Lạm phát giảm, tăng trưởng hợp lý

ANTĐ - Ngày 14-5, tại phiên họp thứ 18, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội, ngân sách năm 2012 và tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách những tháng đầu năm 2013.
Lạm phát giảm, tăng trưởng hợp lý ảnh 1
Cần tập trung cho tăng trưởng để đạt kết quả cao hơn


Theo Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh, những tháng đầu năm 2013, lạm phát tiếp tục được kiềm chế. Nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng GDP quý I - 2013 (giá so sánh 2010) ước đạt 4,89%, cao hơn cùng kỳ năm 2012 (4,75%). Ngành xây dựng, sau một thời gian trì trệ, nhờ nỗ lực tháo gỡ khó khăn của các cấp, các ngành, đã có dấu hiệu tăng trưởng trở lại...

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhận định, dù mức tăng trưởng quý I - 2013 không cao như kỳ vọng, nhưng là mức tăng hợp lý trong điều kiện nền kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Cùng kỳ, việc thực hiện các chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, an toàn vệ sinh lao động, cải thiện quan hệ lao động được triển khai đồng bộ, có nhiều tiến bộ so với cùng kỳ năm trước.

Thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, kinh tế 4 tháng đầu năm 2013 đạt được một số kết quả nhất định, song vẫn chưa bảo đảm xu thế tốt hơn. GDP quý I-2013 tăng 4,89% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 4,75% của quý I-2012; nhưng mức tăng này vẫn thấp hơn so với quý I-2011 (tăng 5,53%) và quý I-2010 (tăng 5,84%). Đáng lưu ý, tăng trưởng dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm chỉ đạt 0,03% và đạt 1,4% trong 4 tháng đầu năm; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) quý I - 2013 chỉ tăng 4,9%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2012 (5,9%) phản ánh khả năng hấp thụ vốn và năng lực sản xuất của nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tồn kho tiếp tục là điểm nghẽn của tăng trưởng...

Ủy ban Kinh tế còn cho rằng, áp lực lạm phát năm 2013 là không cao nên trong những tháng còn lại của năm 2013, chính sách kinh tế vĩ mô nên ưu tiên mục tiêu tăng trưởng, để đạt mức tăng 5,5% GDP. Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (tăng cung), các giải pháp tác động đến chính sách tài khoá, tiền tệ để kích thích tổng cầu cần được thực hiện thận trọng, linh hoạt với liều lượng thích hợp, nhưng phải kiên định và nhất quán với mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. 

Đa số ý kiến UBTVQH cùng nhìn nhận, năm 2013 tiếp tục là một năm khó khăn gay gắt. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề nghị phân tích, đánh giá kỹ hơn về tiến trình và hiệu quả tái cơ cấu kinh tế. Nhiều ý kiến khác đề nghị chú trọng triển khai những giải pháp tiền tệ một cách căn cơ, làm sao để dòng vốn thực sự chảy được đến các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. 

Tiết kiệm chi và siết chặt kỷ luật ngân sách cũng là giải pháp được nhiều đại biểu tham dự phiên họp nhấn mạnh. 

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu: “Tại kỳ họp thứ 4, nhiều ĐBQH đã chỉ rất rõ tình trạng lãng phí trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia. Những chương trình, dự án chồng chéo cần được rà soát lại và mạnh dạn cắt giảm, hoặc bỏ hẳn”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ rõ những mặt được và chưa được: “Nếu điều hành tốt, tăng trưởng GDP có thể khá hơn”. Chủ tịch Quốc hội đặc biệt lưu ý nguy cơ mất cân đối ngân sách hiện hữu. Do đó, cần phải phân tích cụ thể các nguồn thu - chi để có giải pháp hữu hiệu. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội phối hợp hoàn chỉnh các báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp tới theo hướng chưa điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng. 

Điều hành phiên họp, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ báo cáo kỹ hơn về kết quả tái cơ cấu nền kinh tế; làm rõ số tiền hoàn thuế, giải pháp xử lý số tiền tạm ứng ngân sách; cụ thể hóa số nợ xây dựng cơ bản của các địa phương... Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan phải xây dựng cho được những kịch bản khác nhau để chuẩn bị đối phó với tình huống, diễn biến phức tạp của nền kinh tế.