Làm rõ thông tin về chợ bán lợn bệnh, lợn chết ở Thạch Thất

ANTĐ - Dù chưa khẳng định chợ tự phát Cống Đặng, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội thường xuyên diễn ra hoạt động mua, bán lợn bệnh, lợn chết, lợn sề loại thải… nhưng một số vụ thực phẩm bẩn đã từng bị cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện xử lý là có thật.

Chợ tự phát Cống Đặng, xã Bình Phú, Thạch Thất nằm trên hè trước dãy ki-ốt của chủ nhà số 6 Cống Đặng tổ chức

Chợ... tự phát

Mới đây, UBND TP Hà Nội có công văn yêu cầu sở, ngành liên quan, UBND huyện Thạch Thất thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xử lý thông tin về thực phẩm bẩn được bày bán công khai trên địa bàn huyện. Trước đó, UBND TP Hà Nội nhận được công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về việc báo chí nêu vấn đề thực phẩm bẩn tại một số địa phương, trong đó có Hà Nội.

Cụ thể, thông tin phản ánh về tình trạng lợn ốm, bệnh, lợn chết, lợn sề loại thải… được mua bán công khai tại “thủ phủ” chợ tạm Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Ngoài ra, liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng chỉ đạo UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh khẩn trương kiểm tra sự việc báo chí nêu, xử lý theo quy định và báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Bà Nguyễn Thị Hòa, một hộ dân sống cạnh chợ cho biết, gọi là chợ nhưng chỉ có vài chục hộ tham gia mua bán thịt lợn đã được giết mổ từ nhà và được chủ đất ở đây đứng ra thu phí, sắp xếp bàn, ghế để các lái thịt mua bán với nhau. Sau khi chợ tan, chủ đất cùng nhân viên thu dọn để các cửa hàng thuê kinh doanh đồ gỗ nội thất, quần áo… tiếp tục bán hàng.

Theo Thượng úy Cao Quý Hải, Đội trưởng Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, ma túy và môi trường, CAH Thạch Thất, chợ tạm Cống Đặng, xã Bình Phú có hơn 40 hộ thường xuyên mang lợn đã giết, mổ ở nhà đến đây bán.

Họ đều là người dân sống trên địa bàn huyện hoặc một số người ở huyện Quốc Oai. Do thời gian hoạt động của chợ diễn ra ngắn (khoảng từ 3h đến 5h) vào sáng sớm, lượng giao dịch ít, vì vậy công tác quản lý tại đây chưa phát sinh phức tạp, không có phản ánh của nhân dân trong khu vực về mất an toàn giao thông hoặc không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Từ đầu năm 2016 đến nay, Đội CSĐT tội phạm về kinh tế, ma túy và môi trường CAH Thạch Thất đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 6 vụ vận chuyển thực phẩm bẩn như thịt lợn đã chết, gà, vịt đã được giết mổ không có giấy kiểm dịch, hoặc là thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên đã phối hợp cùng các lực lượng liên ngành xử phạt, tiêu hủy theo quy định. Tuy nhiên, các vụ việc trên đều xảy ra ở những nơi khác trên địa bàn huyện chứ không phải ở chợ tạm Cống Đặng, xã Bình Phú”, Thượng úy Cao Quý Hải cho biết.

Nói chợ chuyên bán thịt lợn bệnh là chưa đúng 

Ông Kiều Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất cho biết, chợ tạm Cống Đặng, xã Bình Phú hoạt động mua bán thịt lợn đã giết, mổ có từ nhiều năm nay. Đây là chợ tự phát, quá trình hoạt động có sự giám sát kiểm tra của cán bộ thú y. Nhiều lần, cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, trong đó cũng đã xử lý được một số trường hợp trà trộn thịt lợn không đảm bảo để bán và đã xử phạt.

Còn nếu nói chợ chuyên diễn ra hoạt động mua bán thịt lợn ốm, lợn bệnh là chưa đúng. Mỗi phiên chợ, cán bộ thú y đều kiểm tra theo đúng quy trình. Bên cạnh đó, cán bộ thú y còn sử dụng máy đo pH để kiểm tra, xác định độ tươi của thực phẩm và sẽ biết được thời gian con lợn được giết mổ là bao lâu? Nếu phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng sẽ phối hợp lực lượng liên ngành xử lý nghiêm. 

Đại úy Nguyễn Hồng Dũng, Đội phó Đội 3, Phòng Cảnh sát môi trường (CATP Hà Nội) cho biết, qua rà soát cho thấy, trên địa bàn huyện Thạch Thất có khá nhiều trang trại nuôi lợn với số lượng lớn. Tuy nhiên, những trang trại này chủ yếu nằm trên diện tích đất thuộc các doanh trại quân đội quản lý nên công tác thống kê, kiểm tra gặp không ít khó khăn. 

Theo một chỉ huy Phòng Cảnh sát môi trường, CATP Hà Nội,  qua công tác trinh sát nắm địa bàn, chợ tự phát Cống Đặng, xã Bình Phú trung bình tiêu thụ mỗi ngày khoảng từ 50 đến 60 con lợn. Chợ do ông Nguyễn Văn Tân (SN 1972, ở số 6 Cống Đặng), chủ dãy ki ốt Cống Đặng đứng ra quản lý, thu tiền. Việc kiểm tra vệ sinh thú y chợ, Trạm thú y giao cho ông Cấn Văn Hà (Trưởng ban Thú y xã Bình Phú).

Trước dấu hiệu vi phạm pháp luật, năm 2015, Phòng Cảnh sát môi trường CATP Hà Nội đã lập hồ sơ, bàn giao vụ việc cho Đội Cảnh sát kinh tế, ma túy và môi trường, CAH Thạch Thất xác minh, điều tra xử lý theo quy định.

Bên cạnh đó, Phòng Cảnh sát môi trường cũng đã kiến nghị Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội thanh tra, xử lý trách nhiệm của Trạm thú y huyện Thạch Thất để cán bộ thú y vi phạm Thông tư 04/2012/TT - BTC ngày 5-1-2012 của Bộ Tài chính, đồng thời yêu cầu lực lượng chức năng trên địa bàn huyện cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của chợ; kiến nghị với UBND huyện xem xét sớm có kế hoạch di dời chợ tạm này.                      

Sớm di dời, xóa bỏ chợ tạm

Chiều 29-7, UBND huyện Thạch Thất đã tổ chức họp với các cơ quan liên ngành (Công an huyện, Trạm thú y, Phòng y tế, QLTT, UBND xã Bình Phú...) dưới sự chủ trì của ông Kiều Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, liên quan đến thông tin báo chí phản ánh về tình trạng mua     bán lợn bệnh, lợn ốm giết mổ bán tại chợ tự phát Cống Đặng, xã Bình Phú.

Tại cuộc họp, sau khi nghe các bên báo cáo, lãnh đạo UBND huyện Thạch Thất đã kết luận, thông tin phản ánh chưa đầy đủ hoạt động của chợ tự phát Cống Đặng. UBND huyện Thạch Thất yêu cầu UBND xã Bình Phú sớm có phương án di dời, xóa bỏ chợ tạm này. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của chợ.