham gia đề án xét tuyển nhóm, chỉ trừ những trường xét tuyển bằng học bạ THPT.

Điều chỉnh phần mềm của Bộ GD-ĐT

Lần đầu tiên tham gia xét tuyển theo nhóm trường, nhiều thí sinh băn khoăn về quyền lợi của mình. Ông Trần Văn Nghĩa cho biết, thí sinh cần hiểu rõ, điểm khác biệt là được đăng ký tối đa 4 trường trong nhóm, nếu làm theo phương án này, thí sinh sẽ không đăng ký được trường bên ngoài nhóm. Ở phương án khác, thí sinh có thể lựa chọn đăng ký cả trường trong nhóm và trường ngoài nhóm nhưng sẽ phải nộp 2 phiếu đăng ký xét tuyển khác nhau. Một là phiếu đăng ký chung theo quy định của Bộ GD-ĐT, hai là phiếu đăng ký riêng do nhóm các trường tuyển sinh chung quy định.

Ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết thêm, thí sinh đăng ký xét tuyển vào nhóm trường có thể đăng ký trực tiếp, trực tuyến hoặc sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh theo quy định của Bộ GD-ĐT. “Việc đăng ký xét tuyển vào nhóm trường không phức tạp hơn đăng ký thông thường. Thí sinh sẽ có mẫu đăng ký riêng, có thay đổi chút ít về phương thức xét tuyển 4 nguyện vọng theo thứ tự…” - ông Điền cho biết. 

Trước lo ngại 1 thí sinh có thể đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường trong nhóm, đồng thời dùng phiếu đăng ký theo quy định của Bộ để đăng ký 4 nguyện vọng ở các trường ngoài nhóm, ông Trần Văn Nghĩa khẳng định, khi áp dụng mô hình tuyển sinh theo nhóm, phần mềm của Bộ GD-ĐT phải điều chỉnh theo. Việc kiểm soát thí sinh nộp đăng ký quá quy định là hoàn toàn khả thi.

 “Bộ sẽ khống chế khả năng này. Thí sinh không nên gian dối vì nếu làm như vậy, các em sẽ đánh mất cơ hội xét tuyển, có thể bị gạch tên khỏi trường mình yêu thích nhất, đồng thời bị xử lý kỷ luật” - ông Nghĩa nhấn mạnh.Về những khó khăn có thể phát sinh khi lần đầu vận hành phương thức tuyển sinh theo nhóm các trường, ông Trần Văn Tớp cho biết: “Chúng tôi đã đề xuất Bộ GD-ĐT cho thành lập một Ban chỉ đạo Đề án. Sau khi Bộ GD-ĐT có quyết định công nhận Ban chỉ đạo tuyển sinh theo nhóm trường, tất cả cán bộ kỹ thuật của các trường trong nhóm sẽ cùng bàn để tìm cách giải quyết các khó khăn. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định khó khăn chỉ đơn thuần về mặt kỹ thuật, không ảnh hưởng gì đến thí sinh”.