Làm rõ trách nhiệm gây mất điện 22 tỉnh miền Nam

ANTĐ - Hôm qua, 26-5, trao đổi với báo chí về sự cố hy hữu gây mất điện 22 tỉnh miền Nam vừa xảy ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết:

- Đây là sự cố chưa có tiền lệ và để khắc phục không phải đơn giản. Hậu quả đến bây giờ chưa tính toán được chính xác, nhưng rất lớn, không chỉ về kinh tế mà còn về xã hội. Chính phủ đã chỉ đạo giải quyết ngay tức thì, đồng thời, sau sự cố, cũng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo. Bộ đã có báo cáo và đây cũng là một nội dung được đề cập trong phiên họp sáng 26-5 của Chính phủ.  Do đây là một sự cố lớn chưa từng có nên Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương xem xét một cách rất nghiêm túc tất cả mọi mặt để làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm.

- Ngành điện đã giải thích về sự cố mất điện diện rộng nhưng nhiều ý kiến cho rằng chưa thuyết phục. Chính phủ nhận định thế nào về sự việc này?

- Trường hợp này quy định đã có rồi, vậy thì trách nhiệm của ngành, cấp liên quan tới việc thường xuyên kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hành lang này đã đúng chưa? Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện xem xét nghiêm túc. Ngoài ra, ngành điện cũng phải xem xét lại toàn diện các vấn đề để đảm bảo không xảy ra các sự cố lặp lại như vậy và các sự cố có tính nghiêm trọng tương tự.

- Chính phủ cũng như Bộ Công Thương sẽ có giải pháp gì để đề phòng những trường hợp tương tự có thể xảy ra?

- Theo Bộ Công Thương, ngoài lý do mang tính sự cố, cũng còn lý do mang tính kỹ thuật. Chúng ta có lưới điện chằng chịt rất lớn, nhưng đầu dẫn điện vào mới có mấy mạch 500kV. Đúng ra, chúng ta phải có nhiều đầu vào, có nghĩa, tới đây phải đầu tư thêm các đường  dây 500kV dẫn vào lưới điện, cũng như đầu tư thêm một số nguồn phát điện được phân bổ hợp lý. Không phải chúng ta chưa lường được mà trong quy hoạch điện được duyệt đã tính hết các công trình này.  Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Công Thương và ngành điện tích cực tìm các nguồn vốn đầu tư nhanh, bởi nếu không đầu tư nhanh, kịp thời, đất nước thiếu điện thì công nghiệp không phát triển. Điện như “thức ăn” của công nghiệp.

Cần nói thêm, Chính phủ kiên trì lộ trình  điều hành giá điện từng bước tiến tới thị trường. Ngoài việc đảm bảo yêu cầu về giá cho công nghiệp và đời sống của nhân dân, còn yêu cầu rất quan trọng nữa là  phải có mặt bằng giá hợp lý để thị trường không bị méo mó, theo đúng cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cũng tạo sự hấp dẫn để huy động được các thành phần kinh tế đầu tư phát triển nguồn điện và các công trình cần thiết trong mạng lưới điện.

Kêu gọi người dân cùng bảo vệ an toàn lưới điện

Liên quan tới sự việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết: “Qua sự cố vừa rồi, điều đầu tiên chúng tôi có thể thấy được là tính dễ tổn thương của đường dây truyền tải 500kV. Chính phủ cũng giao Bộ Công Thương nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện nguyên nhân, tình trạng, cách khắc phục để đưa ra những biện pháp trong thời gian tới như thế nào. Trong đó, cần tăng cường trách nhiệm tham gia bảo vệ lưới điện. Có hàng chục nghìn kilômét đường dây nên lực lượng của EVN khó bảo vệ một cách tuyệt đối an toàn nếu không có sự ủng hộ, giúp đỡ của các địa phương. Quy định hiện hành cũng đã nêu rõ trách nhiệm của các địa phương. Chúng tôi nghĩ chắc chắn các địa phương cũng phải vào cuộc và đặc biệt là sự vào cuộc của người dân. Sự cố vừa rồi rất hy hữu, nếu tất cả địa phương, nhân dân, tổ chức, đơn vị tại nơi đường dây đi qua có trách nhiệm bảo vệ thì nguy cơ xảy ra sự cố sẽ ít hơn rất nhiều”.