Làm mẫu cho cửa hàng thời trang: Cạm bẫy khó tránh

ANTĐ - Qua Đường dây nóng Báo ANTĐ, bạn Lê Thanh Nhung, 17 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội phản ánh: “Theo thỏa thuận, em đến đúng điểm hẹn. Tuy vậy, trong khi tác nghiệp, lấy lý do chỉnh tư thế cho em, người thợ chụp ảnh liên tục sờ soạng khiến em dù rất khiếp sợ nhưng không dám phản ứng”.

Được khoác lên người những bộ cánh đẹp, được chụp ảnh là sở thích của khá nhiều cô gái trẻ 

(Ảnh minh họa)


Những lời chào mời hấp dẫn

Ở một số tuyến phố chuyên bán quần áo thời trang như Chùa Bộc, Hàng Bông, Phạm Ngọc Thạch… hoặc lên mạng, có thể dễ dàng bắt gặp những mẩu thông báo hấp dẫn: “Shop thời trang L.D cần tuyển người mẫu chụp hình catalogue, trang phục váy, áo. Đối tượng là các bạn nữ tuổi từ 16-25 ngoại hình cân đối, số đo 3 vòng chuẩn, có chiều cao 1m65 trở lên, cân nặng dưới 48kg, biết tạo dáng trước ống kính. Thù lao là 500.000 đồng và 1 sản phẩm/ ngày chụp”. Hoặc: “Tuyển người mẫu chụp hình các sản phẩm thời trang, giày dép. Thời gian làm việc là các buổi sáng hàng ngày. Giới tính: Nam hoặc Nữ. Điều kiện: Khuôn mặt đẹp, chiều cao: Nam 170cm-180cm/ Nữ 155cm-165cm, dáng người chuẩn, biết tạo dáng. Mức lương thỏa thuận”.

Việc các cửa hàng thời trang ngày càng gia tăng nhu cầu về người mẫu ảnh cho những bộ sưu tập là nguyên nhân phát sinh trào lưu làm model (người mẫu) shop thời trang của giới trẻ. Với nhiều bạn trẻ, công việc này mang lại nhiều cái lợi, giúp các bạn làm quen và thỏa mãn với niềm đam mê thời trang, tiếp xúc nhiều hơn với xu hướng thời trang mới và có thêm kinh nghiệm khi mở shop quần áo online. Ngoài ra, việc tham gia chụp hình nhiều sẽ khiến hình ảnh của một số bạn sẽ nhanh chóng được biết đến. Hơn nữa, nếu là người mẫu “ruột” của một của hàng thời trang nào đó, người mẫu sẽ được hưởng khá nhiều ưu đãi như mua hàng với giá rẻ, thậm chí còn được tặng sản phẩm.

Đối với những gương mặt quen thuộc, trung bình mỗi buổi chụp ảnh được trả trên dưới 1 triệu đồng. Còn với gương mặt mới, “tiền lương” dao động từ 300.000-500.000 đồng/buổi chụp. Thông thường, những nhãn hàng có thương hiệu tốt thường trả thù lao cao hơn so với các cửa hàng bình dân nhưng việc tuyển dụng lại chặt chẽ hơn, yêu cầu về người mẫu khắt khe hơn. 

Không cần đòi hỏi cao về trình độ, không cần đào tạo bài bản và kiểu cách trang điểm…, chỉ cần bạn có vóc dáng ổn, khuôn mặt ăn hình, biết biểu cảm là có thể sẵn sàng tham gia công việc này. Sàn diễn của các bạn gái không phải là sàn catwalk sang trọng đầy mê hoặc mà đó chỉ là một góc cửa hàng hoặc những con phố, góc đường có khung cảnh đẹp.

