Làm lại cuộc đời trên đất cói

ANTĐ - Bây giờ, nhìn cơ ngơi khang trang của anh Phạm Văn Bường (SN 1976), ở xóm 4, xã Nga An, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa nếu không nghe anh kể về quá khứ, chắc chẳng ai nghĩ Bường đã từng phải “bóc lịch” 7 năm trời trong trại giam. Và càng không ai tin, sau ngày mãn hạn tù, anh lại hoàn lương thành công dân tốt, có ích cho xã hội như bây giờ…

Anh Bường (bên trái) thu mua cói

Ra tù tập làm kinh tế

Tiếp tôi trong ngôi nhà nhỏ, trong nhà bừa bộn những cuộn lõi cói chất thành đống, ngoài sân la liệt xi măng, cát, đá và chiếc máy đóng gạch silicat nổ ầm ầm, anh Phạm Xuân Bường bảo rằng, có được công việc làm ăn thế này là phải nhờ sự giúp đỡ rất lớn của các anh Công an huyện Nga Sơn và Hội Doanh nhân. Anh kể rằng, vốn sinh ra, lớn lên ở vùng quê nghèo, Bường làm đủ thứ nghề để kiếm sống. Từ nghề mộc đến đi mua bán sắt vụn… nhưng cuộc sống vẫn luôn khó khăn. Trong một lần không làm chủ được mình, Bường tham gia vụ lừa đảo buôn bán đồng đen và bị phạt 8 năm tù giam. Nhờ cải tạo tốt, đã được đặc xá tha tù sau 7 năm chấp hành án phạt tù vì tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Anh Bường nhớ lại: “Những năm tháng nằm trong trại giam, tôi mới rút ra được bài học cuộc đời của mình. Tôi cố gắng cải tạo thật tốt và mong muốn đến ngày trở về có cơ hội làm lại cuộc đời”. Tháng 5-2007, Bường trở về quê cùng vợ con và quyết chí làm lại từ đầu. Trong niềm vui của ngày đoàn viên, anh Bường vẫn đau đáu trong lòng những mặc cảm, tự ti về thân phận của một người có quá khứ lỗi lầm. Anh tâm sự: “Ngày mới ra tù, chỉ có 2 bàn tay trắng, không công ăn việc làm, trong khi đó kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Tài sản được coi là có giá trị nhất lúc này chỉ là 2 sào ruộng”. 

Trở về, chưa hết niềm vui được tự do thì lại canh cánh lo không biết làm gì ra tiền, muốn cày cuốc nhưng chẳng có đất. Suốt mấy năm đi tù, vợ anh ở nhà cũng chỉ buôn bán nhì nhằng đắp đổi qua ngày. Hồi đầu, Bường đi làm thuê cho xưởng mộc trong xã, mỗi ngày được 50 nghìn đồng nên không đủ chi tiêu cho cái gia đình tới 5 miệng ăn. Bỏ xưởng mộc, Bường xoay ra đi làm thuê cho xưởng gạch silicat, thu nhập cũng chẳng hơn. Nhưng những ngày đi làm thuê cho xưởng gạch mới thấy nhu cầu gạch rất lớn, vậy là nghĩ tới chuyện mình sẽ tự làm. Thế nhưng, làm ăn lúc ấy thật khó khăn vì trong tay Bường không có đồng vốn nào. Anh cũng đã từng lặn lội đi vay khắp các ngân hàng, tổ chức, cá nhân… nhưng bị từ chối. 

Không để phụ lòng những người tốt

Cứ loay hoay thế cho tới cuối năm 2008, sau khi Công an huyện Nga Sơn và Hội doanh nhân thực hiện mô hình “Doanh nhân với an ninh trật tự” và triển khai cho người lầm lỗi hoàn lương vay vốn từ “Quỹ Doanh nhân phòng chống tội phạm”, Bường là một trong những người đầu tiên được xét duyệt và được Quỹ cho vay 5 triệu đồng. Nhờ có sự bảo lãnh của Công an huyện mà sau đó Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cũng chấp thuận cho anh vay thêm 10 triệu đồng. Huy động hết cả anh em, họ hàng hai bên nội ngoại được thêm 10 triệu đồng nữa, vậy là vừa đủ mua giàn máy đóng gạch. 

