Làm thầy ở Chế Tạo

Chế Tạo! Cái tên mà chỉ mới nghe đến thôi thì kể cả là cán bộ đang công tác tại huyện nếu không vì công việc cũng chẳng ai muốn đến, cho dù đến một lần rồi đi. Chế Tạo! Cái xã xa tít nơi vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái) hễ bất cứ ai đến rồi cũng phải rùng mình khi nghĩ tới một ngày nào đó sẽ quay trở lại. Cả tôi cũng vậy. Nhưng những người thầy ở đây lại không thế…

Vì đàn em yêu thương

Lớp 1A của thầy giáo Sùng A Dình luôn duy trì đủ sĩ số và thầy Dình đang uốn từng nét chữ cho học sinh.
Lớp 1A của thầy giáo Sùng A Dình luôn duy trì đủ sĩ số và thầy Dình đang uốn từng nét chữ cho học sinh.

Vâng! Cũng chính vì cái trái ngược “chẳng giống ai” ấy của các thầy giáo ở đây đã thôi thúc tôi trở lại Chế Tạo. Mới chưa đầy 6 năm mà Chế Tạo đã đổi thay quá nhiều. Vẫn con đường dài ngoằn nghoèo như rắn lượn ấy, vẫn dải mây các màu kỳ bí vắt ngang triền núi, vẫn những cây pơ mu sừng sững, kiên cường trước gió bão... và cả những khu rừng già lúc nào cũng âm u bởi tiếng vượn hú dài, tiếng chim kèn kèn kêu chói óc. Chỉ riêng bọn trẻ là có sự đổi thay đáng kể về văn hóa. Chúng đã kéo nhau đến lớp học ngày một nhiều hơn, thậm chí 6 năm trước lớp học lèo tèo chỉ có vài đứa bé trai tóc cháy nắng vàng hoe, mặt mũi nhem nhuốc, áo quần nhếch nhác. Thi thoảng có đứa ôm những chiếc cặp to hơn người bên trong đựng toàn con quay, chân dép, chân không đến lớp để…ngủ. Nay, số trẻ em gái người dân tộc Mông từ các thôn xa như: Pú Vá, Kể Cả, Háng Tày…được thầy giáo vận động đã lần lượt tới lớp với số lượng năm sau cao hơn năm trước hàng chục em.

Dưới mái trường đã bạc trắng màu vì nắng gió vùng cao ấy, dưới sự bảo ban, dạy dỗ ân cần của chưa đầy 20 thầy giáo trẻ, các em đã lớn khôn, đã trưởng thành. Có đứa về huyện học cấp ba, có đứa về tỉnh học nội trú, có đứa còn thi đỗ đại học. Cảm động hơn là trong số những học sinh trưởng thành ấy nay đã có người đang trực tiếp đứng trên bục giảng vì đàn em thân yêu, vì đồng bào Mông của chính quê hương mình. Đó là hai thầy giáo dân tộc Mông Sùng A Câu  và Sùng A Dình đã hết lòng vì đàn em yêu thương mà chúng tôi muốn nêu gương trong phóng sự này.

Thầy nỗ lực vượt khó

Ngôi nhà cũ trống tuềnh toàng phía sau trường học là dãy tập thể kiêm văn phòng, kiêm bếp ăn của 19 thầy giáo trẻ. Những chiếc phản kê tạm bợ, những chiếc mắc áo “không phụ nữ” treo thoải mái đồ của bốn mùa, những chiếc nồi méo xẹo, chậu bát ăn trưa còn chưa ráo nước…và cả tấm riđô bằng gỗ cũng không thể che hết chỗ nghỉ trưa của các thầy. Nhìn các thầy ngổn ngang nằm ngủ, không giấu được vẻ băn khoăn, thầy giáo Hoàng Anh Vượng-Hiệu trưởng nhà trường phân bua: “Chị thông cảm, giờ nghỉ trưa nên…”.

