Lâm tặc phá rừng cách trạm vài trăm mét, cán bộ kiểm lâm... không hay biết

ANTĐ - Liên quan đến vụ phá rừng ở vùng giáp ranh Quảng Nam - Đà Nẵng, cách Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (ở xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam - thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa) chỉ vài trăm mét, sáng qua 21-10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn đã có buổi làm việc với đại diện chính quyền huyện Đông Giang và các sở, ban ngành liên quan để có hướng xử lý. 

Quan điểm của UBND huyện Đông Giang là kiên quyết yêu cầu Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông di dời ra khỏi địa điểm hiện tại; đồng thời huyện cũng sẽ triển khai phương án di dời các hộ dân sống trong rừng phòng hộ vào trung tuần tháng 11 sắp tới. 

Trong vụ phát hiện cất giấu trái phép gỗ quý tại rừng giáp ranh, cơ quan chức năng huyện Đông Giang khẳng định, số lượng gỗ tang vật được phát hiện đến thời điểm hiện tại đã lên đến hơn 45m3, riêng Quảng Nam đang tạm giữ hơn 20m3 gỗ. Đồng thời có nhiều dấu hiệu nghi ngờ Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông (thuộc Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa) đã bao che cho lâm tặc phá rừng.

Hiện tại, số lượng gỗ tang vật liên quan đến vụ phát hiện cất giấu trái phép gỗ quý tại rừng phòng hộ sông Vàng và rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đã được cơ quan chức năng vận chuyển về tạm giữ, làm cơ sở điều tra, xử lý.

Hàng chục khối gỗ bị lâm tặc đốn hạ cách Trạm kiểm lâm Cà Nhông vài trăm mét nhưng các cán bộ trạm này... không hề hay biết?

Điều đáng nói là lâm tặc ngang nhiên hoạt động trong một thời gian dài, ngay xung quanh khu vực Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông mà cán bộ của trạm...không hề hay biết. “Số lượng gỗ lớn như thế, không phải một sớm một chiều là có thể khai thác, tập kết được. Lực lượng kiểm lâm không thể không biết, nhất là chỉ cách trạm mấy trăm mét!”, lãnh đạo huyện Đông Giang và người dân nơi đây bức xúc. 

Cụ thể, khu vực tập kết 66 phách gỗ đầu tiên mà người dân và lực lượng chức năng phát hiện nằm cạnh con đường đi ngang qua Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông và chỉ cách trạm khoảng 15 phút đi bộ. Các tuyến đường ngang dọc trong địa bàn rừng giáp ranh ở xã Tư (Đông Giang) vốn được giao cho một đơn vị khai thác gỗ vào giai đoạn trước năm 1993, được lâm tặc "cải tạo", tận dụng trở thành tuyến đường chuyên chở gỗ lậu tuồn ra khỏi địa bàn.

Các khối gỗ tập kết ven đường, chờ đưa đi tiêu thụ

Đi sâu vào khu vực gỗ lậu được phát hiện, các tuyến đường xẻ thành xương cá rải khắp địa bàn rừng phòng hộ "phục vụ" cho việc khai thác, vận chuyển gỗ trái phép. Trong quá trình thâm nhập địa điểm cất giấu gỗ, chúng tôi bắt gặp nhiều đối tượng chở cưa máy, máy hút nước vào trong rừng. Có nơi gỗ được tập kết ngay ven đường, chờ phương tiện tuồn ra ngoài. Cửa rừng đã đóng hơn 20 năm, nhưng đường vẫn đầy vết xe tải ra vào rừng!

Ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho biết: “Chức năng của Trạm Cà Nhông là quản lý, bảo vệ rừng, nhưng thực tế lại tiếp tay cho lâm tặc phá rừng. Vụ việc cất giấu trái phép hàng chục mét khối gỗ vừa phát hiện càng có thêm cơ sở cho thấy có hẳn một bộ phận cán bộ tham gia vào đường dây bảo kê cho lâm tặc”.

Trước đó, phóng viên đã trực tiếp vào liên hệ làm việc với Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông nhưng các cán bộ tại trạm cho biết lãnh đạo không có mặt và từ chối cung cấp thông tin.

Kiên quyết di dời trạm Kiểm lâm "có vấn đề"

Thực tế, từ lâu huyện Đông Giang đã có kiến nghị di dời Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông. Nhưng phía trạm viện dẫn nhiều lý do để tiếp tục ở lại địa điểm cũ, không ít lần gây khó khăn cho việc truy quét lâm tặc, vàng tặc của chính quyền địa phương.

Cụ thể ngày 10-6-2014, UBND huyện Đông Giang đã có công văn đề nghị Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa di dời ra khỏi địa bàn thôn Lấy (xã Tư) nhưng từ đó đến nay trạm vẫn chưa thực hiện di dời.

Chính quyền tỉnh Quảng Nam kiên quyết "đuổi" Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông ra khỏi địa bàn

Ông Đỗ Tài - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nhận định: “Việc chậm di dời Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông ra khỏi địa phận của xã Tư dễ dẫn đến việc lâm tặc tiếp tục khai thác gỗ và vận chuyển số gỗ hiện cất giấu trong rừng thuộc lâm phận của trạm Cà Nhông quản lý”. 

Trong khi đó, đối phó với các đợt truy quét của chính quyền huyện Đông Giang, đối tượng khai thác lâm khoáng sản hoặc mang phương tiện sang cất giấu tại lâm phận quản lý của rừng đặc dụng Bà Nà – Núi Chúa, hoặc tập kết xung quanh trạm Cà Nhông. 

Ông Nguyễn Văn Bình - Chủ tịch UBND xã Tư cho biết: “Lâm tặc thuê người cảnh giới, liên lạc tổ chức cất giấu phương tiện, tang vật khi biết có lực lượng truy quét. Thậm chí nhiều đối tượng còn quay lại hăm dọa, đòi trả thù cơ quan chức năng”.

Năm ngoái, lực lượng kiểm lâm xã Tư cũng phát hiện, bắt giữ 6,5m3 gỗ lậu, nhiều đối tượng liên tục gọi điện, nhắn tin đe dọa lãnh đạo xã.

Ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang còn cho rằng rừng bị tàn phá, không chỉ mất tài nguyên, môi trường bị hủy hoại mà lòng tin của người dân đối với chính quyền cũng mất theo. Nhiều đối tượng quay lại chống đối, thách thức cơ quan công quyền. Phải giải quyết dứt điểm, đưa ra xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm trong vụ việc này. 

Thống nhất với kiến nghị của huyện Đông Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Huỳnh Khánh Toàn cho biết, ngay sau buổi họp, UBND tỉnh sẽ liên hệ làm việc với các bên liên quan của TP.Đà Nẵng để chuyển Trạm quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông ra khỏi địa bàn xã Tư. Đồng thời chỉ đạo các sở, ban ngành phải quyết liệt xử lý vụ việc, nhanh chóng điều tra, xử lý, không để lâm tặc lộng hành.

“Căn cứ ranh giới hành chính giữa hai địa phương, sau khi làm việc với phía Đà Nẵng, sẽ triển khai cắm mốc thực địa, có phương án thu hồi một số diện tích rừng bị xâm lấn, điều tra, xác minh và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật", ông Toàn cho biết thêm.