Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái

ANTD.VN - Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn cao nhất lên tới 40 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe (GPLX) 24 tháng.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ GTVT đề xuất mức xử phạt đối với một số nhóm hành vi vi phạm có nguy cơ mất ATGT. Đáng chú ý, đơn vị này đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn cao nhất lên tới 40 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe (GPLX) 24 tháng.

Cụ thể: Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất (mức 3), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất phạt tiền từ 34 - 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Nghị định 46/2016/NĐ-CP hiện đang quy định xử phạt từ 16 - 18 triệu đồng và tước GPLX 4 - 6 tháng.

Dự kiến, sẽ có Nghị quyết của Quốc hội về lái xe nghiện ma túy và vi phạm nồng độ cồn

Đối với người điều khiển ô tô mà trong cơ thể có chất ma túy cũng được Tổng cục Đường bộ đề xuất tăng mức phạt tương tự.

Ở mức vi phạm thấp hơn (mức 2), Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất phạt tiền từ 18 - 20 triệu đồng và tước GPLX 14 - 18 tháng đối với lái xe có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Đối với mức vi phạm này, hiện Nghị định 46/CP đang quy định phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng và tước GPLX 3 - 5 tháng.

Ở mức thấp nhất (mức 1), khi tài xế có nồng độ cồn dưới 50 miligam hoặc dưới 0,25 miligam/1 lít khí thở mức phạt được giữ nguyên như đã quy định trong Nghị định 46/CP (phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và tước GPLX 1 - 3 tháng).

Đối với người điều khiển mô tô, mức xử phạt cũng được Tổng cục Đường bộ VN chỉ đề xuất tăng nặng ở mức 3 là xử phạt từ 7 - 8 triệu đồng và tước GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển xe có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hiện hành vi này Nghị định 46/CP đang quy định xử phạt từ 3 - 4 triệu đồng và tước GPLX 3 - 5 tháng.

Với người điều khiển xe máy chuyên dùng, mức phạt cũng được đề xuất tăng lên từ 18 - 20 triệu đồng và tước GPLX 22 - 24 tháng đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Quy định Nghị định 46/CP mức phạt chỉ có 5 - 7 triệu đồng và tước GPLX 2 - 4 tháng.

Tại buổi sơ kết và ký kết Chương trình hợp tác thực hiện chuỗi hoạt động “Uống có trách nhiệm và An toàn giao thông năm 2019” giữa Ủy ban ATGT quốc gia, Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á Thái Bình Dương (APIWSA) và Diễn đàn Uống có trách nhiệm Việt Nam (VARD) diễn ra chiều nay, 9/5, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia thông tin, qua phân tích nguyên nhân các vụ TNGT cho thấy, chiếm tới 87% số vụ TNGT là do nam giới gây ra.

Tới đây, sẽ đề xuất Quốc hội ra một Nghị quyết chung về vấn đề lái xe sử dụng ma túy và nồng độ cồn, trong đó có những chế tài mà luật chưa kịp sửa thì sẽ đưa vào.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, chương trình “Uống có trách nhiệm” được xây dựng nhằm cải thiện tình trạng lạm dụng đồ uống có cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tại Việt Nam với sự phối hợp tích cực của các cơ quan Chính phủ, các tổ chức xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, các doanh nghiệp đồ uống có cồn; góp phần đảm bảo tính hiệu quả, tính bền vững và hiện thực hóa chủ trương xã hội hóa của Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.

Danh sách khách mời

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGT Quốc gia

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGT Quốc gia

Đại diện Cục CSGT

Đại diện Cục CSGT

Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội

Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội

PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế

PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế

Đại diện Grab

Đại diện Grab

Ông Nguyễn Văn Hùng,  Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội

Nguyễn Tú Uyên hỏi:

Tôi đọc báo thấy có nước cấm cả người say ngồi ô tô (hành khách). Vì sợ họ gây loạn, tấn công cả lái xe.

Nước mình đã tính tới điều đó hay chưa? Cho nên CSGT có tính tới việc mở dịch vụ đưa đón người say hay ko? Vừa đảm bảo an toàn, khả năng trấn áp...

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGT Quốc gia trả lời:

Trong vấn đề này tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là người điều khiển phương tiện có đủ điều kiện an toàn để kiểm soát phương tiện và lái xe an toàn.

Trong trường hợp môi trường trong xe có thể ảnh hưởng đến thao tác cũng như quá trình lái xe thì lúc đó cũng cần phải xem xét để có giải pháp cho phù hợp. Tuy nhiên, những tình huống như vậy không nhiều, chính bởi vậy mà phần lớn các vụ TNGT chỉ đặt vấn đề quản lý nồng độ cồn với lái xe.

Các dịch vụ đưa đón người sử dụng rượu bia về nhà về cơ bản chỉ là những chương trình truyền thông hoặc là phải là dịch vụ thương mại. Bởi vì không có quốc gia nào có đủ nguồn lực để thực hiện hoạt động như vậy bằng ngân sách Nhà nước.

Ngay bản thân các chương trình đưa đón người sử dụng rượu bia tại Việt Nam cũng nhằm mục tiêu cung cấp thông tin cho người sử dụng rượu bia để họ thấy rằng, họ có những lựa chọn tốt hơn về đi lại sau khi đã sử dụng rượu bia, chẳng hạn như việc đi lại bằng taxi hoặc các dịch vụ đưa đón khác mà không cần phải trực tiếp cầm lái.

Mục tiêu của chương trình này không nhằm hướng tới việc tổ chức đưa đón miễn phí toàn bộ người sử dụng rượu bia về nhà mỗi ngày. Sau một thời gian triển khai, các chương trình này phát huy tác dụng rất tốt trong việc thay đổi nhận thức và hành động của người dân. Tại các nhà hàng tham gia chương trình có tới 30-40% lượng người trước đây là đi phương tiện cơ giới cá nhân, nay chuyển sang các loại dịch vụ đưa đón sau khi sử dụng rượu bia. 

Trần Văn Thành hỏi:
Từ thực tiễn xử lý các vụ tai nạn giao thông có liên quan đến vấn đề rượu bia, ông thấy sự khác biệt gì giữa các vụ tai nạn giao thông do nguyên nhân từ uống rượu bia quá mức, với các nguyên nhân tai nạn khác?
Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:

Căn cứ vào số liệu giải quyết các vụ tai nạn của Phòng CSGT CATP Hà Nội, đặc biệt trong thời gian gần đây các vụ tai nạn mà nguyên nhân là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia, các chất kích thích đều có tính chất nghiêm trọng hơn các vụ TNGT xuất phát từ những nguyên nhân khác.

Căn cứ vào Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, nếu người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông trong tình trạng có sử dụng rượu bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy hoặc chất kích thích mạnh khác thì sẽ bị áp dụng hình phạt ở khoản 2, tức phạt tù từ 3 năm đến 10 năm.

Nguyễn Hải Bằng hỏi:
Sau nhiều vụ tai nạn chết người liên quan đến rượu bia, người dân đã liên tục hưởng ứng, kêu gọi hành động "Đã uống rượu bia- Không lái xe". Theo ông, ý thức của người dân về việc tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu bia đã được thay đổi như thế nào?
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGT Quốc gia trả lời:

Tôi cho rằng sau các sự kiện truyền thông lớn như vậy có thể thấy rằng sự quan tâm của người dân và cộng đồng đối với vấn đề này là rất lớn. Điều đó, đã góp phần thay đổi nhận thức và hành động của nhiều người.

Tuy nhiên, cần khẳng định rằng, nếu chúng ta chỉ truyền thông mà không thực thi nghiêm các quy định của pháp luật thì tốc độ thay đổi ý thức của người dân cũng sẽ rất hạn chế. Bởi vậy, công  tác tuyên truyền và xử phạt luôn luôn phải đi cùng với nhau. Do những hạn chế về nguồn lực tôi cho rằng các địa phương cũng không thể bố trí kiểm tra nồng độ cồn ở tất cả các nơi và vào tất cả các khung giờ.

