Làm gì khi sếp nam quá "quan tâm"

ANTD.VN - Hỏi: Giám đốc công ty nơi tôi làm việc thường xuyên “quan tâm” quá mức với tôi, trong lúc làm việc hay cố tình đụng chạm, thậm chí đã một vài lần nhân lúc uống say có hành vi sàm sỡ. Khi tôi tỏ ý phản đối, anh ta đe dọa bóng gió việc sẽ gây bất lợi cho tôi trong công việc. Tôi có được pháp luật bảo vệ trong trường hợp này không?Đỗ Thu Dung (Quận Tây Hồ, Hà Nội)

Trả lời: Theo thông tin chị trình bày, có thể thấy hành vi của ông Giám đốc có dấu hiệu của hành vi quấy rối tình dục. Theo khoản 2, Điều 8, Bộ luật Lao động, pháp luật nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Do đó, tùy từng mức độ vi phạm mà người thực hiện hành vi có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo khoản 1, Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng. Trong trường hợp này, chị có thể trình báo sự việc tới Sở LĐ-TB&XH, chính quyền địa phương nơi chị làm việc để được bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. 

Nếu vị Giám đốc kia đe dọa  bóng gió việc sẽ gây bất lợi cho chị trong công việc và tiếp tục quấy rối tình dục đối với chị thì theo Điều 37 Bộ luật Lao động: “Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong trường hợp bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động”. Do đó, chị có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động khi bị quấy rối tình dục và vẫn được hưởng đầy đủ các chế độ trợ cấp theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách - VPLS Bross & Partners (Phòng 1602A, Tòa nhà Charm Vit, số 117 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội)

Làm gì khi sếp nam quá "quan tâm" ảnh 2