Làm con dấu giả: Hơn 200 doanh nghiệp mắc bẫy

ANTĐ - Viện kiểm sát nhân dân tối cao vừa hoàn tất bản cáo trạng truy tố Trần Tuấn Hải và đồng bọn về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Lợi dụng danh nghĩa của một số cơ quan báo chí, Hải đã chỉ đạo đồng bọn làm giả giấy tờ chiếm đoạt của hơn 200 doanh nghiệp hàng tỷ đồng.

Giả danh lãnh đạo Hải quan

Ngày 16-4-2010 Hoàng Văn Hải (SN 1983) nhân viên Công ty cổ phần Truyền thông Thanh Dương gọi điện thoại gặp ông Philip Khanh - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH V- Probes Holdings (TP Hồ Chí Minh), Hải xưng tên mình là Trung - Lãnh đạo Cục Hải quan TP Hồ Chí Minh rồi đề nghị ông Khanh ủng hộ chương trình in “Sổ tay nghiệp vụ Hải quan” của Tổng cục Hải quan với số tiền là 30 triệu đồng. Sau khi ông Khanh đồng ý, Hoàng Văn Hải hẹn ông Khanh sẽ cho nhân viên của Công ty Truyền thông Hải quan mang hợp đồng đến để ký. Sáng ngày 19-4-2010, Trần Tuấn Hải (SN 1978 - là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc công ty Cổ phần truyền thông Thanh Dương) đã mang hợp đồng đến Công ty TNHH V-Probes     Holdings gặp ông Nguyễn Trần Quốc Đăng là Tổng Giám đốc công ty và tự giới thiệu là nhân viên của Công ty Truyền thông Hải quan đến để ký hợp đồng. Song việc ký kết đã không diễn ra do ông Đăng lấy lý do Ban giám đốc công ty chưa thống nhất. 

Khi về công ty, Trần Tuấn Hải đã yêu cầu Hoàng Văn Hải tiếp tục liên lạc để thúc ông Đăng ký kết hợp đồng. Sau khi Hải điện thoại cho ông Đăng, vì nghi ngờ ông Đăng đã kiểm tra thông tin về công ty của Hải  nhưng không thấy nên đã tố cáo sự việc đến Cục An ninh Tài chính, tiền tệ, đầu tư - Tổng cục An ninh II - Bộ Công an. Ngày 22-4-2010, khi Hải đến nhận số tiền 30 triệu đồng của công ty V-Probes Holdings thì bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt quả tang cùng toàn bộ tang vật. Sau khi bị bắt giữ, Trần Tuấn Hải đã tự nguyện giao nộp 467 hợp đồng đã ký với các doanh nghiệp khác. Tiến hành khám xét khẩn cấp nơi làm việc của Trần Tuấn Hải, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an còn thu giữ được 622 mẫu công văn (thư mời quảng cáo), hợp đồng, biểu phí đăng quảng cáo, giấy giới thiệu, giấy biên nhận có chữ ký của Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập và con dấu của một số báo, tạp chí nghi bị làm giả và 2 con dấu giả của Báo Hải quan chi nhánh phía Nam. 

Lộ mặt trùm lừa đảo

Từ sự việc trên, tiến hành điều tra, cơ quan chức năng đã làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Trần Tuấn Hải. Theo đó, tháng 3-2009, Trần Tuấn Hải ký hợp đồng hợp tác xuất bản giữa Báo Hải quan và Công ty  Truyền thông Thanh Dương dưới hình thức Công ty CP truyền thông Thanh Dương tự mời gọi các doanh nghiệp tham gia quảng cáo trên ấn phẩm này, tự cân đối thu chi, xin giấy phép xuất bản, in ấn còn báo Hải quan thì có trách nhiệm cung cấp giấy giới thiệu, thư mời quảng cáo. Trần Tuấn Hải đã hợp đồng in ấn kỷ yếu “Báo Hải quan 10 năm một chặng đường” với Công ty TNHH In và văn hóa phẩm với số lượng 850 quyển đồng thời thanh lý hợp đồng liên kết xuất bản ấn phẩm trên báo Hải quan.

Cũng trong thời gian này, Trần Tuấn Hải đã không thông báo cho báo Hải quan biết là đã ký hợp đồng với Công ty TNHH một thành viên in Phương Nam, in thêm 500 quyển kỷ yếu “Báo Hải quan 10 năm một chặng đường”. Tuy nhiên, do không đủ số lượng công văn, giấy giới thiệu, hợp đồng thông tin quảng cáo của báo Hải quan để khai thác quảng cáo cho những số in thêm này nên Hải đã nhờ Nguyễn Văn Anh (cùng quê Thanh Hóa, hiện sống tại xã Bình Hòa, huyện Thuận An - Bình Dương) đặt vấn đề làm giả con dấu Báo Hải quan - Chi nhánh phía Nam cho Hải với giá 2 triệu đồng. Có dấu giả trong tay, Trần Tuấn Hải đã giả danh trưởng chi nhánh phía Nam của báo Hải quan để ký 11 hợp đồng quảng cáo với tổng trị giá hơn 111 triệu đồng.