Song, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm tra xử phạt điểm. Hình thức  kiểm tra xử phạt tùy theo kế hoạch của cơ quan chức năng có thể cố định hoặc di động. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là phải đảm bảo tính đột xuất và ngẫu nhiên cũng như thường xuyên, liên tục.

Thậm chí, trên một trục đường chính trong một tháng chỉ cần làm 2 tuần, và trong 1 tuần chỉ cần làm 2 ngày, và trong 2 ngày đó chỉ cần làm trong khung giờ ngẫu nhiên nào đó. Khi làm được điều đó, kết hợp với truyền thông để từng người dân nhận thức được ra họ có thể bị kiểm tra và xử phạt bất kỳ lúc nào. Lúc đó, ý thức của người dân sẽ thay đổi rất nhiều. Và đây chính là mục tiêu của chúng ta. 

Nguyễn Duy Hải hỏi:
Thời gian vừa qua, lực lượng CSGT CATP Hà Nội đã tổ chức các đợt tuyên truyền, phát hiện xử lý các vi phạm của người tham gia giao thông, có sử dụng rượu bia quá nồng độ cho phép. Xin ông cho biết một số kết quả của hoạt động này?  
Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:

Từ đầu năm 2019, Phòng CSGT CATP Hà Nội đã thực hiện 8 chuyên đề tuyên truyền trong đó tập trung vào các lái xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ là nguyên nhân dẫn đến TNGT và ùn tắc giao thông.

Cụ thể như: Kế hoạch 126 về tổng điều tra cơ bản, kiểm tra xử lý vi phạm của các phương tiện quá tải, quá khổ. Kế hoạch 234 về bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát xử lý người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện vi phạm các quy định về mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông; Kế hoạch 237 về tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát cơ động tập trung kiểm tra xử lý xe khách, xe tải vi phạm trên địa bàn TP Hà Nội; Kế hoạch 69 về tăng cường bố trí tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm về nồng độ cồn, chất kích thích của người điều khiển phương tiện trên địa bàn TP...

Qua xử lý, trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019, Phòng CSGT CATP Hà Nội đã xử lý 825 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Văn Lâm hỏi:
Nếu tôi có thắc mắc về kết quả đo nồng độ cồn, không phục khi máy đo báo không chuẩn tôi sẽ phải làm thế nào?
Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 8

Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng Phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời tại chương trình

Mọi công cụ, phương tiện kỹ thuật đều được kiểm định trước khi đưa vào phục vụ thực hiện nhiệm vụ. Đối với kế hoạch 69 của Phòng CSGT CATP Hà Nội, nếu người điều khiển phương tiện giao thông có thắc mắc về kết quả đo nồng độ cồn, các chất kích thích gây nghiện, chúng tôi bố trí lực lượng chức năng đưa người điều khiển phương tiện đến Trung tâm y tế gần nhất để xét nghiệm. Chúng tôi đề nghị mọi lái xe hợp tác, chấp hành nghiêm những yêu cầu của lực chức năng.

Lỗ Kiều Trinh hỏi:
vừa qua, có đề xuất hạn chế xe máy ở một số tuyến đường. Chúng tôi chỉ biết đi bus vì ko có lựa chọn nào khác. Xin hỏi  mức độ phát triển, đáp ứng nhu cấu xã hội của xe công cộng hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội trả lời:

Transerco là đơn vị vận hành và đảm bảo chất lượng dịch vụ đối với các tuyến xe buýt được giao nhiệm vụ quản lý. 

Tổng công ty cũng có những đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước về mở rộng thời gian phục vụ, địa bàn hoạt động, tần suất chạy xe để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của hành khách. 

Nguyễn Văn Hưng hỏi:
Tôi thấy thực tế trên đường là ít khi xe bus bị CSGT dừng xe kiểm tra. Vậy nếu lái xe bus uống rượu ngay trước khi lái thì ai có thể giám sát được? CSGT có chuyên đề kiểm tra lái xe bus hay chưa?
Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 9

Lực lượng CSGT xử lý tất cả các trường hợp tham gia giao thông, không bỏ sót một hành vi vi phạm nào ngay cả đối với lái xe bus. Trong trường hợp, người dân phát hiện ra lái xe bus có biểu hiện sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích có thể gọi trực tiếp đến đường dây nóng của CATP Hà Nội theo số máy: 069.2196.886 để lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội trả lời:

Hiện nay, chúng tôi thường xuyên kiểm tra vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe buýt. Hàng ngày trước khi nhận phương tiện để thực hiện nhiệm vụ phục vụ hành khách trên tuyến, công nhân lái xe đều được đơn vị kiểm tra nồng độ cồn. 

Khi vận hành trên tuyến cũng có lực lượng chức năng của Tổng công ty và đơn vị tiến hành kiểm tra việc thực hiện các quy định nói chung và quy định và nồng độ cồn nói riêng. 

Lê Tuyết Thu hỏi:

Rượu bia là một chuyện, tôi thấy tình trạng lái xe dùng ma túy, chất kích thích khác còn nguy hiểm hơn.

Xin hỏi nếu như lái xe dùng ma túy thì họ sẽ bị ảnh hưởng như thế nào với thần kinh, khả năng cầm lái?

PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế trả lời:

Rượu bia và các chất gây nghiện như ma túy đều là những nguy cơ của tai nạn giao thông. Người lái xe khi sử dụng những chất kích thích này đều bị ảnh hưởng thần kinh vàa đều có thể gây ra tình trạng mất kiểm soát phương tiện giao thông, dẫn đến những vụ va chạm và gây thiệt hại về người và tài sản. 

Ở Việt Nam, tình trạng sử dụng rượu bia khi lái xe phổ biến hơn rất nhiều so với ma túy. Do vậy đây là vấn đề cần sớm có biện pháp kiểm soát mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, thời gian gần đây việc sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác của lái xe cũng cần được các cơ quan chức năng có những hành động kịp thời và tôi tin rằng sẽ có những biện pháp mạnh mẽ để loại trừ nguy cơ này.

Vũ Văn Hiển hỏi:
Người say rượu thường rất ngông nghênh. Xin hỏi khi CSGT dừng lái xe có hơi men lại, nếu họ có thái độ ko chấp hành, thì CSGT có kiên quyết trấn áp ko? Tôi rất ủng hộ việc phải mạnh tay.
Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:

Mọi hành vi vi phạm quy định Luật Giao thông và là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT đặc biệt có khả năng gây ra những vụ TNGT nghiêm trọng thì phải xử lý nhanh chóng, kịp thời. Đối với các vi phạm liên quan đến sử dụng rượu bia và chất kích thích lực lượng CSGT luôn chủ động trấn áp, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong kế hoạch tuần tra kiểm soát, chúng tôi chấp hành nghiêm quy trình công tác theo thông tư của Bộ Công an, bố trí lực lượng công cụ, phương tiện hợp lý để đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ.

Ngoài ra, chúng tôi có chuẩn bị các phương án cho các trường hợp cụ thể như: người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT, chống đối cố tình điều khiển phương tiện bỏ chạy hoặc lao xe vào tổ công tác...

Tuyết Anh Bùi hỏi:
Hiện giờ, các chuyên đề kiểm tra nồng độ cồn ở gần quán bia rượu có đc thực hiện nữa ko? Tôi thấy các ông vào  quán vẫn hò dô rất ghê! Mà tại sao việc kiểm tra ít vậy?
Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:

Hiện tại, Phòng CSGT CATP Hà Nội bố trí 32 tổ công tác tuần tra, kiểm soát xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn sẽ dừng xe, kiểm tra bất kỳ phương tiện nào trên tuyến trong thời gian 24 giờ.