Anh Bường lại mua máy móc sản xuất gạch bi xi-măng và thu mua cói, mở rộng sản xuất. Thấy Bường chí thú, Quỹ “Doanh nhân với an ninh trật tự” tiếp tục cho anh vay với tổng vốn 55 triệu đồng. Làm ăn chăm chỉ, cơ ngơi của Bường ngày một phát triển. Hiện cơ sở gạch bi xi-măng của Bường mỗi ngày sản xuất từ 2.500-3.000 viên gạch. Ngoài ra, Bường thuê thêm hơn chục lao động làm lõi cói, thu nhập từ 1,2 triệu đồng/tháng trở lên và tạo việc làm tại nhà cho 150 lao động trong thôn. Nghị lực hoàn lương của Phạm Xuân Bường đã được tiếp thêm sức mạnh khi anh được Công an và Hiệp hội Doanh nhân huyện Nga Sơn động viên, khích lệ. Anh là một trong số những người hoàn lương đầu tiên được vay vốn từ nguồn “Quỹ doanh nhân phòng chống tội phạm”. Với bản tính cần cù, chịu khó, gạch của anh Bường dần dần chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình. 

Thấy có triển vọng, đầu năm 2009, Công an và Hiệp hội Doanh nhân huyện Nga Sơn đã bảo lãnh với Ngân hàng chính sách xã hội huyện tiếp tục cho anh vay thêm 20 triệu đồng để anh mở rộng sản xuất. Có thêm nguồn vốn này, Bường tiếp tục đầu tư mở đại lý thu mua lõi cói xuất khẩu, đem lại thu nhập khá. Giờ đây Phạm Xuân Bường đã trở thành chủ cơ sở sản xuất ăn nên làm ra. Không những vượt qua mặc cảm, vươn lên làm giàu chính đáng cho mình, anh còn tạo công ăn, việc làm ổn định cho hàng chục lao động của địa phương với mức lương trung bình từ 1 đến 3 triệu đồng/tháng. 

Không chỉ tích cực lao động sản xuất, anh Bường còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội, giữ gìn ANTT ở địa phương. Bằng sự trải nghiệm của bản thân, anh Bường đã gần gũi, sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, vươn lên thoát nghèo với bà con trong thôn xóm; Tích cực tham gia hòa giải, động viên mọi người quý trọng giá trị của sức lao động chân chính, của cuộc sống tự do, biết tuân thủ theo pháp luật. Từ sự chân thành và trách nhiệm với cộng đồng anh đã gắn bó hơn với bà con xóm giềng, thường xuyên quan tâm đến công tác đảm bảo ANTT ở cộng đồng dân cư. Gương mẫu trong cuộc sống gia đình và chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước, chung tay xây dựng đời sống nông thôn mới được chính quyền cùng bà con lối xóm tín nhiệm bầu làm tổ phó Tổ ANXH thôn 4 xã Nga An.

Nhân lên những tấm gương hoàn lương

Giữa vòng quay hối hả của cuộc sống, tìm được một hướng đi đúng giúp người lầm lỗi hoàn lương, lâu nay vốn đã là một bài toán khó. Đối với anh Phạm Xuân Bường, nghị lực vươn lên của bản thân cộng với trách nhiệm của cộng đồng xã hội, những việc làm đầy tính nhân văn của lực lượng công an và hiệp hội doanh nhân Nga Sơn đã giúp anh trở thành một người lao động chân chính, một công dân gương mẫu trên quê hương mình. Anh thật sự là tấm gương vượt qua lỗi lầm trở thành người công dân gương mẫu đáng để những người sau khi mãn hạn tù và được đặc xá tha tù trước thời hạn học tập, noi theo.

Ông Trịnh Minh Thư, Chủ tịch UBND xã Nga An, cho biết: “Tại Nga An có hai trường hợp sau khi mãn hạn tù trở về quê quyết tâm phục thiện, làm giàu gồm: Phạm Văn Bường và Bùi Bá Sơn. Cả hai trường hợp này đều được Công an huyện cho vay vốn để phát triển kinh tế. Từ khi anh Bường tu chí làm ăn, chính quyền còn tạo quỹ đất cho anh có điều kiện mở rộng sản xuất. Bà con không ai còn e ngại, dè chừng”. Chính từ sự quan tâm của cộng đồng cùng với nghị lực của bản thân, Bường từ một nguời lầm lỗi đã xóa bỏ mặc cảm, từ bỏ quá khứ vươn lên trong cuộc sống, trở thành công dân gương mẫu.