Làm ăn tử tế, mới sống được

ANTĐ - Mặc dù các cơ quan chức năng đã nghiêm cấm sử dụng chất tạo nạc trong chăn nuôi, chất kích thích tăng trưởng, thúc chín hoa quả cũng như phun, tẩm thuốc, hóa chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật quá liều… song một bộ phận người chăn nuôi, trồng trọt vẫn “bỏ ngoài tai”. 

Trong khi đó, thực phẩm sạch vẫn chưa “có đất” và cũng chưa đủ sức đẩy lùi thực phẩm không an toàn. Chính người sản xuất vì hám lợi đã tạo ra cho mình nguy cơ đình đốn sản xuất, khó bán sản phẩm. Thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng cho thấy,  khoảng 30% số hộ chăn nuôi sử dụng chất cấm.

Tỷ lệ này trong sản xuất rau xanh có thấp hơn chút ít, tức là hiện vẫn còn tới 70% người chăn nuôi, trồng trọt còn giữ chữ tín để đưa thực phẩm sạch tới mâm cơm người dân. Nhưng “con sâu bỏ rầu nồi canh”, khi người tiêu dùng có thể tẩy chay nông sản ngay trên mảnh đất của mình, thì những người làm ăn chân chính sẽ bị vạ lây, thiệt đơn, thiệt kép. Dư luận từng bàn tán về hiện tượng có những hộ trồng rau, củ, quả thường dành riêng những thửa rau, cây trái  không phun bất cứ hóa chất gì chỉ để... nhà dùng.

Còn lại, họ nhắm mắt làm ngơ trước sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, phun thuốc “thoải mái” để nhanh có hàng bán. Với suy nghĩ hết sức đáng sợ: “Phun thuốc mãi thế có chết ai đâu”, một bộ phân nông dân vô hình trung đã hại chính mình, gây nguy hại cho cả những hộ dân “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” nhưng luôn giữ chữ đức, chữ tín. Đa số vẫn tâm niệm rằng, làm ăn thất đức, bán rau củ phun, tẩm thuốc độc hại cho người ta thì trước sau mình cũng gánh họa.

Tuy nhiên, chỉ có những người trong cuộc mới có thể lên tiếng “vạch mặt, chỉ tên” những cơ sở chăn nuôi, hộ trồng rau củ, quả sử dụng những chiêu trò gian lận, mánh lới ma mãnh. Đương nhiên, để hỗ trợ hàng triệu nông dân làm ăn tử tế trên thương trường, giành lại chỗ đứng của nông sản Việt, không thể thiếu bàn tay của các hiệp hội, đặc biệt là sự tiếp sức có hiệu quả của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Những cơ sở, cá nhân đang làm ăn dối trá, tự hại mình thì chẳng ai cứu được. Song nếu chỉ kêu gọi suông về “lương tâm” người sản xuất hoặc cảnh báo người tiêu dùng phải “thông minh, sáng suốt” mà không có những chế tài xử phạt nặng tay thì dư luận vẫn hết sức lo lắng. Bởi cứ đà này, nông sản Việt Nam rồi sẽ có ngày thua ngay trên mảnh ruộng, chuồng trại của mình như giới chuyên gia nông nghiệp đã rung chuông cảnh báo.