Vì vậy, mọi hành vi vi phạm khi phát hiện ra qua các phương tiện kỹ thuật (máy đo nồng độ cồn, que thử ma túy) đều bị xử lý. Cơ quan Công an đề nghị mọi người dân khi tham gia giao thông và khi dừng xe để kiểm tra thì chấp hành nghiêm, hợp tác để lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ.

Thiếu Lâm hỏi:
Mọi người nói nhiều về tác hại của việc uống rượu bia khi lái xe. Nhưng cơ thể tôi rất lạ. Khi buồn ngủ, tôi uống một lon bia thì lại thấy tỉnh táo hơn. Xin hỏi điều này nên được giải thích như thế nào? Uống lon bia để tỉnh táo có thể gây nguy hiểm hay không?
PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế trả lời:

Chất cồn trong rượu bia là chất gây nghiện và kích thích thần kinh. Do vậy, có thể với một số người, việc kích thích thần kinh gây ra cảm giác tỉnh táo. Tuy nhiên, đây chỉ là cảm giác, còn tác động của cồn tới hệ thần kinh hoàn toàn có thể gây những hậu quả như mất kiểm soát tức thì và có những hậu quả lâu dài cho sức khỏe của con người.

Những nghiên cứu ở cấp độ toàn cầu gần đây đã khẳng định không có một mức uống nào là có lợi cho sức khỏe. Nếu việc uống càng nhiều thì mức độ nguy hiểm tới sức khỏe càng lớn. Do vậy, theo cá nhân tôi việc uống bia để giúp cơ thể tỉnh táo là không hợp lý.

Nguyễn Hải Bằng hỏi:
Tổng cục Đường bộ vừa đề xuất tăng chế tài với vi phạm nồng độ cồn ở lái xe, phạt tiền cao nhất đến 40 triệu đồng và tước bằng 2 năm, đồng thời bổ sung chế tài với chủ đơn vị vận tải có lái xe vi phạm nồng độ cồn. Theo ông, mức phạt này đã đủ sức răn đe hay chưa?
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGT Quốc gia trả lời:

Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất của cơ quan soạn thảo. Vì chúng ta thấy rằng, hiện nay hành vi vi phạm nồng độ cồn ở mức nghiêm trọng đang gây ra những vụ TNGT rất nhức nhối trong xã hội.

Bởi vậy, việc nghiên cứu các chế tài có sự răn đe mạnh hơn là điều hết sức cần thiết.  Trong kinh doanh vận tải cách tiếp cận không chỉ xử lý lái xe mà còn xử lý trách nhiệm liên đới của chủ phương tiện và doanh nghiệp là hết sức cần thiết. 

Doanh nghiệp chủ phương tiện là pháp nhân mà biết rõ nhất về hành và điều kiện sức khỏe của lái xe. Họ cũng là chủ thể có ảnh hưởng lớn nhất đối với lái xe. Khi mà lái xe kinh doanh vận tải vi phạm nghiêm trọng thì đương nhiên doanh nghiệp và chủ phương tiện cũng phải liên đới chịu trách nhiệm, vì họ đã buông lỏng quy trình quản lý ATGT. để tạo điều kiện dẫn tới vi phạm. 

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 10

Ông Trần Hữu Minh: "Quy định người gây tai nạn có thể rời khỏi hiện trường là bất cập lớn cần phải sửa đổi trong thời gian tới"

Ngoài ra, quy định này còn là công cụ để tạo động lực cho doanh nghiệp và chủ phương tiện chủ động tích cực quản lý ATGT tốt hơn. Những cách tiếp cận như vậy đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Tôi cho rằng, ngoài việc nâng cao mức phạt đối với lái xe và doanh nghiệp thì vấn đề quan trọng hơn là chúng ta có một hệ dữ liệu để quản lý vi phạm và xử phạt lũy tiến đối với sai phạm. Nếu làm được việc này, chắc chắn là nhận thức và hành vi của doanh nghiệp cũng như lái xe sẽ thay đổi một cách toàn diện. 

Liên quan đến quy định mà lái xe gây tai nạn được rời khỏi hiện trường, về nguyên tắc người liên quan đến tai nạn từ nạn nhân đến người gân tai nạn đều phải có mặt tại hiện trường hợp tác đầy đủ và nhanh nhất với cơ quan chức năng để giải quyết vụ TNGT. Tuy nhiên, cũng trong Luật Giao thông đường bộ có quy định còn có một điều khoản cho phép người có liên quan rời khỏi hiện trường nhưng phải trình báo cơ quan chức năng trong thời gian sớm nhất.

Tôi cho rằng đây là bất cập lớn cần phải sửa đổi trong thời gian tới. Nguồn gốc của quy định này là để nhằm tránh việc người gây tai nạn bị những người dân khác có thể hành hung, uy hiếp đến tính mạng, sức khỏe của người gây tai nạn. Tuy nhiên, khi chúng ta cho phép như vậy có nghĩa là chúng ta đang thừa nhận một hành vi sai. Vì, cũng trong Luật Giao thông đường bộ đã nghiêm cấm tất cả những hành vi đe dọa, uy hiếp, xâm hại đến sức khỏe và tài sản cũng như tính mạng của tất cả những người có liên quan đến vụ TNGT bao gồm cả người bị nạn và người gây tai nạn.

Như vậy, người dân không được phép hành xử một cách cảm tính, mà phải bảo vệ hiện trường và bảo vệ những người có liên quan chờ lực lượng chức năng đến xử lý.

Chúng ta phải kiên quyết làm việc này để đảm bảo tất cả những người có liên quan nếu như điều kiện sức khỏe còn cho phép thì phải ở lại hiện trường để hợp tác. Nếu chúng ta cho phép di dời khỏi hiện trường thì trong một số trường hợp, các yếu tố cấu thành tội phạm có thể thay đổi, đặc biệt trong trường hợp vi phạm nồng độ cồn thì sau một thời gian mức độ nồng độ cồn sẽ thay đổi rất nhiều, thậm chí không còn.

Và khi đó chúng ta có thể không xác định được ra nguyên nhân gốc, như vậy không có giải pháp hiệu quả. Bởi vậy, bổ sung các quy định để nghiêm cấm việc gây sức ép, hành hung với người gây tai nạn để đảm bảo họ có mặt tại hiện trường và hợp tác đầy đủ với cơ quan chức năng là điều quan trọng và cần thiết. 

Minh Trí, Hà Nội hỏi:
Thực tế các quán nhậu luôn đông nghịt người vào giờ trưa và chiều tối. Thế nên, có ý kiến cho rằng, nếu thực sự muốn xử lý vi phạm nồng độ cồn, CSGT không khó khăn gì. Nhưng có quá nhiều người lái xe sau khi nhậu say xỉn, trách nhiệm của CSGT như thế nào?
Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:

Hiện tại, Phòng CSGT CATP Hà Nội đã triển khai các kế hoạch để đảm bảo trật tự ATGT trong đó có kế hoạch 69 của Phòng CSGT về tuần tra, kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn tập trung vào khung giờ từ 12 giờ - 24 giờ để xử lý nghiêm các vi phạm trên. 

Ngoài xử lý các vi phạm, chúng tôi còn làm công tác tuyên truyền Luật Giao thông, đặc biệt đối với những vi phạm liên quan đến nồng độ cồn và các chất kích thích để nâng cao ý thức chấp hành của người dân khi tham gia giao thông.

Lữ Anh Toàn hỏi:
Xin hỏi các chế tài mà TCty áp dụng với lái xe vi phạm an toàn, nhất là uống rượu bia trước khi lái xe?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội trả lời:

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 11

Ông Nguyễn Văn Hùng- Trưởng Trung tâm quản lý chất lượng dịch vụ Transerco

Tùy theo mức độ vi phạm của lái xe mà Tổng công ty áp dụng hình thức xử phạt khác nhau. Lái xe vi phạm ở mức độ cao nhất sẽ bị sa thải. 