Rủi ro khó lường

Cũng theo bạn Lê Thanh Nhung: “Một lần vào mạng, em đọc được một mẩu quảng cáo đăng tin tuyển người mẫu cho cửa hàng thời trang với mức lương khá hấp dẫn là 500.000 đồng/ngày. Điều kiện dự tuyển là nữ sinh trong độ tuổi từ 16-20, cao từ 1m62 trở lên, ngoại hình ưa nhìn, biết tạo dáng. Sau khi đến phỏng vấn trực tiếp và trúng tuyển, em đã rất vui vì nghĩ công việc vừa nhàn, thu nhập cao, lại thỏa mãn niềm đam mê chụp ảnh và được khoác lên người những bộ cánh mới nhất. Tuy vậy, khi đến địa điểm hẹn chụp (là một đầm sen ở khu vực ngoại thành) em chỉ thấy 2 người thanh niên, 1 thợ chụp chính và  phụ việc đứng chờ. Họ đưa cho em một chiếc váy ngắn cũn cỡn để thay và liên lục bắt em đứng, ngồi ở những tư thế hở hang nhất. Không chỉ có vậy, người thợ chụp ảnh còn lợi dụng việc chỉnh sửa quần áo để sờ soạng.

Ban đầu, em nghĩ đó là yêu cầu của công việc nên cố gắng tạo dáng theo chỉ đạo của họ. Song do những hành vi khiếm nhã ngày một tăng nên em đã yêu cầu tạm nghỉ, hôm sau chụp tiếp. Đáp lại lời đề nghị của em người chụp ảnh trơ trẽn nói: “Để tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, hôm nay phải chụp xong bộ ảnh này. Nếu cô em không tiếp tục chụp thì coi như đã tự phá vỡ hợp đồng nên tiền công không được thanh toán”. Đến nước này thì em đành chấp nhận làm việc không công hơn nửa ngày trời. “Vội vã ra về nhưng em vẫn nơm nớp, chỉ sợ đến một lúc nào đó những bức ảnh em đã chụp bị họ tung lên mạng với ý đồ xấu” - Thanh Nhung lo lắng.

Vũ Tâm Đoan, ở phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa - người đã có hơn 1 năm làm người mẫu nghiệp dư cho các cửa hàng quần áo chia sẻ: “Qua giới thiệu của một người bạn, em đã đi làm người mẫu cho một số cửa hàng quần áo, giày dép, kính mắt, phụ kiện. Thời gian đầu công việc này đối với em khá nhẹ nhàng, nhưng càng ngày em càng bị ép làm việc với cường độ cao hơn. Có cửa hàng tuy thuê em với danh nghĩa chụp mẫu quần áo nhưng họ còn yêu cầu em chụp ảnh với túi xách, giày dép hoặc giao thêm việc như đi tiếp thị sản phẩm, sửa quần áo cho khách. Em không đồng ý thì họ dọa không thanh toán tiền lương. Bên cạnh đó, do không phải là người mẫu chuyên nghiệp nên không có ai quản lý, không có người bảo vệ nên mỗi lần đi xa chụp ảnh, em rất lo lắng. Em biết một số bạn đã từng bị quấy rối tình dục, rồi sa ngã, tự đánh mất mình. Có những bạn lại quá ảo tưởng về bản thân mà không hiểu một điều rằng, việc kiếm tiền bằng nghề làm mẫu nghiệp dư chỉ là công việc tạm thời”. 

Theo chị Lê Thúy, chủ một cửa hàng thời trang trên phố Kim Mã, quận Ba Đình: “Hầu hết các cửa hàng đều thay người mẫu liên tục để tránh tình trạng nhàm chán. Ngoài ra, người mẫu nghiệp dư hiện nay quá nhiều nên việc chọn lựa cũng không khó. Mỗi khi có hàng mới về, các chủ cửa hàng sẽ tìm và gọi điện cho một số bạn đến chụp ảnh, sau đó sẽ đưa ảnh lên mạng. Việc tìm được một người mẫu ăn hình, chụp được những bộ ảnh thời trang ấn tượng có ý nghĩa không nhỏ trong việc tiêu thụ sản phẩm của mỗi cửa hàng, đặc biệt là những cửa hàng thời trang online”… . 

Không thể phủ nhận những lợi ích từ việc làm người mẫu nghiệp dư mang lại. Song việc làm này nếu diễn ra thường xuyên sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập, sức khỏe và vẻ bề ngoài của không ít bạn trẻ. Bên cạnh đó, sự chủ quan, thiếu thận trọng khi ký hợp đồng lao động và khi đi làm việc cũng đã khiến không ít bạn trẻ “mắc bẫy”, để rồi phải trả giá khá đắt.