Lạm dụng thực phẩm chức năng để phòng bệnh: Tiền mất tật mang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với suy nghĩ để phòng bệnh, cơ thể cần bổ sung nhiều loại vitamin để nâng cao sức đề kháng, nhiều người đã lạm dụng các loại thực phẩm chức năng trong thời gian dài và hậu quả có thể gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng đối với sức khỏe.

Nguy cơ ngộ độc do thừa chất

Vitamin A có tác dụng tạo sắc tố thị giác, tạo da, niêm mạc, tăng sức đề kháng, chống nhiễm khuẩn. Nhưng khi trẻ uống nhiều dầu cá hay các chế phẩm đa vitamin, khoáng chất của thực phẩm chức năng sẽ dẫn tới hiện tượng thừa vitamin A, có thể khiến trẻ bị phồng thóp, co giật, tăng áp lực nội sọ. Ngay cả người lớn và trẻ lớn khi dùng quá nhiều thực phẩm chức năng có chứa vitamin A cũng bị khô da, nứt môi, viêm răng lợi, đau khớp, đau xương, rụng tóc... Phụ nữ mang thai nếu lạm dụng cũng có thể khiến thai nhi gặp khuyết tật khi sinh.

Vitamin như “dao hai lưỡi”, nếu được bổ sung dư thừa sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe

Vitamin như “dao hai lưỡi”, nếu được bổ sung dư thừa sẽ gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe

Đối với những người bị loãng xương, nếu sử dụng thực phẩm chức năng chứa vitamin A quá nhiều thì lượng phốt pho trong máu tăng cao, dễ dẫn đến việc mất canxi xương, tăng nguy cơ loãng xương. Một nghiên cứu về bệnh loét dạ dày cho thấy, việc bệnh nhân uống thuốc điều trị có bổ sung vitamin A sẽ làm giảm tác dụng của thuốc điều trị. Việc lạm dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng có chứa vitamin C trong thời gian dài có thể gây ra bệnh sỏi thận, tiêu chảy hay viêm loét đường tiêu hóa, viêm đường tiết niệu, giảm sức bền hồng cầu, giảm thời gian đông máu.

Lạm dụng thực phẩm chức năng có thành phần chính là vitamin D, làm tăng hàm lượng canxi trong máu, phát sinh hiện tượng buồn nôn, giảm cân, mệt mỏi, suy thận, đọng canxi ở thận, chán ăn, tiêu chảy, tình trạng bệnh nặng có thể dẫn tới tử vong. Với trẻ em, việc lạm dụng thực phẩm có vitamin D có thể gây hiện tượng chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn sớm. Phụ nữ có thai dùng quá nhiều vitamin D sẽ dẫn đến vôi hóa nhau thai.

Tự nhiên không chắc chắn là an toàn

Nhiều người bệnh mãn tính thường có tâm lý chung là tìm kiếm những điều trị hỗ trợ khác có nguồn gốc thiên nhiên hoặc thậm chí thay thế cho các loại thuốc được kê đơn, với nhận thức rằng thảo dược và thực phẩm chức năng là an toàn, hiệu quả. Lý do phổ biến nhất cho việc sử dụng thảo dược và thực phẩm chức năng bao gồm béo phì, giảm cân, các triệu chứng mãn kinh, rối loạn tiêu hóa như khó tiêu hoặc táo bón, bệnh gan và các vấn đề về thần kinh như đau đầu và đau nửa đầu. Nhiều loại thảo mộc đơn lẻ có liên quan đến độc tính của gan.

Tuy không được coi là thuốc nhưng thực phẩm chức năng cũng có khả nảng gây các phản ứng dị ứng. Lạm dụng có thể làm rối loạn quá trình đồng hóa trao đổi chất do cơ thể nhận dư thừa chất bổ, chất dinh dưỡng. Bản thân thực phẩm thiên nhiên đã cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và những chất có lợi cho chức năng cơ thể, phòng ngừa bệnh tật, thậm chí có khả năng chữa bệnh. Tuy nhiên, do nhiều lý do như tập tục thói quen, khẩu vị, nhiều người không biết hoặc không có điều kiện để ăn uống một cách đầy đủ và cân đối nguồn thực phẩm thiên nhiên. Vì vậy, việc bổ sung đúng cách các chất còn thiếu để chế độ dinh dưỡng trở nên đầy đủ và cân bằng là rất cần thiết.

Thận trọng khi sử dụng

Các cơ quan quản lý về y tế và sức khỏe trên thế giới cũng như Việt Nam đã có những quy định về việc quản lý chất lượng thực phẩm chức năng và ngăn cấm những quảng cáo quá mức, sai sự thật. Sự nguy hại còn lớn hơn nếu người tiêu dùng lấy thực phẩm chức năng thay thế thuốc chữa bệnh. Mặt khác, nếu hiểu thực phẩm chức năng là vô hại rồi dùng quá nhiều, dùng kéo dài liên tục thì ngoài việc tốn kém tiền bạc còn mang lại nhiều tác hại không nhỏ.

Tác hại trước hết là làm rối loạn quá trình đồng hóa trao đổi chất trong cơ thể do liên tục phải tiếp nhận dư thừa nhiều loại chất bổ và chất dinh dưỡng. Năng lượng dư thừa được kết hợp với các chất dư thừa khác để dự trữ trong cơ thể làm mỡ máu tăng cao và mô mỡ dự trữ cũng phì đại, đường huyết tăng và các sản phẩm oxy hoá cũng tăng theo, gây tác hại đến nhiều cơ quan bộ phận, đẩy nhanh quá trình lão hóa của cơ thể.

Quá mê tín thực phẩm chức năng mà coi nhẹ việc thay đổi thói quen ăn uống, cải thiện điều kiện sống và lối sống thì không những không ngăn ngừa được nguy cơ bệnh tật mà cũng không thể duy trì được tình trạng sức khỏe cần thiết. Thực phẩm chức năng dù tốt đến đâu cũng chỉ là một trong những nguồn bổ sung các chất cần thiết cho cơ thể. Phải duy trì một chế độ ăn uống hợp lý, xây dựng một lối sống lành mạnh khoa học, khỏe mạnh cả thể chất và tinh thần.