Làm sao để kiếm lời trên thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đã khiến bức tranh của thị trường chứng khoán Việt Nam đang bị điểm nhiều gam màu tối. Việc bảo toàn vốn và kiếm lợi nhuận trên thị trường từ nay đến cuối năm chắc chắn sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.
Việc kiếm lợi trên thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn hơn

Việc kiếm lợi trên thị trường chứng khoán từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn hơn

Thị trường đã giảm sức hút

Dù tính chung 9 tháng đầu năm, các chỉ số chung của thị trường chứng khoán đều rất tích cực, nhưng “sức nóng” của thị trường đã dần giảm nhiệt kể từ đầu tháng 7 tới nay. Trong đó, lượng tài khoản chứng khoán mở mới của nhà đầu tư trong nước trong tháng 9 đã giảm gần 5.700 tài khoản so với tháng trước, còn 114.710 tài khoản. Thanh khoản thị trường trong tháng 9 giảm khá mạnh. Riêng trên HOSE, giá trị giao dịch bình quân phiên đạt khoảng 20.898 tỷ đồng, giảm 9,28% so với tháng trước. Tính chung tháng, tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 417.958 tỷ đồng, giảm 17,52% so với tháng 8.

Khối ngoại tiếp tục bán ròng với giá trị gần 7.910 tỷ đồng trong tháng 9, qua đó nâng tổng giá trị bán ròng từ đầu năm lên gần 44.680 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cả năm 2020. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, dòng tiền đầu tư có xu hướng tiêu cực trong thời gian qua khi sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam giảm sút do nhiều lý do khách quan và chủ quan. Tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động sản xuất, đặc biệt là chuỗi cung ứng bị đứt gãy suốt 2 tháng qua. Thêm vào đó, dòng tiền hiện tại đang chuyển hướng sang các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng nguyên liệu thô như dầu thô, than đá… do vậy Việt Nam không còn là điểm đến hấp dẫn của khối ngoại trong giai đoạn này.

Vẫn tích cực trong ngắn hạn

Dù đón nhận tin tức không tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô khi số liệu tăng trưởng kinh tế quý III đạt mức âm sâu nhất trong lịch sử, nhưng bước sang những phiên giao dịch đầu tháng 10, các chỉ số chung của thị trường lại tương đối tích cực. Ngoại trừ phiên đầu tháng thì những phiên sau đó, VN-Index đã liên tục tăng và đã tăng gần 40 điểm tính từ phiên ngày 2-10. Điều này khiến nhiều người kỳ vọng thị trường sẽ tích cực trong thời gian tới khi kinh tế vĩ mô, động sản xuất - kinh doanh nhiều khả năng sẽ hồi phục khi Chính phủ đã và đang từng bước mở cửa lại nền kinh tế.

Nhận định về thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho rằng, thị trường đang có dấu hiệu sớm kết thúc giai đoạn đi ngang trong ngắn hạn. Điểm tích cực là dòng tiền cải thiện và gia tăng vào nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ, nhóm cổ phiếu có câu chuyện hưởng lợi từ đầu tư công. Trong khi đó, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn khá phân hóa khi nhiều thông tin về kết quả kinh doanh quý III/2021 đang đến gần.

Tương tự, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng, thị trường đã vượt khỏi vùng tích lũy kéo dài trong tháng 9. Bên cạnh đó, chỉ số VN-Index cũng đã vượt thành công xu hướng giảm kể từ đầu tháng 7. Do đó, thị trường đang có cơ hội để hướng đến đỉnh tháng 8 ở mốc 1.380 điểm. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu khi kết quả kinh doanh quý III sắp được công bố, chú ý các nhóm cổ phiếu được hưởng lợi từ đầu tư công, từ việc tăng giá ở thị trường hàng hóa và các nhóm cổ phiếu phản ứng tốt với việc mở cửa lại kinh tế.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng, sau những phiên phục hồi vừa qua, áp lực chốt lời ngắn hạn có thể sẽ gia tăng tại vùng giá cao trong các phiên kế tiếp và các nhịp rung lắc sẽ sớm xuất hiện. Mặc dù vậy, với xung lực tăng điểm tích cực sau khi vượt qua được cạnh trên mẫu hình tam giác, KBSV cho rằng cơ hội mở rộng nhịp hồi phục của chỉ số vẫn đang có phần chiếm ưu thế với vùng đích kỳ vọng kế tiếp tại 1.39x.

Tránh rơi vào cảnh thị trường xanh nhưng tài khoản đỏ

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng cho rằng, từ nay đến cuối năm, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ phân hóa nhiều hơn, vì vậy, nếu nhà đầu tư không linh hoạt xoay chuyển dòng tiền thì rất dễ rơi vào tình cảnh “Index đi lên nhưng danh mục đi xuống”.

- Phóng viên: Thưa ông, trong tuần qua các chỉ số Index diễn biến khá tích cực, VN-Index liên tục tăng nhưng tài khoản nhiều nhà đầu tư vẫn đỏ. Theo ông lý do tại sao?