Ở mức xử lý thấp hơn, lái xe có thể bị đình chỉ tay lái và bị trừ điểm chất lượng dịch vụ.

Nguyễn Mạnh Đức hỏi:

Xin bác sĩ cho hỏi, tôi bị nghiện rượu. Thực sự không uống thì người rất khó chịu. Tôi đã thử dùng 1 số loại thuốc cai rượu tại nhà nhưng không hiệu quả. Tôi không uống nhiều, vài chén cho lưu thông máu. Khi lái xe, tôi vẫn thấy mình tỉnh táo. Nhưng giờ siết chặt quá, xuống xe có mùi cồn thì không ổn.

Xin hỏi có giải pháp nào hợp lý cho tôi? (Tôi làm nghề lái xe).

PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế trả lời:

Chất cồn trong rượu bia là một dạng chất gây nghiện. Theo như anh nói thì anh đã bị lệ thuộc vào rượu bia, vì không uống thì cảm giác rất khó chịu. Anh đã nghĩ đến việc cai, đây là điều rất tốt. Anh nên đến các cơ sở y tế trao đổi với các nhân viên y tế để có thể hỗ trợ anh chấm dứt tình trạng lệ thuộc vào rượu bia. 

Ngoài ra, anh cũng có thể trao đổi ý định cai rượu với người nhà để cùng giúp anh có thể chấm dứt việc nghiện rượu bia. Để giúp anh tham gia giao thông an toàn và không vi phạm pháp luật, anh không được uống rượu bia và lái xe. Nếu anh uống ít, 1 - 2 lon bia, anh cần phải nghỉ tối thiểu 1 giờ mới được cầm lái. Tuy nhiên, tốt nhất là anh không nên uống khi làm việc.

Nguyễn Kiều Mai hỏi:
Ko chỉ nói về việc phạt, đối với những lái xe tốt, an toàn, ko rượu bia, cờ bạc, thì TCty Bus có hình thức khen thưởng thế nào để động viên?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội trả lời:

Trong tháng thi đua nâng cao chất lượng dịch vụ vào tháng 9 hàng năm, Tổng công ty đều biểu dương những công nhân lái xe, nhân viên phục vụ trên xe buýt... có thành tích xuất sắc và chấp hành tốt các quy định của Tổng công ty và đơn vị. 

2 năm 1 lần, Tổng công ty tổ chức Hội thi tay lái giỏi để tạo phong trào thi đua trong đội ngũ lái xe buýt. Qua đó động viên lái xe chấp hành tốt hơn các quy định đã được đề ra. 

Duy Long - 30 tuổi hỏi:
Những vướng mắc khi xử phạt lái xe uống rượu bia là gì? cần chế tài chặt chẽ hơn để đảm bảo an toàn tính mạng cho những người khác
Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 12

Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trong buổi giao lưu trực tuyến với bạn đọc Báo An ninh Thủ đô chiều 13-5-2019

Trong công tác tuần tra, xử lý vi phạm nhiều người vi phạm chưa được tiếp xúc với máy đo nồng độ cồn, lực lượng CSGT phải hướng dẫn, giải thích cho người vi phạm để kiểm tra gây mất thời gian của tổ công tác. 

Nhiều trường hợp vi phạm thường ngụy biện các lý do khác nhau để không hợp tác với yêu cầu kiểm tra của lực lượng CSGT nhằm trì hoãn việc kiểm tra nồng độ cồn hoặc bỏ đi để lại phương tiện làm ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả công tác của lực lượng giao thông. 

Nhiều quán ăn nhà hàng, sau khi thấy lực lượng CSGT bố trí lực lượng kiểm tra, kiểm soát thì thông báo cho khách hàng để có biện pháp trốn tránh sự kiểm tra.

Những trường hợp vi phạm nồng độ cồn được kiểm tra, kiểm soát một số do sử dụng quá nhiều dẫn đến mất tự chủ, dễ bị kích động không hợp tác với lực lượng chức năng, thậm chí lăng mạ, chống đối khi có yêu cầu kiểm tra.

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 13

Lái xe nên có ý thức nghiêm túc về Đã uống rượu bia - Không lái xe

Vũ Thu Trang hỏi:
Xin hỏi đại diện TCT GTVT Hà Nội: Năm 2018 và đầu 2019 có lái xe bị xử lý kỷ luật do vi phạm an toàn? Có tính trạng lái xe uống rượu bia phải xử lý?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội trả lời:

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 14

Kiểm tra nồng độ cồn đột xuất đối với lái xe buýt 

Năm 2018 và đầu năm 2019, không có lái xe nào của Tổng công ty bị các lực lượng chức năng như: CSGT, Thanh tra Giao thông... phát hiện và xử lý lỗi có nồng độ cồn trong hơi thở. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng không chủ quan nên thường xuyên chủ động xây dựng các kế hoạch kiểm tra định kỳ và đột xuất để nâng cao ý thức, trách nhiệm cho lái xe. 

Vũ Thị Dung Oanh hỏi:

Tôi thấy ở nước ngoài, chế tài xử phạt lái xe say rượu cực kỳ nặng. Ngưỡng nồng độ cồn xử phạt của họ lại thấp hơn VN.

Vậy tôi hiểu rằng ở nước ta, mức "được uống" khi lái xe cao hơn, trong khi chế tài xử phạt lại nhẹ hơn, so với các nước. như thế có bất hợp lý hay ko?
Và xin hỏi thêm, cơ sở nào mà nồng độ cồn "mức bị phạt" của VN lại cao hơn nước khác? Có phải tửu lượng của người Việt tốt hơn hay ko?

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGT Quốc gia trả lời:

Trên thế giới có một vài quốc gia cấm tuyệt đối không cho phép nồng độ cồn trong máu khi mà điều khiển phương tiện cơ giới, nhưng số lượng quốc gia như vậy không nhiều. Hiện có CH Sec, Slovakia, Rumani, Hungary là cấm tuyệt đối. Còn lại về cơ bản các quốc gia cho phép người tham gia giao thông có một ngưỡng giới hạn cho người tham gia giao thông.

Ngưỡng này thường dao động từ 20mg/100ml máu, cho tới 80mg/100ml máu. Trong đó, ngưỡng 50mg/100ml máu là ngưỡng phổ biến nhất. Một số quốc gia có yêu cầu ở ngưỡng thấp như Thụy Điển là 20mg/100ml máu. Tuy nhiên, ngưỡng 80mg/100ml máu cũng có nhiều quốc gia phát triển áp dụng như Anh, Manta có ngưỡng 80mg/100ml máu. 

Việt Nam quy định ngưỡng đối với người đi xe máy là 50mg/100ml máu, còn với người đi ô tô là cấm tuyệt đối. Tức là lực lượng chức năng kiểm tra phát hiện có nồng độ cồn là vi phạm.

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 15

Việt Nam cấm tuyệt đối nồng độ cồn trong máu với người điều khiển ô tô

Như vậy, có thể thấy, ngưỡng quy định của Việt Nam đang ở mức trung bình tiên tiến của thế giới, không phải cao. Tôi cho rằng, vấn đề cốt lõi là chúng ta tổ chức thực thi thật nghiêm quy định này. 

Cơ sở cho việc chọ ngưỡng này là những nghiên cứu khoa học trong ngành y tế, trong đó liên quan đến ảnh hưởng của nồng độ cồn đến khả năng điều khiển phương tiện.

Chế tài của Việt Nam: nếu xem xét về các mức chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn có thể thấy rằng, cần phải nghiên cứu để có những hình thức xử phạt phù hợp hơn.

