Lạm dụng “sát thủ giấu mặt”

ANTĐ - Hoá chất không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại song trong đó có không ít loại độc hại, được ví như “sát thủ giấu mặt“, với sức khoẻ con người cũng như môi trường sống.

Lạm dụng “sát thủ giấu mặt”  ảnh 1
Ngày càng có thêm nhiều loại hóa chất mới được nghiên cứu và sản xuất ra để phục vụ tăng trưởng kinh tế

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) ngày 5-9 đã phải kêu gọi chính phủ các nước nhanh chóng thực hiện chính sách quản lý chặt chẽ hơn nữa tình trạng sử dụng ngày càng nhiều loại hóa chất trong các ngành công nghiệp nhằm ngăn chặn rủi ro cho sức khỏe con người và môi trường. Theo UNEP, việc sử dụng và lạm dụng hoá chất trong cách ngành công nghiệp đã lên tới mức báo động trên toàn cầu.

Trong báo cáo nhan đề “Triển vọng các loại hóa chất toàn cầu” công bố cùng ngày, UNEP cho rằng sự thay đổi về sản xuất, sử dụng và mua bán hóa chất ở các nước phát triển cũng như đang phát triển đòi hỏi chính phủ các nước phải đề ra chính sách quản lý tốt hơn để tránh các loại bệnh tật và ô nhiễm. Bởi theo tổ chức này, việc gia tăng sử dụng hóa chất không những gây hậu quả rất lớn đến môi trường và sức khỏe con người mà còn là gánh nặng kinh tế của nhiều nước trong việc xử lý nhiễm độc hóa chất. 

Báo cáo của UNEP cho biết, tổng giá trị của hoá chất được sử dụng trên toàn cầu đã tăng vọt từ 171 tỷ USD năm 1970 lên 4.120 tỷ USD vào năm 2010, tức là gần 25 lần. Đáng lo ngại hơn là hoá chất được sử dụng tràn lan trong các ngành sản xuất song lại không được áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường tương xứng.

Một thông tin cũng được quan tâm và chú ý trong báo cáo của UNEP là tỷ lệ sử dụng hoá chất của các nước giàu có trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã giảm từ 77% năm 2000 xuống 63% năm 2009. Trong khi đó, việc sử dụng hoá chất lại đang gia tăng mạnh ở các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ.

Các sản phẩm công nghiệp chứa hoá chất độc hại cũng đang được các nước công nghiệp phát triển “đẩy” sang những nước đang phát triển. Trong đó, nghiên cứu của Mạng lưới quốc tế loại trừ hoá chất hữu cơ gây ô nhiễm lâu dài (IPEN) đã phát hiện các hoá chất độc hại có thể phá hoại hệ thần kinh của trẻ em như PentaBDE và OctaBDE... trong sản phẩm qua sử dụng ở các nước phát triển như đồ điện tử, đệm, đồ gia dụng, thảm bọt nhiều màu… được xuất khẩu sang châu Phi. 

Giám đốc điều hành UNEP Achim Steiner cho biết, các nước trên thế giới, đặc biệt các nước đang phát triển và mới nổi, ngày càng lệ thuộc vào hóa chất, từ các loại phân bón và hóa chất dầu mỏ đến điện tử và nhựa, để phát triển kinh tế và tăng số lượng việc làm. Điều này dẫn tới tình trạng ô nhiễm và bệnh tật liên quan đến sử dụng, sản xuất và mua bán các loại hóa chất ngày càng tăng, có thể gây trở ngại cho mục tiêu phát triển cơ bản của các nước vì ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước, an ninh lương thực, tình trạng sức khỏe và năng suất lao động... 

Nhằm hạn chế lạm dụng và tiến tới giảm dần sử dụng hoá chất, UNEP khuyến nghị chính phủ các nước nhanh chóng đề ra các chính sách quản lý hóa chất lâu dài, không những để ngăn chặn các thiệt hại mà còn để cải thiện việc làm và phát triển công nghệ xanh. Đồng thời, tổ chức này cũng đưa ra một số kiến nghị như đưa công tác quản lý các loại hóa chất vào kế hoạch kinh tế và xã hội quốc gia, phát triển các chính sách chú trọng ngăn chặn rủi ro và thúc đẩy các biện pháp an toàn.