Làm thế nào để phát triển du lịch bền vững?

ANTD.VN - Nguyên tắc cốt lõi của du lịch có trách nhiệm là tạo môi trường sinh sống tốt cho người dân, đồng thời tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách. Theo các chuyên gia quốc tế, nguyên tắc này chỉ được áp dụng thành công nếu mọi thành phần tham gia vào du lịch (nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và du khách) có nhận thức cao và đầy đủ về du lịch có trách nhiệm. 

Hiệu quả sau 6 năm triển khai

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị “Thực hiện du lịch có trách nhiệm vì sự phát trưởng bền vững ở Việt Nam” vừa được diễn ra ngày 7-10 tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Tổng cục Du lịch (TCDL), lãnh đạo các Sở VH-TT&DL các tỉnh thành, cùng đông đảo các nhà quản lý trong lĩnh vực du lịch. 

Nhiều hoạt động tuyên truyền Du lịch có trách nhiệm được triển khai 

Qua 6 năm triển khai, các hoạt động của Dự án Chương trình phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU-ESRT) về thực hành du lịch có trách nhiệm đã bắt đầu có tác động đến nhận thức của các cấp, các ngành đối với yêu cầu về sự phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Dự án đã thành công trong việc đưa Du lịch có trách nhiệm từ một khái niệm mới lạ trở thành một thuật ngữ quen thuộc, một phần tất yếu trong nhiều chính sách, kế hoạch và hoạt động thực tế của Du lịch Việt Nam.

Bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch Quảng Nam cho biết: “Dự án EU-ESRT đã trang bị cho chúng tôi một bộ công cụ xúc tiến du lịch khá bài bản, từ việc xây dựng chiến lược, đến cách tham gia hội chợ hay các bước tổ chức một hội thảo quốc tế....”. Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ: “Bên cạnh các nội dung nâng cao nhận thức, trong thời gian qua Dự án EU cũng đã hỗ trợ kỹ thuật cho 3 địa phương Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam về liên kết về sản phẩm du lịch, công tác Marketing và xây dựng thương hiệu điểm đến. Những sản phẩm cụ thể như bộ ấn phẩm, bản đồ, website du lịch, bộ nhận diện thương hiệu “The Essence of Vietnam” đã giúp rất nhiều trong việc triển khai đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá các sản phẩm đặc trưng của miền Trung tới các thị trường trọng điểm quốc tế…”.

Làm thế nào để phát triển du lịch bền vững?

Được biết, Dự án EU-ESRT sẽ kết thúc vào cuối năm 2016, vậy làm thế nào để phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn sắp tới?

Ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi đã hỗ trợ ngành Du lịch Việt Nam trong nhiều năm liên tiếp và hy vọng các nguồn lực đã được đầu tư thông qua Dự án EU-ESRT sẽ là nền tảng để phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững tại Việt Nam. Nếu mỗi cấp, mỗi tổ chức, mỗi cá nhân nhận thức được trách nhiệm, cam kết có trách nhiệm và thực hành có trách nhiệm trong khả năng của mình, khi đó Du lịch Việt Nam sẽ phát triển bền vững theo nguyên tắc của du lịch có trách nhiệm…”.

Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn khẳng định, “Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục duy trì và khai thác có hiệu quả những kết quả mà Dự án đã đạt được”. Ông Tuấn cũng cho rằng làm thế nào để các nội dung của dự án sẽ tiếp tục được phát huy, để kết quả ấy duy trì được tính bền vững trong ngành du lịch. Điều này đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo của Bộ VH-TT&DL cùng sự duy trì, phát triển tích cực của các cấp, ngành địa phương cùng chung tay hành động.

Không chỉ người dân địa phương mà ngay cả khách du lịch quốc tế cũng phải nhận thức rõ trách nhiệm khi đi du lịch.

Trong bối cảnh hiện nay, thị trường du lịch toàn cầu đang ngày càng hướng tới tính “có trách nhiệm” trong hoạt động du lịch, từ đó tạo ra nhu cầu cao về sản phẩm du lịch có trách nhiệm. Điều này đòi hỏi tất cả các đối tác trong ngành Du lịch nỗ lực phối hợp hành động để cung cấp thêm nhiều sản phẩm du lịch có trách nhiệm, đáp ứng được nhu cầu mà thị trường đặt ra. Tuy nhiên, để ngành du lịch phát triển nhanh, bền vững thì lại có 2 mặt tích cực và tiêu cực, nhất là đối với các nước đang phát triển. Du lịch mang lại nguồn ngoại tệ, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động, trong đó có những công việc không đòi hỏi trình độ học vấn hay trình độ chuyên môn cao và đa phần ở các vùng sâu, vùng xa nơi người lao động địa phương vốn rất khó tìm được việc làm. Mặt khác, du lịch phát triển nhưng quản lý yếu kém sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng.