Làm gì trước hàng loạt vụ tử tự tuổi dậy thì?

ANTĐ - Liên tiếp từ đầu năm 2012 đến nay, hàng loạt vụ tự tử thương tâm của học sinh trên cả nước đã diễn ra khiến không ít bậc cha mẹ, thầy cô bàng hoàng.

Lý do tự tử của các em hết sức đơn giản, những dấu hiệu báo trước các cuộc ra đi này đều xuất hiện song người lớn đã bỏ qua hoặc không biết, dẫn đến hậu quả đau lòng. Con trẻ ra đi, báo động cho mối dây trò chuyện, cảm thông giữa người lớn và trẻ em còn quá lỏng lẻo, hệ thống tư vấn cho lứa tuổi dậy thì còn quá yếu kém, nếu không nói đây là khoảng trống lớn trong công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em hiện nay.

Tự tử tập thể vì mất sổ đầu bài?

Người dân huyện Đắk Mil - Đắk Nông chưa hết bàng hoàng vì 3 nữ sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (xã Đắk sắk, huyện Đắk Mil) hẹn nhau chết cùng một lúc vào trưa ngày 17/3. Nguyên nhân ban đầu được phỏng đoán là do các nữ sinh này bị áp lực từ việc mất sổ đầu bài trong lớp cùng với một số những nhiễu động tâm lý từ gia đình đã khiến các em tìm đến cái chết.

Khoảng 10h sáng ngày 17/3, theo lời kể của bạn bè lớp 7A2, 3 em Lê Thị Bích Loan, Nguyễn Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (cùng SN 1998, học lớp 7A2), trong giờ giải lao đã cùng nhau vào nhà vệ sinh. 30 phút sau, nhiều học sinh phát hiện 2 em Nhung và Hạnh ngất xỉu gần khu vực nhà vệ sinh. Cùng lúc đó, Loan cũng được phát hiện ngất xỉu trong lớp. Dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng các em đã tử vong sau đó khoảng 30 phút.

Ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan công an đã tiến hành khám nghiệm tử thi, thu giữ cặp sách và một chai nước cam đã uống gần hết. Loại thuốc các em uống được xác định không phải thuốc trừ sâu, thuốc cỏ, mà có thể là chất để làm bả chó, một loại chất cực độc.

Cô Trần Thị Nhài, giáo viên chủ nhiệm của các em kể lại, buổi trưa định mệnh đó là ngày cuối tuần, cả lớp đang tổ chức điểm lại một số nội dung trong tuần và lên kế hoạch cho tuần tới. Khi điểm danh thì thấy 2 em là Nguyễn Thị Cẩm Nhung và Nguyễn Thị Mỹ Hạnh không có trong lớp, các bạn cùng bàn bảo rằng hai em mang sổ đầu bài đi tìm giáo viên bộ môn để ký sổ. Lúc đi xuống cuối lớp, cô Nhài thấy em Lê Thị Bích Loan nằm gục mặt xuống bàn, mọi người đến nâng dậy thấy mặt mày L. tím tái, người mềm nhũn như bị trúng gió, liền dìu L. xuống phòng y tế trường. Cùng lúc đó các bạn học sinh khác đến báo Nhung và Hạnh cũng đang bị tương tự ở góc trường.

Một số bạn học cho biết, trước đó vào sáng ngày 15/3, em Nguyễn Thị Cẩm Nhung đã mang tới lớp một chai nước suối và nói: “Trong này có thuốc độc. Hôm nay đến gặp bạn bè lần cuối để cả 3 cùng ra đi”. Khi Nhung cầm chai nước ra đưa lên uống thì được bạn can ngăn, cướp lấy chai nước đem đổ đi.

Sự việc gây chấn động dư luận khi sau đó, những dòng nhật ký buồn của em Hạnh đã được phát hiện ra. Trong nhật ký, Hạnh đã nhiều lần than buồn và muốn rời khỏi trần đời. Trong đó em có nhắc đến một ngày nào đó cả ba sẽ cùng được chết để cùng đến một thế giới khác...

