Lạm dụng mỳ ăn liền là nguy hiểm cho sức khỏe

ANTĐ - Những phụ nữ có thói quen dùng mì ăn liền 2 lần mỗi tuần trở lên có nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa cao hơn những người không ăn hoặc ăn ít mì ăn liền. Kể cả những người trẻ tuổi có trọng lượng cơ thể hợp lý và năng luyện tập.

Tạp chí “Journal of Nutrition” của Mỹ số ra mới đây đã thông tin về nghiên cứu của các chuyên gia ở ĐH Y khoa Harvard (HSPH) phát hiện thấy việc lạm dụng mì ăn liền có thể làm gia tăng bệnh trao đổi chất, tạo ra những thay đổi về chuyển hóa trong cơ thể, đẩy nhanh nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.

Kết luận trên dựa vào nghiên cứu ở 11.000 phụ nữ Hàn Quốc, độ tuổi từ 19-64 có thói quen dùng thực đơn này. Những người tình nguyện tham gia nghiên cứu trên được phân thành 2 nhóm, nhóm dùng mì ăn liền và nhóm kia dùng thực phẩm ăn nhanh.

Sở dĩ nghiên cứu được thực hiện từ Hàn Quốc là do quốc gia này có mức tiêu thụ mì ăn liền rất cao. Chỉ riêng năm 2010, người dân Hàn Quốc đã ngốn hết 3,4 tỷ gói mì ăn liền các loại. Cũng qua nghiên cứu các nhà khoa học phát hiện thấy, những người càng lạm dụng thực phẩm này thì nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa càng cao, bất kể trọng lượng cơ thể, tần suất hoạt động thể chất ra sao. Và do mắc hội chứng chuyển hóa nên người trong cuộc dễ phát bệnh cao huyết áp, gia tăng đường huyết và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ và tiểu đường. Lý do, mì ăn liền có chứa hàm lượng muối, mỡ bão hòa và phụ tải glycemic cao nên gây bất lợi cho sức khỏe.

Theo tiến sĩ Hyun Shin, đồng tác giả nghiên cứu nói trên cho rằng riêng đàn ông do có đồng hồ sinh học cơ thể khác với phụ nữ, nên hiệu ứng bất lợi của mì ăn liền cũng thấp hơn so với phụ nữ. 

Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế đến mức thấp nhất việc ăn mì và chỉ ăn trong trường hợp bất đắc dĩ bởi những lý do sau:

Đã có nhiều nghiên cứu đánh giá sự độc hại của mì ăn liền do có các thành phần phụ gia như màu thực phẩm, quá nhiều muối, chất béo bão hòa… 

Mì ăn liền là một trong những món ăn được sấy khô sau khi chiên qua dầu. Nếu bạn ăn mì ăn liền thường xuyên có thể sẽ gây rối loạn chức năng dạ dày, làm xuất hiện các triệu chứng như đầy hơi, đau dạ dày…

Mặc dù sau mỗi lần ăn mì ăn liền, bạn cảm thấy rất no, nhưng thực chất, cảm giác no này là do carbohydrate đem lại. Mì ăn liền chỉ chứa nhiều năng lượng chủ yếu từ chất béo và tinh bột. Dùng nhiều mì ăn liền không những khiến bạn có nguy cơ bị mất cân bằng dinh dưỡng, thiếu chất xơ, vitamin, chất đạm, khoáng chất… mà còn có nguy cơ béo bụng do tiêu thụ quá nhiều tinh bột.

Mì ăn liền đã chiên qua dầu, hàm lượng vitamin B trong đó bị phá hủy hoàn toàn, về cơ bản mì ăn liền có thể không cung cấp đủ lượng calo cần thiết cho cơ thể hoạt động. 

Một thành phần có mặt trong mỗi gói mì ăn liền mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra chính là muối. Mì ăn liền thường được ướp rất nhiều muối, với lượng muối cao như vậy, khi ăn, bạn đã vô tình làm hại thận, thậm chí dùng nhiều có thể gây sỏi thận.

Ngoài ra, mì ăn liền cũng chứa đầy phosphate, một chất giúp cải thiện mùi vị thức ăn. Tuy giúp bạn ngon miệng nhưng chất này lại khiến chúng ta dễ bị loãng xương, mất xương, răng cũng yếu dần đi nếu dùng nhiều.

Không ai phủ nhận sự tiện lợi của mì ăn liền, do tiết kiệm được thời gian cho con người lại là món ăn khoái khẩu nên được nhiều người ưa thích, thậm chí gây nghiện. Nhưng mặt trái của việc ăn nhiều mỳ ăn liền lại ít được quan tâm. Với phát hiện mới kể trên, giới ẩm thực khuyến cáo mọi người không nên ăn quá nhiều mì ăn liền và thực phẩm chế biến quá kỹ.

Ăn mỳ đúng cách:

- Luộc mì trong nồi nước sôi.

- Khi mì đã chín đủ, lấy hết mì ra và đổ bỏ nước sôi.

- Nấu nồi nước sôi mới, bỏ mì trở lại nồi nước sôi, tắt lửa.

- Sau khi tắt lửa, nước còn đang nóng, bỏ bột nêm vào.