Thầy Vượng cho biết, cả trường hiện có 19 giáo viên thì có tới 15 giáo viên là người dân tộc Mông, điều đặc biệt là tất cả 100% giáo viên ở đây đều là các thầy giáo. Nhìn cảnh sinh hoạt, điều kiện ăn ở, đi lại của Chế Tạo mới hiểu vì sao các cô giáo không thể có mặt để làm người mẹ hiền thứ hai của các em khiến chúng tôi càng thấy khâm phục nghị lực và ý chí vượt khó của các thầy giáo nơi đây.

Đường từ thành phố lên phố huyện Mù Cang Chải vất vả một thì đường từ trung tâm huyện lỵ này vào Chế Tạo còn gian nan gấp  cả trăm lần. Trước đây chưa có đường, người Mông phải đi bộ cả ngày từ sáng đến tối mới ra tới huyện. Các thầy giáo ở Chế Tạo phải thi thoảng lắm một tháng mới ra Phòng Giáo dục lĩnh lương một lần lại tranh thủ mua cá khô, lạc khô, gạo, muối, dầu thắp…về phục vụ sinh hoạt. Hầu hết là thức ăn khô, đồ tươi sống thì thật hãn hữu lắm ai có người nhà lên thăm các thầy mới có được. Đường xa, cái gì cũng phải trả cước vận chuyển gấp đôi nên cứ một lần ra huyện thì lúc về trông các thầy chẳng khác nào những chú ngựa thồ nặng trĩu hàng hóa.

Khắc phục những khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần ấy, các thầy giáo ở Chế Tạo vẫn ngày ngày chia nhau về các bản xa vận động già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ cho con trẻ đến trường học chữ. Chẳng ngại gì những rào cản của ngôn ngữ, các thầy giáo người Kinh, người Mông đã vượt khó cùng học hỏi phong tục, ngôn ngữ của nhau để khi xuống bản dễ tuyên truyền, vận động. Không có cô giáo, các thầy lại phải tập học hát, học múa, học làm đồ chơi, học khâu vá bởi với học trò vùng cao “dạy” phải song hành với “dỗ”.

Thầy giáo Sùng A Câu tâm sự: “Mình phải biết kết hợp dạy với dỗ thì các trò mới đến trường được đông”. Nhìn cách thầy Câu cho kẹo, dạy các học trò nữ học hát, ân cần uốn nắn từng con chữ cho các em như một người anh cả chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa của nghề làm thầy nơi vùng sâu xa xôi này. Trưởng thành từ cậu học trò nghèo của trường, thầy giáo Câu của bản Tà Dông hiểu và thấm thía hơn bất cứ học trò Mông nào nơi đây sự vất vả của việc xuống núi học chữ, cũng như những thành quả của cơm no, áo ấm nhờ việc học chữ mà nên.

Sau khi học xong THCS ở xã, Sùng A Câu về huyện, về tỉnh học nội trú, rồi với ước mơ làm thầy giáo, anh tiếp tục đi học lớp hệ 9+3 để năm 1997 được về xã dạy học. Năm học 2003 - 2005, thầy được cử đi học chuẩn hóa và lại tiếp tục nghề dạy học cho em thơ của xã từ đó đến nay. Mặc dù gia đình, vợ con ở ngay bản Tà Dông của xã nhưng một tuần thầy mới về thăm vợ con một lần. ở trường, buổi sáng thầy dạy lớp ghép hai trình độ (2+3) và (4+5), buổi chiều lại dạy mẫu giáo. Học sinh của thầy Câu dạy nay đã có em về làm kế toán của trường, một em đã học lớp xã đội trưởng tại huyện. Nhờ phấn đấu tốt, năm 2002 thầy giáo Sùng A Câu được đứng trong hàng ngũ của Đảng và hiện đang là Hiệu phó nhà trường phụ trách mảng phổ cập.

Học sinh nữ dân tộc Mông của thầy giáo Sùng A Câu trong giờ tập đọc.

Học sinh nữ dân tộc Mông của thầy giáo Sùng A Câu trong giờ tập đọc.