Như tôi phân tích lúc trước, với những hành vi vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, kể cả chưa gây hậu quả thì không chỉ xử lý bằng tiền mà lúc đó phải chuyển sang một hình thức xử phạt cả về hình sự và tiền, cũng như lao động công ích.

Chúng ta có nhiều công cụ để cùng tác động theo nguyên tắc, những vi phạm nghiêm trọng thì dùng công cụ mạnh, còn những vi phạm nhẹ hơn thì dùng công cụ tác động nhẹ hơn...

PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế trả lời:

Thực chất ngưỡng phạt nồng độ cồn ở Việt Nam nằm ở mức trung bình so với các quốc gia trên thế giới. Chỉ có một số ít quốc gia quy định nồng độ cồn trong máu khi lái xe bằng 0, còn đa phần các quốc gia đều cho phép một lượng từ 20 - 80 mg/100ml máu. Tại Việt Nam, theo quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm Giao thông đường bộ và đường sắt, thì ngưỡng nồng độ cồn là 50mg/100ml máu. 

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 16

PGS. TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng - Bộ Y tế

Về chế tài xử phạt, so với thu nhập của người dân Việt Nam thì theo tôi cũng không phải nhẹ. Tuy nhiên chúng ta mới chỉ có biện pháp phạt hành chính và tạm giữ giấy phép lái xe chứ chưa có những hình thức xử phạt nặng hơn và việc thực thi các quy định này đôi khi còn chưa đạt hiệu quả cao.

Điều này có thể lý giải vì sao tình trạng uống rượu bia lái xe ở Việt Nam vẫn khá phổ biến, gây ra những vụ tai nạn thương tâm như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua. Tôi không nghĩ là "tửu lượng" của người Việt Nam cao hơn, nhưng các nghiên cứu gần đây đều cho thấy tỷ lệ sử dụng rượu bia ở nam giới là rất cao, lên tới 77%. Ngoài ra, việc sử dụng ở mức có hại (uống nhiều rượu bia trong một lần uống và uống nhiều ngày trong tuần) cũng cao hơn nhiều so với các quốc gia khác. 

Đặng Hà hỏi:
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, mức xử phạt vi phạm đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn hiện cũng đã có tính răn đe, vấn đề là việc thực thi có nghiêm túc hay không? 
Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:
Trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019, Phòng CSGT CATP đã xử lý 825 trường hợp vi phạm nồng độ cồn và chúng tôi đã xử lý nghiêm không bỏ sót trường hợp nào theo đúng quy định của pháp luật.
Lữ Anh Hoàng hỏi:

Xin hỏi CSGT có đường dây nóng để thông báo trường hợp lái xe nghi uống rượu hay ko?

Nếu nhận thông tin, CSGT có thể bố trí đội hình trấn áp mạnh ko?

Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 17

Lái xe không uống rượu bia là bảo vệ bản thân và khách hàng

Khi phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông có dấu hiệu sử dụng rượu bia, chất kích thích, xin gọi điện thoại đến đường dây nóng của CATP Hà Nội: 069.2196.886 và nêu rõ đặc điểm phương tiện (biển số, màu sơn, phương hướng di chuyển...) và người điểu khiển phương tiện. Chúng tôi sẽ bố trí lực lượng trên tuyến để kiểm tra, xử lý.

Lê Mạnh Hùng hỏi:

Tôi có người bạn làm nghề lái xe rất đặc biệt, uống rượu mà không bao giờ đỏ mặt. Anh ta có say, nhưng nhìn thì không ai biết là uống rượu, trừ khi đứng đối diện và thấy mùi cồn.

Vậy CSGT làm sao để nhận diện và xử lý những trường hợp như thế này? Hoặc là lái xe uống rượu buổi tối, rất khó nhìn mặt mà... bắt dừng xe!

Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 18

Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT - CATP Hà Nội

Hiện tại, Phòng CSGT CATP Hà Nội bố trí 32 tổ công tác tuần tra, kiểm soát xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn sẽ dừng xe, kiểm tra bất kỳ phương tiện nào trên tuyến trong thời gian 24 giờ. Vì vậy, mọi hành vi vi phạm khi phát hiện ra qua các phương tiện kỹ thuật (máy đo nồng độ cồn, que thử ma túy) đều bị xử lý. Cơ quan Công an đề nghị mọi người dân khi tham gia giao thông và khi dừng xe để kiểm tra thì chấp hành nghiêm, hợp tác để lực lượng chức năng hoàn thành nhiệm vụ.

Trần Lục Tú hỏi:
Lái xe bus hiện nay tham gia giao thông rất nhiều. Xin hỏi chủ trương của TCT liên quan đến chương trình truyền thông nâng cao trách nhiệm, ý thức của lái xe?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội trả lời:

Hàng năm, Tổng công ty đều phối hợp với Phòng CSGT- CATP Hà Nội tổ chức tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm của lái xe. 100% lái xe và nhân viên phụ trách an toàn đều tham gia các chương trình này.

Qua đó, tỷ lệ vi phạm giảm đi từng năm. 

 

Nguyễn Mai Hoa hỏi:

Tôi thấy một số người quảng cáo tự tin rằng có thuốc giải rượu rất chuẩn. Trước khi nhậu thì uống vài viên, sau khi nhậu lại uống vài viên, thì sẽ ổn. Ko bị rượu hành. Liệu điều đó có tin dc ko?

 

PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế trả lời:

Say rượu bia là do tác động của chất cồn trong đồ uống. Các loại thuốc được quảng cáo là giúp giải rượu, bia, thường có thành phần gồm đường, một số loại vitamin như: B1, B6, PP; acid glutamic, acid fumaric, acid succinic...

Thực chất, đây không phải là thuốc mà là các dạng thực phẩm chức năng. Nó có tác dụng bổ trợ một phần nhỏ trong quá trình chuyển hóa rượu, chứ chưa có tài liệu nào chứng minh tác dụng bảo vệ các cơ quan nội tạng dễ bị tổn thương do chất cồn; hoặc triệt tiêu tác dụng của rượu trên hệ thần kinh trung ương để làm mất đi trạng thái say xỉn. Do vậy, chúng ta cần cân nhắc khi sử dụng.

Đào Tú Lê hỏi:
Xin khái quát về các loại hình vận tải mà Tổng công ty vận tải Hà Nội đang triển khai? Tôi rất thích đi bus, nhưng cảm giác đông và chật. Liệu có loại hình nào đắt hơn, tiện dụng hơn không?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội trả lời:

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 19

Transerco kiểm tra nồng độ cồn lái xe tại đầu bến

Transerco đang triển khai nhiều loại hình vận tải như: vận tải đường sông, vận tải liên tỉnh, vận tải du lịch, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt...

Trong những năm gần đây, Tổng công ty đã đề xuất Sở GTVT Hà Nội tăng cường về tần suất chạy xe, mở các tuyến buýt mới để phục vụ hành khách tốt hơn. Hằng năm, Tổng công ty có khảo sát khách hàng về chất lượng dịch vụ xe buýt. 

Kết quả cho thấy, tỷ lệ khách hàng hài lòng về chất lượng dịch vụ ngày càng tăng lên. 

Có những phương tiện tiện lợi hơn, giá vé đắt hơn như: tàu điện ngầm, tàu điện trên cao nhưng hiện nay chúng ta chưa có hoặc chưa hoạt động. Còn những phương tiện như taxi, "xe ôm"... cũng tiện lợi nhưng làm gia tăng mật độ phương tiện tham gia giao thông, dễ dẫn đến ùn tắc giao thông.

