Lạm dụng xét nghiệm vì lợi nhuận?

ANTĐ - Tình trạng lạm dụng xét nghiệm tại các bệnh viện đã được nói đến nhiều, đặc biệt sau vụ việc của bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, song đến nay vẫn chưa được khắc phục. Các chuyên gia cho rằng, việc lạm dụng một phần do y đức nhưng phần quan trọng hơn là do chất lượng xét nghiệm hiện chưa được chuẩn hóa.

Cần có quy định chuẩn về xét nghiệm để tránh lạm dụng, lãng phí

Tốn tiền bệnh nhân

Tại hội thảo Tăng cường công tác quản lý và nâng cao chất lượng xét nghiệm y khoa do Bộ Y tế cùng Tổng hội Y học Việt Nam vừa tổ chức, nhiều chuyên gia y tế cho rằng, tình trạng lạm dụng xét nghiệm trong các bệnh viện đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân được lý giải là do chất lượng xét nghiệm giữa các bệnh viện không đồng đều khiến các bệnh viện khác tuyến, thậm chí cùng tuyến không tin tưởng kết quả xét nghiệm của nhau. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa liên quan đến vấn đề lợi ích cá nhân, bởi xét nghiệm là lĩnh vực được xã hội hóa nhiều và đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho các bệnh viện. 

PGS.TS Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội hành nghề y tư nhân Việt Nam nhấn mạnh, không chỉ khám chữa bệnh mà trong xét nghiệm cũng cần có y đức. “Y đức trong xét nghiệm là cái gì, đó chính là chất lượng. Chất lượng là kết quả đưa ra phải đảm bảo chính xác, đáp ứng lòng tin của người bệnh” - PGS.TS Hoàng Văn Sơn phân tích. Thực tế hiện nay phổ biến tình trạng người bệnh xét nghiệm ở nơi này nhưng khi chuyển đến bệnh viện khác thì kết quả xét nghiệm trước đó không được chấp nhận. Vì thế, mỗi lần đi khám bệnh lại phải làm xét nghiệm mới, vừa tốn thời gian, vừa làm tăng chi phí của người bệnh. Trong số các nguyên nhân thì rõ ràng không thể phủ nhận có tình trạng lạm dụng xét nghiệm, nhất là ở hệ thống y tế tư nhân và khu vực xã hội hóa, dịch vụ theo yêu cầu trong y tế công lập.

PGS.TS Hoàng Văn Sơn chỉ ra, trên thực tế rất nhiều trường hợp vừa xét nghiệm ở nơi này rồi chuyển sang nơi khác điều trị thì không cần xét nghiệm lại mà bệnh viện sau có thể sử dụng luôn kết quả của bệnh viện trước. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp dù vừa xét nghiệm ở bệnh viện khác xong vẫn bắt buộc phải xét nghiệm lại khi đến bệnh viện mới. Lúc này, để bệnh nhân không thắc mắc, cho rằng bác sĩ lạm dụng xét nghiệm thì trách nhiệm của bác sĩ là phải tư vấn, giải thích đầy đủ cho người bệnh hiểu.

Khó xử lý

Điều đáng nói là không dễ để người bệnh phân biệt được trường hợp nào bị lạm dụng xét nghiệm và trường hợp nào thực sự cần thiết phải tiến hành xét nghiệm lại. Thậm chí ngay cả trường hợp bác sĩ lạm dụng xét nghiệm thì cũng rất khó để quy trách nhiệm, bởi hầu hết phòng xét nghiệm của các bệnh viện hiện nay đều chưa được chuẩn hóa nên các bệnh viện có lý do chính đáng để không tin tưởng vào kết quả xét nghiệm của nhau. Do đó, các chuyên gia dự hội nghị nhất trí rằng, muốn tránh được lạm dụng xét nghiệm trong các bệnh viện thì cần thiết phải có lộ trình tiến tới chuẩn hóa các phòng xét nghiệm của các bệnh viện, từ đó bắt buộc phải công nhận kết quả xét nghiệm của phòng xét nghiệm được kiểm chuẩn. 

Đại diện Cục Quản lý Khám chữa bệnh -Bộ Y tế cho biết, hiện cả nước có 38 bệnh viện tuyến Trung ương và 409 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa (trung bình có 3 khoa xét nghiệm/bệnh viện); 645 bệnh viện tuyến huyện (trung bình có 1 khoa xét nghiệm/bệnh viện); trên 150 bệnh viện tư (mỗi bệnh viện có ít nhất 1 khoa xét nghiệm). Các khoa xét nghiệm thường do bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa phụ trách. Tuy vậy, hệ thống xét nghiệm y khoa hiện nay có chất lượng chưa đồng đều, trang thiết bị, máy móc xét nghiệm chưa được kiểm tra thường xuyên, người phụ trách phòng xét nghiệm (nhất là ở tuyến tỉnh trở xuống và cơ sở y tế tư nhân) còn yếu về năng lực, trình độ chuyên môn, thậm chí chưa có chứng chỉ hành nghề.

PGS.TS Hoàng Văn Sơn cho rằng, sự phát triển công nghệ cao trong các xét nghiệm y khoa đặt ra vấn đề cấp bách là phải chuẩn hóa xét nghiệm, nếu không tác hại có khi còn lớn hơn khi chưa áp dụng công nghệ cao. Muốn chuẩn hóa được thì nhất thiết phải có các giải pháp nâng cao chất lượng xét nghiệm cũng như phải tăng cường kiểm tra việc trang bị và sử dụng máy móc, dụng cụ, hóa chất, sinh phẩm xét nghiệm một cách thường xuyên, định kỳ để đảm bảo kết quả xét nghiệm chính xác; đồng thời tiến tới xét nghiệm một cửa, nhanh chóng, hạn chế phiền hà và kiên quyết chống lạm dụng xét nghiệm.