Khác với thầy giáo Sùng A Câu, trưởng thành từ một học sinh chăm học của lớp xóa mù chữ, thầy giáo trẻ 28 tuổi Sùng A Dình-người con của bản Chế Tạo đã dạy được 12 năm tại Trường THCS xã Chế Tạo tâm sự: “Em nghĩ mình đã khổ rồi, nay được học hành nên người phải cố gắng giúp cho các em nhỏ bản mình, xã mình được học chữ”. Nghĩ và làm như vậy, đi dạy từ khi 16, 17 tuổi, mỗi năm dạy một lớp, thỉnh thoảng thầy Dình còn dạy thêm lớp ghép. Lớp 1A của thầy dạy có 13 học sinh nhưng lúc nào cũng duy trì đủ sĩ số, học sinh rất chăm học và đi học đúng giờ. Đây là điều mà từ trước đến nay các trò ở Chế Tạo chưa làm được.

Trò phấn đấu học tốt

Nếu như năm học 1999-2000, Trường tiểu học xã Chế Tạo chỉ có 12 giáo viên thì đến năm học này toàn trường đã có 19 giáo viên dạy THCS với 20 lớp học và trên 200 em học sinh. Trong đó, học sinh THCS có 5 lớp và 92 em, còn lại là học sinh khối lớp mầm non và tiểu học. Ngoài điểm trường chính ở trung tâm xã, Chế Tạo đã có 3 điểm trường lẻ ở các bản: Tà Dông, Khu 2 và Háng Gàng.

Năm 2003, Trường THCS xã Chế Tạo đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học, đến năm 2006 đạt chuẩn phổ cập THCS với tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi đến lớp trên 80%. Nhờ có sự tích cực tuyên truyền, vận động của các thầy, đến nay số trẻ em gái ở Chế Tạo đến trường đã tăng lên 107 em. Trong số học sinh thành đạt do thầy giáo Sùng A Câu dạy đã có một em học Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, 1 em học cao đẳng sư phạm mầm non tại thành phố Yên Bái.

Đặc biệt, năm học vừa qua có một học sinh nữ đã thi đỗ vào Trường Đại học Tây Bắc. Theo gương các anh, chị đi trước, được sự dìu dắt chỉ bảo của các thầy giáo, học sinh Trường THCS xã Chế Tạo đã hăng hái đăng ký tiếp tục học lên lớp cao hơn mặc dù trước mắt các em vẫn còn vô vàn những khó khăn, vất vả.

Năm học 1999-2000, nhà trường chỉ có 13 học sinh  theo học lên cấp THPT tại huyện, thì đến năm học 2006-2007 con số này tăng lên 45 em và năm học 2007-2008 vừa qua đã có 47 học sinh của Trường theo học lên cấp THPT tại trung tâm huyện Mù Cang Chải. Con số này đã chứng minh cho sự tận tâm vượt khó của thầy và sự nỗ lực phấn đấu của trò ở xã vùng cao xa xôi nhất tỉnh Yên Bái.

Vượt lên những khó khăn đang đè nặng bởi chỉ tiêu biên chế giáo viên chưa được đáp ứng; bởi mức trợ cấp khu vực 0,7% còn quá thấp so với nhiều địa phương khác; bởi sự cách trở về giao thông đi lại, sự thiếu vắng về cả vật chất lẫn tinh thần và nhu cầu tìm hiểu, nắm bắt thông tin vì không có điện lưới cũng như sự tăng vọt của giá cả sinh hoạt…v.v..là cái tâm của người làm thầy, là cái nghiệp gieo chữ trên ngàn mà 19 chàng trai nơi vùng cao đã trót “đa mang” để trẻ Mông trong Chế Tạo được sáng chữ, no lòng. Cao hơn cả, đó là tâm nguyện của các thầy, là ước vọng của các trò cùng mong sao cho ngày mai, từ mái trường bạc nắng nơi vùng cao xa xôi nhất tỉnh này, sẽ có thêm nhiều, thật nhiều những đứa trẻ người Mông tóc cháy nắng trưởng thành, đem cái chữ về “nuôi” em thơ quê mình như thầy Câu, thầy Dình và các thầy giáo nơi ngút ngàn mây gió đã và đang tạo dựng hôm nay.