Tú Anh Lê hỏi:
Cụ thể với nội dung: Đã uống rượu bia - Không lái xe, thì tình hình lái xe của Transerco chấp hành pháp luật như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội trả lời:

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 20

100% lái xe của Transerco đã được kiểm tra về quy định: Đã uống rượu bia- Không lái xe và tất cả lái xe đều ủng hộ và thực hiện tốt kế hoạch của Tổng công ty. 

Nguyễn Thị Quý hỏi:

Thời gian qua, tôi thấy rất nhiều chương trình tuyên truyền kiểu uống rượu bia, không lái xe, nhưng các vụ ép rượu, uống rượu rồi lái xe gây tai nạn vẫn xảy ra không ngừng.

Liệu đó có phải là hô hào thời vụ hay không? Xin hỏi làm sao để lời kêu gọi, tuyên truyền đó được lan tỏa, duy trì nhiệt, để thực sự hiệu quả?

Như chương trình xuống đường hôm trước, tôi thấy khi về, có người mặc áo "Uống rượu bia, không lái xe", nhưng lại không đội mũ bảo hiểm không chấp hành luật giao thông, như thế rõ là không ổn!

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGT Quốc gia trả lời:

Trước hết, tôi xin cung cấp thêm thông tin: Vấn nạn uống rượu bia sau đó lái xe hiện nay không chỉ riêng Việt Nam phải đối mặt mà trên thế giới cũng tương tự, ngay tại c ác nước phát triển cũng như vậy.

Ví dụ, tại Liên minh Châu Âu, số liệu thống kê chính thức của Chính phủ công bố tỷ lệ những nạn nhân bị thiệt mạng do uống rượu bia so với tổng số vụ TNGT là 11,5%, nhưng con số tại một báo cáo độc lập của Hội đồng ATGT Châu Âu- ETSC thì tỷ lệ này lên tới 25%.

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 21

Sự kiện đi bộ kêu gọi: "Đã uống rượu bia- Không lái xe" thu hút hàng nghìn người tham gia vào sáng 12-5

Đúng là, nếu chỉ tuyên truyền không thì cũng không đi tới đâu mà chúng ta phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa giáo dục cơ bản, truyền thông và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, tuyên truyền có vai trò hết sức quan trọng và cần phải được thực hiện trước tiên và thường xuyên, liên tục. Có như vậy, số lượng vi phạm sẽ giảm bớt đi và việc xử phạt mới hiệu quả. 

Về vấn đề tuyên truyền và truyền thông tôi rất mong sau những sự kiện truyền thông, những người tham gia có thêm kiến thức và từ đó họ tự giác thự hiện những hành động như trong kêu gọi của đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trương Hòa Bình: Đó là tuân thủ quy định, không nể nang, không ép khi uống rượu bia.

Nếu chúng ta thấy một người sẽ phải lái xe thì không ép uống rượu bia và thậm chí, từng người chúng ta phải chủ động thuyết phục, vận động, thậm chí là ngăn chặn cái hành vi uống rượu bia sau đó lái xe. 

Ở vai trò một thành viên trong gia đình, đặc biệt ở vai trò người vợ, người mẹ, người con, chúng tôi khuyên chúng ta cần có thái độ rõ ràng, và nghiêm khắc với hành vi uống rượu bia khi lái xe. Trong đó kiên quyết không lên xe nếu lái xe đã uống rượu bia. 

Trong các nhà hàng chúng ta cũng phải tăng cường tuyên truyền để làm sao chủ nhà hàng, nhân viên nhà hàng chủ  động hỏi khác hàng của mình xem họ có phải lái xe hay không. Nếu họ cần phải lái xe sau đó thì có thể cung cấp cho họ đồ uống không có cồn...

Những hành động cụ thể như vậy có vai trò hết sức quan trọng trong việc xây dựng văn hóa giao thông tốt trong toàn xã hội. 

Nếu chúng ta tổ chức một sự kiện tuyên truyền sau đó dừng lại thì hiệu quả sẽ rất thấp. Hoạt động tuyên truyền đó chỉ có ý nghĩa nếu chúng ta tăng cường việc hoàn thiện các quy định của pháp luật cũng như hiệu lưc thực thi pháp luật. 

Bởi vậy, chúng ta cho rằng, công tác tuyên truyền và xử phạt phải đồng hành với nhanh, bản chất của công tác xử phạt là giáo dục, răn đe và nếu cần thiết thì chấm dứt vi phạm. 

Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:
Trong thời gian này, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền, đổi mới nội dung tuyên truyền cho phù hợp với thực tế, đảm bảo tính truyền đạt sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân với nhiều hình thức. Để người dân tự giác chấp hành cần phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền địa phương, các bộ ban ngành, đặc biệt trong trường học và trong gia đình của mỗi người dân để thay đổi thói quen uống rượu bia của người Việt, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.
Nhật Linh, 32 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội hỏi:
Pháp luật có quy định về nồng độ cồn cho phép khi điều khiển phương tiện giao thông với mô tô và xe máy là 50mg/100ml máu hoặc 0.25mg/1 lít khí thở. Xin hỏi với nồng độ này thì có thể quy ra bao nhiều ml rượu hoặc bia?
PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế trả lời:

Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước trên thế giới cũng đã áp dụng cách tính đơn vị rượu bia chuẩn là 10g cồn nguyên chất, tương đương với 1 ly rượu mạnh 30ml hoặc 1 ly rượu vang 60ml, hoặc 1 lon (cốc) bia 330ml. Với quy định của pháp luật Việt Nam, người lái xe máy uống khoảng 1 đơn vị như trên trong vòng 1 giờ trước khi lái xe thì có khả năng vi phạm về nồng độ cồn. 

Cùng một lượng rượu bia uống vào cơ thể thì mỗi cá nhân có thời gian đào thải chất cồn khác nhau. Nhưng tốt nhất nếu uống từ 1 đơn vị rượu bia thì cũng không nên đi xe máy trong vòng 1 giờ sau khi uống.

Kiều Bạch Mai hỏi:

Tôi là độc giả trung thành của Báo An ninh Thủ đô.

Hôm trước, tôi có đọc bài về chiến sĩ CSGT dừng xe Mercedes điên đâm người trong hầm Kim Liên. Tôi rất cảm phục tinh thần đó của các anh. Xin hỏi trong tình huống lái xe đang lo sợ, lại say rượu, thấy CSGT ra hiệu lệnh lại làm liều thì các anh sẽ xử trí thế nào?

Tôi rất ủng hộ các anh, mong các anh khỏe, kiểm soát giao thông chặt, để những kẻ say xỉn không có cơ hội cầm lái, gây hại nữa!

Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:

Cám ơn chị Kiều Bạch Mai đã quan tâm đến những vất vả mà lực lượng CSGT hàng ngày phải đối mặt, đặc biệt trong công tác xử lý vi phạm liên quan đến nồng độ cồn và các chất kích thích khác.

Trong kế hoạch tuần tra kiểm soát, chúng tôi chấp hành nghiêm quy trình công tác theo thông tư của Bộ Công an, bố trí lực lượng công cụ, phương tiện hợp lý để đảm bảo an toàn cho cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ. Ngoài ra, chúng tôi có chuẩn bị các phương án cho các trường hợp cụ thể như: người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của CSGT, chống đối cố tình điều khiển phương tiện bỏ chạy hoặc lao xe vào tổ công tác...

Mọi hành vi vi phạm trên đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Vũ Thị Tuyết Lan hỏi:

Khi lái xe say rượu gây tai nạn, người dân truy đuổi. Tôi cho là hợp lý, để còn hò hét, cảnh báo người đi đường tránh xa. Nhưng lại có luồng ý kiến ngược chiều, nói rằng vì đuổi nên lái xe cuống, gây tai nạn nguy hiểm.

Tôi xin hỏi: Vậy nên làm thế nào là hợp lý, vì không can thiệp nhanh, sự cố xảy ra không thể nói trước được!

