Làm mát “điểm nóng”

ANTĐ - Triển vọng nối lại cuộc đàm phán 6 bên về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đã hiện rõ sau một loạt các hoạt động ngoại giao dồn dập từ phía các đối tác.

Các cuộc đàm phán 6 bên hy vọng sẽ sớm được nối lại

Hôm 14-8 vừa rồi, Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Hàn Quốc Cho Tae-yong đã sang Nga để thảo luận với Thứ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà I. Morgulov về tình hình Bán đảo Triều Tiên. Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga, các vấn đề bình thường hóa tình hình trên Bán đảo Triều Tiên với tâm điểm là giải pháp chính trị - ngoại giao cho vấn đề hạt nhân cũng như tìm kiếm cách thức sớm nối lại đàm phán 6 bên là trọng tâm của cuộc gặp này.

Được khởi động năm 2003, cuộc đàm phán 6 bên (gồm CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Nga) về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên đã lâm vào bế tắc kể từ năm 2008, sau khi Bình Nhưỡng tái khởi động các chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Năm 2009, CHDCND Triều Tiên chính thức rút khỏi cuộc đàm phán, mọi kênh liên lạc bị cắt đứt. “Điểm nóng” - Bán đảo Triều Tiên rơi vào bế tắc.

Bán đảo Triều Tiên vốn ẩn chứa nhiều mâu thuẫn, từ vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, sự hiện diện của hàng vạn lính Mỹ ở Hàn Quốc, đến nguy cơ bùng nổ xung đột giữa hai miền Nam – Bắc…Tuy nhiên, điểm mấu chốt để tháo ngòi nổ trên bán đảo này là chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Không vượt qua được trở ngại này, việc giảm thiểu căng thẳng trên Bán đảo Triền Tiên cũng như các chương trình hòa giải sẽ chỉ là hy vọng.

Đáng mừng là sau thời gian dài băng giá, vòng đàm phán 6 bên có nhiều triển vọng được nối lại. Thêm vào đó, những động thái tích cực diễn ra từ cả hai phía đối đầu, một bên là Hàn Quốc và Mỹ và bên kia là CHDCND Triều Tiên. Ngay sau khi nhậm chức hồi tháng 5, Trưởng đoàn đàm phán 6 bên của Hàn Quốc Cho Tae-yong đã lần lượt có các cuộc thảo luận với các đối tác Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga.

Tháng 4 vừa rồi, trong chuyến thăm lần đầu tiên tới Hàn Quốc kể từ khi nhậm chức, Ngoại trưởng Mỹ J. Kerry đã đề xuất nối lại thỏa thuận viện trợ năm 2005 - hiện không còn hiệu lực - với CHDCND Triều Tiên, trong đó có 240.000 tấn lương thực, nhằm tạo điều kiện để Bình Nhưỡng thực thi “những bước đi có ý nghĩa” để giải trừ hạt nhân. Một biểu hiện khác cho thấy Mỹ mong muốn giảm căng thẳng là việc trong thời gian ở thăm Hàn Quốc, ông J. Kerry đã không đến làng đình chiến Panmunjom trên biên giới giữa hai miền.

Và cuối cùng là thái độ của CHDCND Triều Tiên. Trong các tuyên bố gần đây, Bình Nhưỡng khẳng định sẽ tạm thời ngừng chương trình làm giàu urani ở cơ sở hạt nhân Yongbyon, không tiến hành thử hạt nhân và tên lửa tầm xa, đồng thời sẵn sàng cho phép các thanh sát viên Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) quay trở lại nước này. Động thái này xuất phát từ thực tế CHDCND Triều Tiên hiện đang rất cần sự hỗ trợ cả về kinh tế và chính trị để giải quyết các khó khăn kinh tế trong nước.