Xin trích lại nguyên văn dòng nhật ký tuyệt mệnh của em Hạnh như sau: “Hôm nay vì một chút buồn phiền ở lớp mà xíu nữa là mình đã đi rồi, hôm nay thật là buồn, N hơi quá đáng nên mình mới định chia tay cuộc đời. Nhưng sao càng gần ngày đó, mình càng thấy sợ hãi và càng lo lắng, chỉ có khi nào gặp chuyện buồn, mình mới có cơ hội ra đi mà thôi. Mình sẽ cố gắng viết nhật ký thêm ít ngày nữa”.

Ở một trang nhật ký khác, H. lại ghi: “Sắp đến ngày chia tay cuộc đời rồi, mình sẽ có một thế giới thiên đường mới...”.

Qua dòng nhật ký cho thấy, tâm lý bi quan của H. đã xuất hiện trước đó từ rất lâu, H. liên tục nhắc đến cái chết, mà chỉ cần có cơ hội là sẽ ra đi. Cả ba cũng đã bàn ngày cụ thể để chết. Hành động tự tử cũng đã từng xảy ra tuy chưa thành công, vào ngày 15/3.

5 nữ sinh buộc khăn quàng tự vẫn vì cắt máu ăn thề cùng sống chết

Sự việc diễn ra tháng 3 vừa qua khiến chúng tôi không thể không nhắc lại vụ tự tử tập thể của 5 nữ sinh lớp 7B Trường THCS xã Phượng Hoàng, xảy ra tháng 5/2006. 5 nữ sinh này đang độ tuổi 13, gồm Nguyễn Hoàng Hà, Nguyễn Thị Tâm, Phạm Thị Hồng và Bùi Thị Nguyên - Bùi Thị Thủy (hai chị em sinh đôi).

Để lại những bức thư tuyệt mệnh cho người thân và bạn bè, các em cho biết mình chủ động chấm dứt cuộc sống vì bị bố mẹ trách mắng. Lá thư có đoạn: “Chào tập thể lớp 7B, hôm nay là ngày cuối cùng chúng tôi viết lại cho các bạn. Tôi rất buồn vì chúng tôi lại là những đứa con bất hiếu nhưng chúng tôi cũng khổ lắm. Đứa 1 do nhà có 2 con gái nên bị mắng nhục lắm. Đứa 2 do nhà có 5 con gái nên cũng bị mắng nhiều lắm. Đứa 3, do cha mẹ bắt ép quá mức nên cũng phải chịu. Đứa 5 do bố mẹ mắng nhiều quá. Chúng tôi rất nhớ 7B và mong các bạn hiểu cho chúng tôi. Rất nhớ và mãi yêu lớp 7B. Cuối cùng chúng tôi xin cám ơn những người nhặt được xin hãy đưa cho bạn X. lớp 7B”.

5 nữ sinh này đã buộc tay nhau bằng khăn quàng đỏ, thành một vòng tròn và nhảy xuống sông Thái Bình chiều tối 24/5/2006. Mọi nỗ lực tìm kiếm của người thân, láng giềng và bạn bè của 5 em chỉ tìm được là 5 chiếc cặp sách, 2 xe đạp và đôi dép của các em tại trạm bơm của xã. Mãi đến sáng 26/5/2006, mọi người mới phát hiện xác của 5 em.

Qua tìm hiểu, các em là những học sinh ngoan, còn chuyện bị cha mẹ có lúc trách mắng là chuyện không có gì ghê gớm. Tuy nhiên, do 5 em này lập thành một nhóm chơi rất thân (tên nhóm là Tám Lệ) và đã cắt máu ăn thề sống chết, đây chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc quyên sinh của các em.

Được biết, trước khi đi tự tử, em Nguyễn Thị Tâm đã đưa cho em Phạm Thị Hạnh khăn mùi soa bảo giữ làm kỷ niệm. Em Hạnh mở khăn ra thấy tên của 5 người đã bị gạch là Bùi Thị Thủy, Bùi Thị Nguyên, Nguyễn Thị Tâm, Phạm Thị Hồng, Phạm Thị Thủy. Hạnh ngạc nhiên hỏi thì Tâm không trả lời...

Và những cái chết đơn lẻ với những lý do trời ơi đất hỡi

Có thể kể ra đây liên tiếp những vụ tự tử gần đây của nữ sinh trên cả nước, với những lý do không đáng để chết.

Cụ thể, ngày 10/2/2012, cho rằng bị làm nhục trước nhiều người, cháu Lương Thị H (sinh năm 1997) là học sinh Trường THCS xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng, Hải Dương) đã tìm đến cái chết. Trước khi ra đi, H. có để lại một lá thư tuyệt mệnh với vẻn vẹn 7 chữ “vĩnh biệt cuộc đời này mãi mãi”. Theo một số người dân, nguyên nhân dẫn tới cái chết có thể là do H. bị bà chủ hàng quần áo nghi trộm đồ và có hành động làm nhục H. trước đám đông.

Đại tá Nguyễn Văn Việt - Trưởng Công an huyện Cẩm Giàng cho biết, đúng là có việc cháu H. mang 1 chiếc quần ra khỏi cửa hàng và mặc chiếc quần của cửa hàng vào người. Khi phát hiện ra sự việc chủ quán đã yêu cầu H. vào trong nhà cởi quần ra rồi gọi gia đình H. lên. Trưởng Công an huyện Cẩm Giàng cũng kết luận: “Qua xác minh, có việc chủ quán yêu cầu H. cởi quần nhưng là cởi ở trong nhà chứ không phải ở ngoài đường, trước đám đông. Đồng thời cũng không có việc trói vào cột điện, cái này là do nạn nhân suy nghĩ tiêu cực mà thôi”.

Ngày 28/2, nữ sinh M.T lớp 12 Anh THPT chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) thắt cổ tự tử trong kí túc xá. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do nữ sinh này bị nghi lấy đồ ở trong phòng. Sau khi xảy ra sự việc, cơ quan điều tra đã tiến hành lấy lời khai của 7 nữ sinh cùng phòng. Sau khi tìm hiểu cụ thể về sự việc, phía công an khẳng định nguyên nhân dẫn tới sự việc đau lòng này không phải do một nữ sinh nào trong phòng. Đây là một sự việc đáng tiếc do sự bồng bột của các bạn trẻ.

Tháng 1/2012, nữ sinh K.O lớp 12 của trường THPT tư thục Đông Quan (huyện Đông Hưng, Thái Bình) đã nhảy từ tầng 2 xuống đất trong giờ học môn Toán ngày 7/1. Lý do là, cô giáo dạy môn toán sửa một bài kiểm tra và yêu cầu các học sinh làm sai các lỗi thường gặp chép lại nhiều lần bài kiểm tra. K.O đã phản đối yêu cầu này khiến cô giáo đề nghị em hoặc đứng vào góc lớp, hoặc đi ra ngoài. Em đã chọn cách đi ra ngoài và bất ngờ nhảy xuống đất. Ngay sau đó, K.O được đi cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.

Ngày 11/3, em Lầu Thị Dế, học sinh lớp 11, Trường Dân tộc nội trú huyện Điện Biên Đông đã ăn lá ngón để tự vẫn, vì Dế đã làm hỏng chiếc điện thoại di động bố cho. Khi bố nói “Con dùng điện thoại phải giữ cẩn thận, hỏng bố không có tiền sửa cho con đâu!”, Dế đã lo sợ và tự tử. Sáng ngày 12/3, người nhà phát hiện em đã tử vong ở trong rừng thuộc địa phận xã Suối Lư, huyện Điện Biên Đông, trên tay Dế vẫn còn cầm chặt nắm lá ngón và những dấu hiệu tử vong do nhiễm độc lá ngón.

Trẻ tự tử: Có quá đột ngột cho người thân và bạn bè?

Những vụ tự tử của học sinh thời gian gần đây đã gây choáng váng cho người thân và bạn bè. Sự ra đi đột ngột của các em khiến người thân không hiểu vì sao các em lại từ giã cuộc đời chỉ vì những lí do nhỏ nhặt, không đáng. Cách tự tử của các em cũng rất quyết liệt, khả năng tự tử thành công cao và nếu có sống sót cũng để lại di chứng lâu dài.

Song, với bà Trần Hồng Điệp, Giám đốc điều hành Trung tâm Phòng chống khủng hoảng tâm lý, thì mỗi trường hợp đều có dấu hiệu báo trước. “Trường hợp 3 em ở Đắc Nông, nhìn bên ngoài ta tưởng đó là hành vi đột ngột, tự dưng xảy ra. Nhưng khi nhìn lại chúng ta thấy, các em đã trải qua một giai đoạn khủng hoảng qua những dòng nhật ký và có những dấu hiệu khủng hoảng như trước đó, các bạn đã phát hiện 3 em có chai gì đó rất bất thường. Mọi người đã nhìn thấy và vứt đi, song lại xem đó là chuyện nhỏ, cho qua. Và đến lần 2 thì các em tự tử thành công.

Và bạn gái tự tử gần đây nhất là học lớp 12, bị nghi ăn cắp quần bò ở chợ. Nhà bạn này có 2 chị em. Trước ngày tự tử, bạn ấy có tích cóp được một khoản tiền tiết kiệm và cho chị gái. Khi người ta xác định ra đi, họ thường cho đi những vật quý giá nhất, trong trường hợp này là cho chị gái tiền tiết kiệm.

Với 5 em học sinh lớp 7 ở Hải Dương buộc tay khăn quàng đỏ nhảy xuống sông, phải có một thời gian dài các em bị khủng hoảng tâm lý, bị bố mẹ mắng lâu dài, chứ không chỉ là sự kiện cuối cùng nhỏ lẻ dẫn tới các em tự tử. Chúng ta phải đặt câu hỏi là trước đó các em trải qua khủng hoảng tâm lý có dài không, sống như thế nào? Có yếu tố nguy cơ là tính cách yếu đuối không? Em có bị cô lập trong gia đình không? Em có nhiều nỗi buồn không chia sẻ được không? Chúng ta phải nhìn cả chuỗi vấn đề, chứ đừng nhìn cái kết thúc”.

Bà Ninh Thị Hồng, nguyên Phó chánh Thanh tra Bộ Lao động Thương binh Xã hội, hiện đang làm tại Hội Bảo vệ quyền trẻ em, phân tích từ thực tế tiếp xúc với những vụ việc liên quan đến trẻ tự tử đau lòng kể lại: “Có nhiều trường hợp trẻ tự tử vì đã bị miệt thị, xúc phạm một thời gian dài. Trường hợp tôi trực tiếp điều tra cùng công an đó là vụ ở Quảng Ngãi cách đây 10 năm, khi có 3 em nhỏ dưới 9 tuổi cùng chết ở cái ao. Hồi đó, người dân tin rằng có ai đánh chết rồi vứt xác các em xuống hố. Thậm chí, khi tìm ra được một lá thư tuyệt mệnh của em, mọi người còn tin rằng có ai đó mạo danh cháu bé để viết, vì trẻ con mới 9 tuổi biết gì mà tự tử? Chúng tôi đã đọc thư đó và thấy bé than rằng: “Mẹ mắng con, dùng những từ rất miệt thị: Mày ngu lắm, mày không đáng ăn bát cơm, mà chỉ đáng ăn bát c... Mày sống chỉ làm khổ tao. Mày chết đi thì tao nhẹ nơ”. Sau khi giám định chữ viết nhiều lần và hỏi han các em cùng lớp, chúng tôi biết rằng, em đã từng khóc với bạn cùng lớp nói về việc bị mẹ mắng. Chính vì thế, em đã viết thư để lại, rồi nhảy xuống ao cùng 2 em nữa mới 6, 7 tuổi.

Cũng có nhiều trẻ tôi biết, đã tự tử khi bị xúc phạm nặng nề. Có thể trận đòn đau không làm các em nhớ bằng những lời miệt thị, nhục mạ, dùng lời lẽ xúc phạm nhân phẩm... Nó khiến các em thất vọng, khiến các em thấy bế tắc, sống cũng không có lối thoát, không có chỗ bấu víu... Như vậy, hành vi tự tử không phải là đột ngột, mà âm ỉ một thời gian dài”.

Vì sao tuổi dậy thì lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tự tử?

Theo điều tra quốc gia về vị thành niên và thanh niên Việt Nam lần thứ 2, do Bộ Y tế, Tổng cục Thống kê, WHO, Unicet tổ chức năm 2010, điều tra trên 10.000 thanh thiếu niên, thực hiện tại 63 tỉnh thành, thì có tới 409 người (4,1%) có ý định tự tử, cao gấp 2 lần so với 5 năm trước. Trong 409 người, có 102 người (25%)đã tìm cách tự tử. 32,6% trong số đã thực hiện hành vi tự tử, đã cố gắng tự tử trong 12 tháng qua.

Rất nhiều nhà tâm lý, bác sĩ tâm thần đều chung một nhận định, lứa tuổi dậy thì, từ 13-16, hành vi tự tử thường diễn ra bộc phát và rất nhanh, do nhiều yếu tố “bất thường” ở giai đoạn này.

Với bà Hồng, nguyên nhân có thể là do trẻ nghĩ về cái chết rất đơn giản. Lúc đó, cái chết chỉ như một giấc ngủ, sau đó tỉnh dậy sẽ được sống một cuộc sống tươi đẹp hơn, được đầu thai vào gia đình khác tốt hơn, không còn những bế tắc cũ nữa.

Song, một lý do quan trọng hơn chính là thời điểm này, trẻ đang học và thích trở thành người lớn. Đây là độ tuổi được nhận định là trẻ dễ rơi vào khủng hoảng tâm lý lứa tuổi, là một tất yếu trong giai đoạn chuyển tiếp của các em. Bà Trần Hồng Điệp phân tích: “Khi rơi vào khủng hoảng tâm lý, các em thấy giằng xé, mâu thuẫn trong chính bản thân. Lúc bé thì nghe theo bố mẹ, nhưng lớn lên một chút thì sẽ tiếp nhận thêm luồng quan điểm của bạn bè, Internet, dẫn tới mâu thuẫn trong tâm lý bản thân để tìm ra chân lí cho mình.

Chưa kể là yếu tố sinh lý nữa, khi giai đoạn này trẻ kích thích tăng trưởng, hormone giới tính tăng, dẫn tới các quyết định của trẻ rất bốc đồng. Khi gặp phải những áp lực từ phía gia đình và xã hội, như phải đỗ đại học, phải thành đạt, phải kiếm được nhiều tiền... khiến các em gồng mình lên đạt kì vọng của các người khác. Khi không được, trẻ sẽ thất vọng, chán nản và dễ hành động bồng bột. Chúng ta có thể thấy, sau kì thi đại học, rất nhiều vụ tự tử tăng lên là một minh chứng cho việc trẻ thất vọng về bản thân mình”.

Trong thực tế, từ việc có ý định tự tử đến thực hiện hành vi tự tử, cần một quãng thời gian nung nấu và đấu tranh giữa lí do để sống và lí do để chết. Khi lí do giữ họ sống đủ mạnh, thì người ta sẽ chưa chuyển sang kế hoạch và hành động. Nhưng khi không tìm thấy lí do để sống, lại thêm 1 lí do để chết nữa, sẽ đẩy người đó từ có ý nghĩ sang kế hoạch rồi chuyển sang hành vi. Song ở giới trẻ, đôi khi quãng thời gian nung nấu đó ngắn, sự trải nghiệm ít, kĩ năng trải qua khó khăn không nhiều, khiến các em đưa ra quyết định nhanh, mặc dù lúc đó các em không hẳn muốn chết mà là muốn chấm dứt nỗi đau hiện tại. Rất nhiều người lầm tưởng người tự tử là muốn chết, nhưng không hoàn toàn đúng. Phỏng vấn những người thoát chết sau khi tự tử cho thấy, họ rất mập mờ giữa cái sống và cái chết. Đôi khi chỉ đơn giản là chấm dứt nỗi đau đang có mà thôi.

Dấu hiệu nào nhận biết trẻ đang có ý định tự tử?

Có lẽ, sau hàng loạt vụ tự tử vừa diễn ra, không ít phụ huynh đặt cho mình câu hỏi xen lẫn sự hoang mang, làm sao để phát hiện con mình đang có những biểu hiện không bình thường, đang có nguy cơ tự tử?

Vẫn biết rằng mỗi em có một thế giới ­riêng, không ai giống ai, song các nhà nghiên cứu đã tìm ra những dấu hiệu chung, dễ nhận biết để các bậc cha mẹ có thể quan sát con cái. Bởi như đã phân tích ở trên, trẻ chỉ có thể thực hiện hành vi tự tử khi phải trải qua một quá trình khủng hoảng tâm lý. Quá trình này phải được các ông bố bà mẹ - người gác cổng, phát hiện và “sơ cứu” ngay từ những bước đầu tiên. Muốn làm được điều này, hơn bao giờ hết, sự quan tâm, chia sẻ, trò chuyện với con phải được thực hiện hàng ngày, hàng giờ.

