“Làm khó” doanh nghiệp nhập khẩu ôtô

(ANTĐ) - Theo đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô trong nước, Thông tư 20 của Bộ Công Thương mới được ban hành ít ngày có thể khiến hàng nghìn doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản và người tiêu dùng sẽ bị  thiệt thòi.

“Làm khó” doanh nghiệp nhập khẩu ôtô

(ANTĐ) - Theo đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô trong nước, Thông tư 20 của Bộ Công Thương mới được ban hành ít ngày có thể khiến hàng nghìn doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản và người tiêu dùng sẽ bị  thiệt thòi.

Thông tư 20/2011/TT-BCT quy định rõ, khi làm thủ tục nhập khẩu các loại ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống, doanh nghiệp ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành còn phải bổ sung giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ôtô đó; đồng thời phải có giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng do Bộ Giao thông Vận tải cấp.

Theo số liệu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam thì hiện nước ta có khoảng 2.000 doanh nghiệp thương mại kinh doanh xe nhập khẩu. Số doanh nghiệp này chiếm khoảng 50% thị trường và đang gia tăng nhờ những lợi thế như sự linh hoạt về giá cả, thời gian giao hàng, sự đa dạng chủng loại xe… Để đáp ứng điều này, các doanh nghiệp thường nhập khẩu các model xe của nhiều hãng khác nhau từ công ty thương mại tại nước ngoài. Vì vậy, việc có được giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng là không thể, dù chỉ là một hãng chứ chưa nói là nhiều hãng.

Ngoài ra để có được Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện do Bộ Giao thông Vận tải cấp, doanh nghiệp phải tìm hiểu và xin bổ sung các giấy phép liên quan, phải tìm kiếm và thuê thêm nhà xưởng, phải đặt hàng mua máy móc thiết bị từ nước ngoài, phải tuyển dụng mới và đào tạo nhân công... Tuy nhiên, theo lộ trình của Thông tư 20 đưa ra thì doanh nghiệp chỉ còn hơn một tháng để làm tất cả các khâu này. Hơn nữa, hiện nay các quy chuẩn, tiêu chí, cách thức cũng như thời gian để được Bộ Giao thông Vận tải cấp Giấy chứng nhận cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ôtô đủ điều kiện mới chỉ ở dạng dự thảo nên việc có được các giấy tờ này quả là… đánh đố.

“Thông tư 20 giống như một quyết định "khai tử" đối với thị trường ôtô nhập khẩu thông qua các doanh nghiệp thương mại vì để có được các giấy tờ theo quy định là việc bất khả thi. Vấn đề là ai sẽ được hưởng lợi khi Thông tư này có hiệu lực? Người tiêu dùng rõ ràng là không vì hàng nghìn doanh nghiệp nhập khẩu mà giá ôtô trong nước vẫn cao, nếu chỉ còn số ít doanh nghiệp thì không biết giá cả sẽ bị đẩy tới đâu. Cái lợi rõ nhất là các công ty liên doanh nhập khẩu thuộc VAMA vốn đã được hưởng quá nhiều ưu đãi của Chính phủ cho hoạt động sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước. Nay họ lại được hưởng lợi thêm từ hoạt động nhập khẩu, như thế rõ ràng là sự phân biệt đối xử với chúng tôi” - đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu ôtô bức xúc.

Cũng theo đại diện các doanh nghiệp này, nếu Thông tư 20 được thực hiện, đồng nghĩa với việc 2.000 doanh nghiệp sẽ phải đóng cửa, và như thế, hàng chục nghìn lao động đang làm việc cho họ sẽ phải thất nghiệp. Ngoài ra, Thông tư này cũng có thể gián tiếp khuyến khích việc nhập khẩu xe cũ, trái với chủ trương của Chính phủ.

Để “cứu vãn” mình, hàng chục doanh nghiệp nhập khẩu ôtô lớn đã cùng ký chung bản kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Bộ Tư pháp. Theo đó, các doanh nghiệp kiến nghị đưa ra một lối thoát hợp lí cho các lô hàng họ đã kí với các đối tác nước ngoài trước ngày 12-5-2011 - ngày Bộ Công Thương ký  ban hành Thông tư 20, nhưng thời gian nhận hàng tại Việt Nam lại sau ngày 26-6-2011 thời điểm Thông tư 20 có hiệu lực thi hành. Cùng với đó là một cơ chế phù hợp tránh đẩy các doanh nghiệp này vào nguy cơ phá sản.

Linh Nhật