- Ông Phan Dũng Khánh: Trong tuần qua, các chỉ số Index diễn biến tích cực nhưng lại có sự phân hóa lớn. Dòng tiền chủ yếu hướng vào nhóm cổ phiếu penny (cổ phiếu mệnh giá nhỏ), trong khi nhóm bluechip (cổ phiếu của các DN vốn hóa lớn), nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng lại có xu hướng ngược lại. Vì vậy, rất nhiều nhà đầu tư không xoay chuyển dòng tiền linh hoạt, danh mục thì có thể nhìn thấy là “Index đi lên nhưng danh mục lại đi xuống”. Nếu tiếp tục giữ nhiều cổ phiếu bluechip thì có thể nhìn thấy khả năng lỗ nặng từ nay đến cuối năm.

- Nguyên nhân của xu hướng này là gì, thưa ông?

- Chúng ta có thể thấy, hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục bán ròng trên thị trường. Họ đã bán ròng gần 2 năm rồi và trong 9 tháng đầu năm nay đã bán ròng gần gấp 3 năm ngoái - năm bán ròng kỷ lục trong lịch sử. Không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư tổ chức trong nước cũng bán ròng, chỉ có nhà đầu tư cá nhân là mua thôi. Dòng tiền chủ yếu tập trung nhóm penny là vì vậy, đây là những cổ phiếu có cơ hội tăng giá rất nhiều trong ngắn hạn. Có thể thấy nhiều cổ phiếu đã “tăng bằng lần” trong một thời gian ngắn, trong khi nhóm bluechip đã “được ăn” trong suốt gần 1 năm qua, nên để tăng được 10% bây giờ là rất khó khăn.

- Nhóm cổ phiếu ngân hàng vốn dẫn dắt thị trường trong suốt một thời gian dài, nay lại là nguyên nhân chính kéo âm tài khoản nhà đầu tư, theo ông vì sao?

- Các ngân hàng đang đón nhận nhiều thông tin tiêu cực như nợ xấu tăng nhanh; lợi nhuận trong tương lai chắc chắn sẽ không tăng mạnh như giai đoạn trước do các nhà băng phải hỗ trợ nền kinh tế. Trong khi các ngân hàng đã đi ngược với xu hướng của nền kinh tế trong suốt một thời gian dài, nhiều cổ phiếu đã lập “đỉnh của đỉnh” rồi mới điều chỉnh trở lại trong thời gian ngắn. Vì vậy, tôi nghĩ cổ phiếu ngân hàng sẽ còn lâu mới quay lại được mức đỉnh cũ khi rất nhiều cổ phiếu đã giảm trên dưới 30%, thậm chí như CTG đã giảm gần một nửa.

- Nếu nói về dòng tiền ngoại thì thời gian qua nhà đầu tư nước ngoài đã mua khá mạnh nhiều mã ngân hàng như MBB, STB... Nhưng thực tế là những cổ phiếu này lại đang trong xu hướng giảm khá sâu?

- Câu hỏi này rất nhiều người đang đặt ra. Tuy nhiên phải biết là nhà đầu tư nước ngoài khi mua cổ phiếu nào thì họ nhìn trong 10 năm, còn nhà đầu tư cá nhân của mình thì chỉ nhìn 10 ngày. Đấy là điều khác biệt về quan điểm đầu tư. Nhà đầu tư cá nhân thì đầu tư cổ phiếu, còn nước ngoài họ đầu tư vào doanh nghiệp. Vì vậy, với nhà đầu tư nước ngoài, khi cổ phiếu đi xuống, nhà đầu tư cá nhân bán ra thì họ lại mua vào để đầu tư giá trị. Vì vậy, nếu muốn đầu tư theo xu hướng dòng tiền nước ngoài thì phải xác định bạn có thể nắm giữ cổ phiếu được như họ.

- Một nhóm cổ phiếu nữa là cổ phiếu năng lượng, dầu khí đã tăng khá tốt trong tuần qua. Theo ông sóng này có kéo dài?

- Nhóm này dù biến động không bằng nhóm penny nhưng có yếu tố an toàn trong bối cảnh giá dầu liên tục lập đỉnh và kinh tế mở cửa trở lại giúp nhu cầu năng lượng cải thiện đáng kể. Điều này hứa hẹn tiếp tục hỗ trợ nhóm cổ phiếu dầu khí trong thời gian tới, kể cả ngắn hạn lẫn trung dài hạn. Các dự báo của các tổ chức quốc tế cũng rất lạc quan về nhu cầu năng lượng gia tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhóm này sẽ dễ gặp áp lực chốt lời nên nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng.

- Vậy ông có lời khuyên nào để nhà đầu tư không rơi vào cảnh “Index đi lên nhưng danh mục đi xuống”?

Do xu hướng hiện tại là không tích cực nên nhà đầu tư cần ưu tiên gia tăng tiền mặt trong tài khoản, hạn chế tối đa margin và cơ cấu lại danh mục dần mỗi khi thị trường phục hồi.Những ai có khả năng lướt sóng thì có thể chuyển sang nhóm penny, còn không có thể chuyển sang nhóm phòng thủ nhiều hơn. Nhóm penny giao dịch tích cực hơn các cổ phiếu khác nhưng đang có sự điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng. Tuy vậy trong giai đoạn dòng tiền trên thị trường đi xuống, các cổ phiếu bluechip yếu thì tôi vẫn kỳ vọng nhóm penny sẽ sớm trở lại và nhóm này cũng thường mạnh trong những lúc thị trường đi ngang, giao dịch trầm lắng hoặc đi xuống. Mặc dù vậy do đặc điểm của nhóm này là biến động mạnh nên nhà đầu tư không nên “tất tay”, không nên sử dụng margin.

- Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!