Trong quá trình làm cuốn kỷ yếu cho báo Hải quan, nhận thấy việc lấy danh nghĩa ngành Hải quan sẽ thuận lợi hơn trong việc ký hợp đồng quảng cáo nên một mặt Hải chỉ đạo các nhân viên trong công ty của mình khi điện thoại mời gọi doanh nghiệp tham gia ký hợp đồng quảng cáo thì phải xưng danh mình là cán bộ của Báo Hải quan, cán bộ Hải quan TP HCM hoặc cán bộ Tổng cục Hải quan nhằm để cho các doanh nghiệp nhầm tưởng nhân viên công ty Hải là cán bộ ngành Hải quan.

Mặt khác cũng trong tháng 7-2009 Hải thành lập Công ty Cổ phần truyền thông Hải Quan với mục đích là để các doanh nghiệp lầm tưởng rằng đây là đơn vị truyền thông của ngành Hải quan và các hoạt động in, ấn, quảng cáo là do ngành Hải quan chủ trương thực hiện. Lợi dụng danh nghĩa của ngành Hải quan, nhằm làm cho các doanh nghiệp tin tưởng, Trần Tuấn Hải đã lên mạng cóp nhặt những thông tin cần thiết rồi chế biến, sáng tác thành cuốn sách mang tên “Cẩm nang doanh nghiệp xuất nhập khẩu” và cuốn “Sổ tay nghiệp vụ Hải quan”.

Biên soạn xong, Hải chỉ đạo nhân viên công ty liên hệ với nhiều doanh nghiệp và tự xưng là cán bộ truyền thông Hải quan, Hải quan media để xin tài trợ hoặc hợp đồng quảng cáo trên 2 ấn phẩm do Hải chế biến. Bằng cách này, Hải đã chỉ đạo để ký hợp đồng với 467 doanh nghiệp. Cơ quan An ninh điều tra đã gửi công văn cho 409 doanh nghiệp đã ký hợp đồng với Trần Tuấn Hải thì có 229 doanh nghiệp gửi công văn trả lời nhầm tưởng số nhân viên ký kết hợp đồng quảng cáo là… cán bộ của ngành Hải quan.

Căn cứ vào các tài liệu, cơ quan điều tra đã xác định thủ đoạn giả danh cán bộ ngành Hải quan, Trần Tuấn Hải đã chỉ đạo nhân viên của mình ký kết được hợp đồng với 201 doanh nghiệp với số tiền là 1,5 tỷ đồng và sử dụng con dấu giả để ký kết được 11 hợp đồng với số tiền là 105 triệu đồng. Tuy nhiên, báo Hải quan không phải là nạn nhân duy nhất của Hải. Trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến 2007, Hải từng là cộng tác viên cho một số tờ báo.

Từ những kinh nghiệm trong thời gian này, Hải đã góp vốn để thành lập Công ty cổ phần Truyền thông Hoàng Tân Việt nhằm khai thác các dịch vụ quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong thời gian làm việc ở đây và cho đến lúc tách ra để thành lập Công ty cổ phần Truyền thông Thanh Dương (3-2008) Trần Tuấn Hải đã cùng với Huỳnh Thị Kim Oanh (SN 1985, nhân viên của công ty Hoàng Tân Việt) đã tổ chức làm giả con dấu, tài liệu mẫu công văn, biểu giá và hợp đồng quảng cáo, phiếu thu, biên nhận… có chữ ký và con dấu của các Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập của nhiều tờ báo.  Hải và Oanh đã liên hệ với chị gái của Oanh là Huỳnh Thị Kim Yến in lụa màu các giấy tờ này rồi chỉ đạo nhân viên trong công ty sử dụng chúng để giới thiệu, mời gọi các doanh nghiệp ký kết hợp đồng quảng cáo. Trong quá trình lừa đảo, tháng 6-2008 nhân viên công ty của Hải đã từng bị doanh nghiệp phát hiện và báo cơ quan công an, Trần Tuấn Hải đã bị phạt hành chính 3,5 triệu đồng vì sử dụng giấy tờ giả trong hoạt động kinh doanh. 

Chỉ với một chiêu lừa rất đơn giản nhưng Trần Tuấn Hải đã khiến cho hơn 200 doanh nghiệp phải mắc bẫy. Vụ án sẽ được đưa ra xét xử trong một ngày tới đây, Trần Tuấn Hải và đồng bọn sẽ phải nhận bản án đích đáng, tuy nhiên bài học về sự lợi dụng lòng tin để lừa đảo vẫn là câu chuyện cần phải được các doanh nghiệp lưu tâm và đề cao cảnh giác.