Lạm phát năm 2022 vẫn trong tầm kiểm soát?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 5/7, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) tổ chức Hội thảo diễn biến thị trường, giá cả Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm.

Áp lực giá cả có thể chững lại

Theo PGS, TS Nguyễn Bá Minh - Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, CPI bình quân 6 tháng tăng 2,44% so với bình quân cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 6/2022 tăng 3,18 so với tháng 12/2021 và tăng 3,37% so với tháng 6/2021.

Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng tăng 1,25% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (2,44%) phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu.

Theo ông Nguyễn Bá Minh, CPI 6 tháng đầu năm tăng chủ yếu do giá xăng dầu tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,87%; giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,3%.

Ngoài ra, giá vật liệu bảo dưỡng nhà tăng đến gần 8% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt thép, cát… tăng, đã làm CPI chung tăng 0,16%.

Trong 6 tháng cuối năm, ông Minh cho biết, tình hình dịch bệnh (Covid-19, đậu mùa khỉ…) trên thế giới còn diễn biến phức tạp, tương lai của xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine rất khó đoán định, xung đột chính trị trên thế giới còn nhiều bất ổn, khó lường… khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu giảm tốc và làm cho giá cả nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới khó giữ ở mức cao nhất những tháng vừa qua.

Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt, cung - cầu nông sản những tháng cuối năm 2022 sẽ không căng thẳng, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến…

Do đó, vị chuyên gia dự báo CPI bình quân năm 2022 so với năm 2021 có thể tăng ở mức 3,3% - 3,9%.

Một số chuyên gia dự báo áp lực giá cả sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm

Một số chuyên gia dự báo áp lực giá cả sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính cũng cho rằng, với mức lạm phát hiện nay, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn.

Vị chuyên gia cho rằng, nếu lạm phát trung bình cả năm nay vượt mức 4% thì lạm phát trung bình trong 6 tháng cuối năm phải ở mức trên 5,56%, tức là trong giai đoạn còn lại của năm 2022 CPI sẽ phải tăng trung bình hơn 0,7%/tháng. Xác suất xảy ra kịch bản này không cao, vì dù giá xăng dầu và giá các nguyên vật liệu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm, CPI mới chỉ tăng trung bình khoảng 0,5%/tháng.

Trong khi đó, hiện nay, giá xăng dầu và giá nhiều nguyên vật liệu trên thế giới đang có xu hướng giảm khi kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và Fed tăng lãi suất mạnh với tần suất cao.

Do đó, kịch bản nhiều khả năng xảy ra hơn là tốc độ tăng CPI trong 6 tháng cuối năm 2022 sẽ ở mức thấp hơn 0,5%/tháng. Với kịch bản này, TS Nguyễn Đức Độ dự báo lạm phát trung bình trong năm nay sẽ trong tầm kiểm soát, ở mức dưới 3,5%.

Tổng cầu tăng có thể gia tăng áp lực lạm phát

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long lại cho rằng áp lực lạm phát những tháng cuối năm sẽ vẫn rất lớn.

Thứ nhất là kinh tế ta có độ mở lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, vật liệu nhập khẩu từ bên ngoài nên khi nguyên, vật liệu đầu vào tăng sẽ tạo áp lực lớn nhất đến lạm phát những tháng cuối năm.

Thứ hai là giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, đặc biệt là xăng dầu. Thứ ba là Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô 350.000 tỷ đồng cùng với các gói hỗ trợ của năm 2021 đang lan tỏa sẽ làm cho tổng cầu tăng đột biến sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát trong năm 2022 và 2023.

“Từ giữa năm đến quý III sẽ là thời điểm căng thẳng của lạm phát vì ảnh hưởng từ lạm phát chung của thế giới cũng như tính lan tỏa của nó đến kinh tế Việt Nam. Ngoài ra, một rủi ro khác là sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kỳ vọng” – vị chuyên gia nhận định.

Do đó, ông cho rằng nhiều khả năng lạm phát năm 2022 của Việt Nam sẽ cao hơn mức 4% Quốc hội đặt ra, dự kiến trong khoảng 4 - 4,5%.

Còn TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính thì đưa ra 2 kịch bản. Trong đó, nếu 6 tháng cuối năm giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu như hiện nay, lãi suất của các nền kinh tế lớn tăng không quá cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 7,0% - 7,5% thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,5% - 3,8%.

Còn nếu giá dầu thô hạ xuống thấp hơn hiện nay, cơ hội chống lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi gần với dự báo từ đầu năm, các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, khu vực du lịch, dịch vụ tăng trƣởng mạnh mẽ, tăng trưởng năm 2022 đạt mức 7,8% - 8,4% thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,8% - 4,1%.