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGT Quốc gia trả lời:

Cần phải khẳng định rằng, những việc mà người dân phản ứng với cái xấu như vậy chúng ta phải hết sức thận trọng, chỉ làm những việc trong khả năng mình cho phép và phải đảm bảo an toàn. 

Với lực lượng chức năng, họ có đủ thẩm quyền, có đủ chức năng và những trang thiết bị để có thể phát hiện, ngăn chặn, chấm dứt hành vi vi phạm nếu cần. 

Trong những trường hợp cụ thể thì lực lượng chức năng sẽ có phương án cụ thể. Vậy nên, cần phải được xem xét trong những bối cảnh cụ thể. Tuy nhiên, việc cố gắng ở mức độ tốt nhất chấm dứt vi phạm là nguyên tắc rất quan trọng, và việc đó nên để cho lực lượng chức năng thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo an toàn. 

Trên thế giới, Cảnh sát giao thông vẫn truy đuổi những trường hợp vi phạm giao thông là bình thường. Nhưng chúng ta phải có phương án, thiết bị thực hiện hành vi đó làm sao đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng, trong đó có cả người vi phạm. 

Nếu trường hợp thấy hành vi có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì lúc đó chúng ta phải cân nhắc hết sức thận trọng. Về mặt lâu dài, chúng ta phải tiến hành rút kinh nghiệm để không bị đặt vào tình huống như vậy.

Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:

Khi phát hiện người điều khiển phương tiện có dấu hiệu sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích khác, người dân nên báo ngay về đặc điểm phương tiện (biển số, màu sơn, chiều hướng di chuyển...) và người điều khiển phương tiện tới lực lượng chức năng hoặc đường dây nóng của lực lượng Công an để bố trí lực lượng giải quyết.

Người dân không nên truy đuổi, gây mất an toàn cho những người tham gia giao thông xung quanh và bản thân người truy đuổi.

Nguyễn Văn Chúc, Thanh Oai- Hà Nội hỏi:
Nhiều lái xe buýt tại Hà Nội vẫn lái rất ẩu, phóng nhanh vượt ẩu, vào điểm đỗ đột ngột gây bức xúc với người tham gia giao thông. Transerco có kiểm tra, phát hiện và xử lý các lái xe này?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội trả lời:

Transerco đã áp dụng công nghệ vào công tác quản lý. Tất cả các xe buýt đều gắn thiết bị quản lý hành trình nên tất cả những trường hợp phóng nhanh, vượt quá tốc độ quy định đều được phát hiện, cảnh báo kịp thời. 

Bên cạnh đó, lực lượng kiểm tra giám sát của Tổng công ty thường xuyên sử dụng các thiết bị hỗ trợ như camera để phát hiện và xử lý đối với lái xe vi phạm quy định này. 

Nguyễn Tuyết Mai hỏi:
Chồng tôi rất hay bị ép rượu. Nhiều lần anh ấy vẫn cố cầm lái, khẳng định là ko sao, đủ tự tin. Xin hỏi lúc đó làm sao tôi test nhanh được để biết chồng tôi đủ sức lái xe hay ko? Vì tôi ko thể nhờ CSGT hỗ trợ được.
PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế trả lời:

Theo quy định của pháp luật Việt Nam người lái xe ô tô không được phép có nồng độ cồn trong hơi thở hoặc máu.  Vì vậy, nếu chồng chị đã uống rượu bia, dù chỉ là 1 cốc và lái xe thì cũng đã vi phạm quy định, do vậy không nhất thiết phải test.

Trần Bá Thiện hỏi:
Nhiều khi vào bàn rượu, tôi cố gắng từ chối nhưng vẫn bị ép. Thực sự rất là khó để lắc đầu. XIn hỏi có cách nào để chúng tôi uống rượu mà sau đó đỡ say hay ko? Như là cách tự cho tay vào họng để kích, tôi đã thử làm nhưng chưa thấy hiệu quả.
PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế trả lời:

Rượu bia là những đồ uống có chứa cồn và về bản chất đó là chất gây nghiện và gây cho con người cảm giác say. Khi uống rượu bia có nghĩa là chúng ta đã nạp chất cồn vào trong người và tùy vào lượng rượu bia mà chúng ta uống vào, gan và các cơ quan nội tạng cần đủ thời gian để phân hủy hết chất cồn trong cơ thể.

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 22

Có một vài loại thuốc được quảng cáo giải rượu nhưng thực tế chỉ gây cảm giác đỡ say nhưng thực tế không giúp cho việc phân hủy các chất cồn trong cơ thể. Kích thích nôn cũng là một cách giúp lượng rượu bia trong cơ thể thoát ra một phần. Nhưng phần lớn lượng cồn uống vào cơ thể đã nhanh chóng ngấm vào máu và gây say. 

Vì vậy, tốt nhất là kiểm soát việc uống rượu bia, và nếu đã không thể từ chối thì không được lái xe, nên sử dụng các phương tiện khác như taxi, xe ôm, xe buýt... để tham gia giao thông.

Đặng Ngọc Hà hỏi:
Chúng ta đã đưa ra nhiều giải pháp để hạn chế, xử phạt lái xe uống rượu bia, nhưng giải pháp từ gốc, là kiểm soát việc bán rượu bia như thế nào chưa được đặt ra, phải chăng như vậy là chưa đầy đủ, chưa kiểm soát từ gốc?
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGT Quốc gia trả lời:

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này của độc giả. Thực ra, tất cả các giải pháp kể cả từ quy định pháp luật, tuyên truyền và xử phạt hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới chỉ là những giải pháp mang tính phần ngọn, cuối cùng.

Chúng ta cần thực hiện những giải pháp mang tính nền tảng để tạo ra một môi trường có văn hóa ứng xử giao thông tốt. 

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 23

Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia Trần Hữu Minh tại buổi giao lưu trực tuyến chiều nay, 13/5

Có nhiều giải pháp mà chúng ta có thể thực hiện trong đó đặc biệt quan trọng là những giải pháp toàn diện  để kiểm soát tác hại của rượu bia trong xã hội (bao gồm kiểm soát sự sẵn có, kiểm soát khả năng tiếp cận của từng nhóm dân cư...). Đây chính là những nội dung cơ bản ở trong Luật Phòng chống tác hại rượu bia sắp được trình Quốc hội.

Ngoài ra, những giải pháp để giáo dục đào tạo một cá nhân về đạo đức xã hội, về trách nhiệm xã hội và ý thức công dân trong nhà trường và đặc biệt trong gia đình là hết sức quan trọng. Khi một công dân mà có ý thức đạo đức xã hội tốt, thậm chí họ có thể tự giác nhận thức ra hành vi sai và không thực hiện. 

Tiếp đến là những giải pháp để phát triển vận tải công cộng để cung cấp cho người dân nhiều lựa chọn đi lại cũng đóng vai trò rất quan trọng. Hiện nay chúng ta quá lệ thuộc vào phương tiện cơ giới cá nhân.

Tôi cho rằng, phần lớn người dân không muốn thực hiện hành vi vi phạm uống rượu bia sau đó lái xe. Họ thực hiện hành vi này như một sự đã rồi. Sau khi uống rượu bia xong, thấy rằng trong nhiều trường hợp thì phương tiện cơ giới cá nhân là phương tiện duy nhất. Bởi vậy, chúng ta phải kiên trì và nhanh chóng phát triển hệ thống vận tải công cộng và vận tải phi cơ giới trong đó có đi xe đạp và đi bộ. 

