"Làm mạnh, làm sớm" - New Zealand hơn 100 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - New Zealand đã đạt được một cột mốc mà nhiều nước mong muốn - hơn 100 ngày không có ca nhiễm Covid-19 nào trong cộng đồng kể từ khi ghi nhận ca cuối cùng tại nước này với nguồn lây không xác định. Chiến lược của New Zealand rất đơn giản, theo cách nói của Thủ tướng Jacinda Ardern, đất nước này phải “làm mạnh, làm sớm”.

Tính đến ngày 10-8, New Zealand đã có 1.219 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó 21 ca vẫn đang được điều trị ở các cơ sở cách ly. Trước đó vào 9-8, quốc gia này ghi nhận đúng 100 ngày không có ca lây truyền trong cộng đồng, còn lại tất cả các ca nhiễm mới đều là người nhập cảnh.

Đến nay, quốc đảo 5 triệu dân này chỉ mới ghi nhận 22 ca tử vong do virus SARS-CoV-2. Trong khi các quốc gia khác như nước láng giềng trong khu vực Thái Bình Dương Australia hay Mỹ đang tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh bùng phát, thì New Zealand đã được coi là một ví dụ điển hình về phòng chống dịch Covid-19. 

"Làm mạnh, làm sớm" - New Zealand hơn 100 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng ảnh 1Cuộc sống đã trở lại bình thường với 5 triệu dân New Zealand

Bí quyết thành công

Bí quyết dẫn đến thành công trong làn sóng dịch thứ 2 này chính là không ngừng xét nghiệm các ca nghi ngờ. Mặc dù gần như đã kiểm soát được virus, các nhà chức trách vẫn tiến hành xét nghiệm cho hàng nghìn người mỗi ngày. Xét cả tiến trình, chiến lược của New Zealand rất đơn giản, theo cách nói của Thủ tướng Jacinda Ardern, đất nước này phải “làm mạnh, làm sớm”.

Khi New Zealand đóng cửa biên giới với người nước ngoài vào ngày 19-3, cả nước chỉ có 28 ca nhiễm được xác nhận. Và khi Thủ tướng thông báo giãn cách xã hội trên toàn quốc vào ngày 23-3, số ca nhiễm mới tăng 102 trường hợp, không có trường hợp tử vong.

Quy định về phong tỏa chốt chặn ở New Zealand tương đối nghiêm ngặt, có nghĩa là người dân không đi lại, không ra biển, không được lái xe ra bên ngoài khu vực lân cận của mình. Các quy tắc nghiêm ngặt nhất đã được áp dụng trong khoảng 5 tuần, sau đó gia hạn thêm 2 tuần nữa. Đó là một phần của chiến lược rộng lớn hơn: loại bỏ virus.

“Loại bỏ không có nghĩa là loại bỏ vĩnh viễn virus SARS-CoV-2 khỏi New Zealand; thay vào đó chúng tôi tự tin rằng đã loại bỏ các chuỗi lây truyền trong cộng đồng của mình trong ít nhất 28 ngày và có thể ngăn chặn hiệu quả bất kỳ ca nhiễm do người nhập cảnh từ nước ngoài trong tương lai”, thông cáo của Bộ Y tế nước này cho biết.

Vào ngày 8-6, khi nữ Thủ tướng Ardern thông báo rằng tất cả các hạn chế sẽ được dỡ bỏ, gần 40.000 xét nghiệm trong 17 ngày trước đó đã không có kết quả dương tính nào. Kể từ tháng 6-2020, đất nước New Zealand đã gần như trở lại bình thường và không cần phải áp dụng hạn chế trở lại. Nhưng họ vẫn hạn chế biên giới chặt chẽ. Chỉ công dân New Zealand mới được phép nhập cảnh và phải cách ly 2 tuần trong một cơ sở được chính phủ phê duyệt. Người New Zealand về nước hiện sẽ bị tính phí 3.100 đôla New Zealand (2.040 USD) cho thời gian cách ly.

Cho tới nay, tổng cộng 95 ca nhiễm Covid-19 ở New Zealand được phát hiện ở  biên giới và 70% ca nhiễm của nước này do người nhập cảnh hoặc các trường hợp liên quan đến nhập cảnh.

Lợi thế riêng của New Zealand

Trên khắp thế giới, người ta đã chú trọng nhiều đến việc đeo khẩu trang để kiểm soát sự lây lan của dịch Covid-19 nhưng ở New Zealand, khẩu trang không phải là một công cụ chính để chống lại đợt dịch bùng phát này. Đó là do đất nước này không có văn hóa đeo khẩu trang và vào tháng 3, khi New Zealand chuẩn bị bắt đầu đóng cửa phong tỏa, rất khó để có thể mua khẩu trang ở các cửa hàng địa phương. 

Ngoài các chiến lược y tế công cộng của New Zealand, đất nước này còn có một số lợi thế tự nhiên. Họ không có biên giới đất liền nên có thể kiểm soát gần như toàn bộ người nhập cảnh. Bên cạnh đó, New Zealand không có mật độ dân cư đông đúc, chỉ ở mức 18 người/km2 theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, thấp hơn nhiều so với 36 người/km2 ở Mỹ và 275 người/km2 ở Vương quốc Anh, nhất là so với Ấn Độ, quốc gia có số ca mắc bệnh cao thứ ba trên thế giới, mật độ lên tới 455 người/km2.

Tuy khẩu trang không nằm trong chiến lược của New Zealand trước đây nhưng Bộ Y tế nước này khuyến cáo, tất cả các hộ gia đình hãy sẵn sàng cho một đợt bùng phát khác có thể xảy ra và không loại trừ phải đeo khẩu trang. Tổng Giám đốc điều hành Bộ Y tế, Tiến sĩ Ashley Bloomfield nói với đài truyền hình quốc gia Radio New Zealand vào tuần trước, nếu trường hợp lây truyền cộng đồng khác ở New Zealand là không thể tránh khỏi thì các quy định cơ bản, trong đó đeo khẩu trang sẽ được áp dụng vào thời điểm thích hợp.

Bí quyết thành công của New Zealand trong làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 này chính là không ngừng xét nghiệm các ca nghi ngờ. Mặc dù gần như đã kiểm soát được virus, các nhà chức trách vẫn tiến hành xét nghiệm cho hàng nghìn người mỗi ngày. Và xét cả tiến trình, chiến lược của New Zealand rất đơn giản, theo cách nói của Thủ tướng Jacinda Ardern, đất nước này phải “làm mạnh, làm sớm”.