Làm sao để giành huy chương Olympic 2020?

ANTD.VN - Đó là câu hỏi Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đặt ra cho giới quản lý ngành thể thao sau khi Việt Nam đã có tấm HCV đầu tiên nhờ công của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh.

Những tài năng trẻ như Ánh Viên, Phương Trâm nếu được đầu tư đúng mức có hy vọng giành huy chương Olympic bơi lịch sử

Chuyển hướng tập huấn và không để VĐV “đói” dinh dưỡng

Chuẩn bị cho sân chơi Olympic đòi hỏi quá trình dài hơi và có lộ trình cụ thể từ nhiều năm trước. Ngay sau khi Olympic Rio kết thúc, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã có buổi làm việc với Tổng cục TDTT để nói về câu chuyện đầu tư cho thể thao Việt Nam sau Olympic Rio.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu ngành thể thao phải đánh giá những việc chưa làm được của Olympic 2016 để tập trung đầu tư trọng điểm cho Olympic 2020. Một trong những chủ trương được thống nhất sau cuộc họp này đó là chuyển hướng tập huấn sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ...

Trước đây, gần như toàn bộ các môn đều cử VĐV đi tập huấn tại Trung Quốc hoặc thuê chuyên gia Trung Quốc huấn luyện song qua nhiều năm cho thấy không có đột phá về thành tích. Chưa kể, rất nhiều môn VĐV Việt Nam có đối thủ chính là Trung Quốc nên tất cả bài tập, chiến thuật, tình hình VĐV của ta họ biết hết. Đây là tối kỵ trong thể thao. 

Cùng với đó trong 3 năm trở lại, nhiều môn thể thao của Việt Nam chuyển hướng sang tập huấn châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã có thành công vượt bậc. Điển hình như môn bắn súng, Hoàng Xuân Vinh cùng đồng đội sau khi thuê chuyên gia Hàn Quốc, đi tập huấn Hàn Quốc và Mỹ đã có HCV Olympic lịch sử.

Điều kiện cơ sở vật chất tại các địa điểm tập huấn kể trên cũng tốt hơn Trung Quốc rất nhiều và đa số đều cam kết hỗ trợ tối đa cho Việt Nam. Cùng với đó, tại cuộc Tổng kết Olympic, đại diện các bộ môn, VĐV đã có nhiều kiến nghị như tăng tiền ăn, tiền công, chế độ dinh dưỡng, điều kiện cơ sở vật chất tập luyện… gửi tới Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu: “Tổng cục TDTT phải tham mưu bởi cái ăn là điều tối thiểu. Ăn uống thế nào mà VĐV không đủ chất. Tôi đề nghị chế độ dinh dưỡng phải tốt. Tổng cục TDTT phải tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước có thể xem xét, hoặc trong phạm vi của ngành chúng ta có thể đưa ra quyết định”.

Ai đủ sức giành huy chương Olympic 2020?

Đó là câu hỏi không dễ trả lời một cách thỏa đáng mà chỉ có thể đưa ra những dự báo. Hoàng Xuân Vinh - người vừa giành 1HCV, 1HCB Olympic Rio đương nhiên là một cái tên, nhưng bản thân HLV Nguyễn Thị Nhung cũng thừa nhận: “Kết quả của Vinh tại Olympic Rio là xuất thần, kỳ diệu. Để lặp lại điều này ở 4 năm sau, khi Vinh đã 46 tuổi là rất khó”.

Đích ngắm hướng vào những VĐV trẻ tuổi, trong đó lực sỹ 22 tuổi Thạch Kim Tuấn là cái tên sáng giá. Giới chuyên môn tin tưởng sau thất bại Olympic Rio, Kim Tuấn sẽ đứng lên mạnh mẽ bởi đây là VĐV rất có tiềm năng. Cùng với đó, 2 VĐV bơi là Nguyễn Thị Ánh Viên (hạng 9 Olympic) và Nguyễn Diệp Phương Trâm - người có thành tích tốt hơn Ánh Viên ở cùng độ tuổi và cũng đang được tập huấn tại Mỹ dài hạn, kỳ vọng mang về tấm huy chương lịch sử cho bơi Việt Nam. 

Một lãnh đạo Tổng cục TDTT nhận định bắn súng là môn rất có tiềm năng, phù hợp với tố chất người Việt, không mất quá nhiều tiền đầu tư và nếu được quan tâm đúng mức sẽ có thể mang về quả ngọt.

Thêm một niềm hy vọng mới cho thể thao Việt Nam tại Olympic 2020 khi VĐV thể dục dụng cụ Việt kiều Mỹ 14 tuổi Nguyễn Tienna Katelyn - người vừa giành HCV toàn năng giải trẻ Đông Nam Á, quyết định cống hiến cho quê hương và đầu quân cho Trung tâm Huấn luyện thể thao cấp cao Hải Phòng.

Bà Nguyễn Thị Kim Lan, Trưởng bộ môn Thế dục cho biết: “Nguyễn Katelyn học thể dục dụng cụ từ năm 3 tuổi, đã đoạt nhiều huy chương ở giải trẻ tại Mỹ. Bố mẹ Nguyễn rất muốn con cống hiến cho đất nước Việt Nam. Nếu được đầu tư đúng hướng, Nguyễn sẽ có nhiều khả năng đoạt huy chương cho Việt Nam tại ASIAD Palembang 2019 (Indonesia) và cả ở Olympic Tokyo 2020”.