Song, với những biểu hiện dưới đây về ngôn ngữ, cảm xúc, ngôn ngữ cơ thể, theo bà Trần Hồng Điệp, các phụ huynh nên lưu tâm:

Nếu trẻ có sự thay đổi đột ngột về hành vi và cảm xúc. Ở trẻ em, người lớn rất dễ nhận biết sự thay đổi này, do trẻ không có nhiều khả năng giấu giếm như người lớn. Một em ít nói bỗng dưng nói nhiều, nói về điều xa xôi nào đó, về thế giới bên kia; hoặc có em đang sôi nổi ồn ào bỗng dưng thu mình lại; thay đổi sở thích; chán nản thất vọng. Có người thì nói gì cũng nghe, song có em lại chống đối mọi người... Những biến chuyển mang tính bất ngờ, quay ngoắt 180 độ trên cần phải xem xét đến.

Hành vi không bình thường như ngủ triền miên, ăn nhiều, ăn ít... thay đổi so với trước kia. Khóc lóc, thất vọng, nói với người khác về việc mình sắp phải đi xa, thấy mình không có ý nghĩa trong cuộc sống này chẳng hạn.

Cho đi đồ dùng mình yêu quý cũng là một dấu hỏi cần quan tâm.

Đi thăm họ hàng, bạn bè, cả những người họ không có điều kiện đi thăm; nói về cái chết; dặn dò lại người thân những việc họ đang làm dang dở; biểu hiện như chia tay bạn bè, dặn dò mọi người ở lại.

Nhóm trẻ có nguy cơ cao như khuyết tật, xu hướng tình dục đồng tính... vì sự kì thị và phân biệt của cộng đồng đã đẩy họ vào tình huống khó khăn; thanh thiếu niên sống trong môi trường thiếu sự chăm sóc; nhóm không có điều kiện đến trường; nhóm có sự chăm sóc kỹ càng của bố mẹ, quá kì vọng từ bố mẹ tạo nên những áp lực...

Như đã phân tích ở trên, cha mẹ vẫn phải là người đầu tiên gác cổng cho trẻ thoát khỏi hành vi, ý nghĩ tự tử. Do đó, theo bà Trần Hồng Điệp, bố mẹ phải là người cân bằng tâm lý cho chính họ, tránh căng thẳng, áp lực, bất mãn cuộc sống, rối nhiễu tâm lý, lúc đó họ mới có thể hỗ trợ cho con mình được.

Việc hỗ trợ đó phải lâu dài, chứ không phải ngày một, ngày hai. Bố mẹ phải trò chuyện, chia sẻ từ khi con được sinh ra cho đến khi trưởng thành. Và phương thức nói chuyện với trẻ cũng cần phải học, tránh sự áp đặt và lệch pha giữa bố và mẹ.

“Ở Australia, có hẳn ngôi nhà thân thiện cho trẻ em ở mỗi quận. Ở đó có cán bộ tâm lý xã hội, y tế. Họ sẵn sàng tiếp đón trẻ em, trò chuyện, dẫn các em đi chơi. Các em biết có địa chỉ ấy, có người nói chuyện được với trẻ; được xem tivi, chơi trò chơi, đọc sách... Tôi nghĩ, Việt Nam cũng có thể làm được, nếu nhà nước đầu tư địa điểm. Còn sẽ có nhiều người tự nguyện làm, như nhà tâm lý, như nhà giáo về hưu. Chứ như hiện nay, chúng ta chưa khơi dậy được sự quan tâm của cộng đồng về trẻ em” - Bà Ninh Thị Hồng chia sẻ.

Rõ ràng, giải quyết khủng hoảng tâm lý cho trẻ vị thành niên hiện vẫn đang là khoảng trống trong xã hội Việt Nam. Các bậc cha mẹ không có kỹ năng trò chuyện với con cái; nhà trường không có hộp thư bày tỏ cảm xúc; xã hội không có nơi cho trẻ tin cậy sẻ chia. Giới trẻ bây giờ hoàn toàn phải tự vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc đời mình, mà không phải trẻ nào cũng tìm được đúng hướng. Những cái chết trẻ, những quyết định tự nguyện chấm dứt cuộc sống khi còn tràn đầy sức sống... thực sự là tiếng chuông báo động cho tất cả chúng ta.