Thu Huyền, 38 tuổi hỏi:
Doanh nghiệp vận tải như Transerco chắc chắn sẽ có quy định với việc sử dụng rượu bia khi lái xe đối với lái xe. Nhưng làm thế nào để phát hiện lái xe vi phạm mới là việc khó, trừ khi lái xe đó bị để xảy ra vụ việc không hay như: tai nạn, cãi lộn với khách... Vậy công ty có cách nào để quy định của mình được hiệu quả?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội trả lời:
Như trên tôi đã nói, Tổng công ty đã trang bị thiết bị đo nồng độ cồn để chủ động phát hiện, xử lý vi phạm. 
Lê Văn ĐÔ, Hà Nội hỏi:
Nên đưa những nhóm hành vi này vào tội phạm hình sự! Vì nó quá nguy hiểm cho tính mạng con người và cho xã hội. Uống rượu say lái xe, lại xe sử dụng điện thoại, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, những vi phạm quá mức nguy hiểm cho người tham gia giao thông và hệ lụy quá lớn cho xã hội!
Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:
Theo quy định tại Điều 260 của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ: Người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Không có giấy phép lái xe theo quy định;

b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng;

c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;

d) Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;

đ) Làm chết 02 người;

e) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

g) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

h) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

5. Vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ mà có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả gây thiệt hại cho tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản của người khác nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Lê Cảnh Thăng, Thị trấn Vôi - Bắc Giang hỏi:
Hiện nay lái xe chủ yếu là nam, vậy nếu để giảm thiểu tình trạng lái xe sử dụng rượu bia thì quý công ty có nghĩ đến phương án tuyển lái xe là nữ  làm chủ yếu không?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội trả lời:

Lái xe là công việc nặng nhọc và áp lực rất lớn. Để đủ điều kiện thi giấy phép lái xe, đáp ứng yêu cầu để lái xe buýt cũng mất rất nhiều thời gian nên việc rất ít phụ nữ đáp ứng đủ điều kiện. 

Còn nếu có những phụ nữ đủ điều kiện và có nhu cầu thì Transerco cũng sẵn sàng tiếp nhận. 

Trịnh Quốc Dân hỏi:
Tôi thấy gần đây, vào lúc đêm, có nhiều thanh niên, thiếu niên đi xe lạng lách, đánh võng, manh nha đua xe ở quanh Bờ Hồ rất nguy hiểm. Trong số này, ko ít kẻ chơi ma túy, uống rượu nên vô cùng ngông nghênh. Xin hỏi CSGT có biện pháp gì để xử lý mạnh tay ko?
Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 24

Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội 

Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thành phố, lực lượng CSGT luôn bố trí các tổ tuần tra, kiểm soát đảm bảo khép kín thời gian, địa bàn.

Đối với những khu vực trung tâm, những khu vui chơi giải trí tập trung nhiều người, CATP Hà Nội bố trí lực lượng bao gồm: CSGT, Cảnh sát trật tự (113), Công an phường, CSCĐ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm luật giao thông là những nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, phục vụ nhân dân vui chơi, đi lại đặc biệt trong những ngày lễ tết và các kỳ nghỉ.

Lê Việt Hương hỏi:

Khi công an xử lý các đối tượng say rượu, có lúc tôi thấy có người còn gân cổ cãi, kêu là vẫn tỉnh táo. Hay thậm chí có người thổi nồng độ cồn bị lên vạch, vẫn cãi là do ăn vải, ăn mít nên bị thế.

Xin hỏi mức căn cứ nồng độ cồn để biết người nào ko đủ điều kiện cầm lái? Liệu ăn vải, ăn mít có thể "nhiễm" nồng độ cồn hay không?

PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế trả lời:

Hiện nay các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát đều có những thiết bị đo nồng độ cồn trong hơi thở. Ngoài ra, chúng ta còn có những quy định nếu đối tượng không chấp nhận thì có thể cưỡng chế đo nồng độ cồn trong máu.

Do vậy, việc sử dụng các thức ăn khác ở mức có thể gây ra nhầm lẫn khi đo nồng độ cồn là điều gần như không thể xảy ra. Những thiết bị đo hiện tại là rất hiện đại, có khả năng phát hiện chính xác.

Theo pháp luật Việt Nam, người lái xe ô tô không được phép có nồng độ cồn, còn người lái xe máy, mô tô mức độ cồn cho phép là 50mg/100ml máu hoặc 0.25mg/1 lít khí thở.

Nhớ Anh hỏi:

Ngày xưa, tôi thấy nảy ra ý tưởng tịch thu xe của tài xế nào uống rượu. Tôi rất ủng hộ. Nhưng khi đó, mọi người còn phản đối. Nay với tình hình lạm dụng rượu bia như thế này, tôi rất muốn áp dụng ý tưởng đó.

xin hỏi Vn sắp áp dụng chưa?

Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGT Quốc gia trả lời:

Cần khẳng định rằng, giải pháp tịch thu phương tiện của lái xe vi phạm nồng độ cồn đã và đang được áp dụng trên thế giới. Tuy nhiên, không phải cứ vi phạm nồng độ cồn là tịch thu phương tiện ngay, mà chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt.

Ví dụ như vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng: nồng độ cồn gấp nhiều lần mức cho phép, lái xe mất hoàn toàn kiểm soát và về nguyên tắc, họ có thể xâm hại tính mạng của bất kỳ ai trên đường.

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 25

Việt Nam chưa có đầy đủ hành lang pháp lý để thực hiện việc tịch thu phương tiện đối với lái xe vi phạm nồng độ cồn

Trong những trường hợp họ có dấu hiệu tái phạm lặp lại nhiều lần với hành vi này thì có thể tịch thu phương  tiện.

Với những trường hợp như trên thì cần những giải pháp mạnh hơn, như là tịch thu phương tiện.

Trong điều kiện Việt Nam, giải pháp này cũng có thể áp dụng. Nhưng muốn áp dụng thì điều đầu tiên là phải sửa những quy định của pháp luật, đặc biệt là quy định trong Luật xử lý vi phạm Hành chính, và một số Văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện.

Còn như hiện nay nếu chưa có hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng thì chúng ta rất khó thực hiện giải pháp này.

Nguyễn Chiến hỏi:
Tổng công ty vận tải là đơn vị duy nhất của HN hoạt động về lĩnh vực vận tải, vậy xin hỏi, quản lý một lượng lớn lái xe như vậy, Tổng công ty có biện pháp gì để hạn chế tình trạng lái xe uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội trả lời:

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 26

Ông Nguyễn Văn Hùng- Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - Transerco

Trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều đơn vị cùng tham gia hoạt động vận tải công cộng bằng xe buýt. Tổng công ty là đơn vị có số lượng tuyến xe và công nhân lái xe nhiều nhất. 

Vì vậy, Tổng công ty đưa ra các biện pháp để hạn chế tình trạng lái xe uống rượu bia rồi điều khiển phương tiện. Hàng năm, Tổng công ty đều phối hợp với Phòng CSGT- CATP Hà Nội tổ chức các buổi tuyên truyền với mục đích để lái xe chấp hành tốt quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, Tổng công ty tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho cán bộ công nhân viên, trong đó có công nhân lái xe nhằm ngăn chặn những trường hợp công nhân lái xe có sử dụng chất cấm và phải đảm bảo sức khỏe để vận hành phương tiện xe buýt.

Thời gian gần đây, Tổng công ty tăng cường hơn nữa việc kiểm soát đối với công nhân lái xe, nhất là trong việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn. Tổng công ty đã ban hành kế hoạch "Tăng cường đảm bảo an toàn lái xe năm 2019" và triển khai quyết liệt nhằm hạn chế vi phạm. 

Tổng công ty đã trang bị nhiều thiết bị đo nồng độ cồn để kiểm soát vi phạm. Tất cả các lái xe khi nhận ca buổi sáng đều được kiểm tra. Tổng công ty cũng có lực lượng thường xuyên kiểm tra trên tuyến để phát hiện, xử lý vi phạm kịp thời. 

Bùi Văn Đại, 26 tuổi, Ba Vì - Hà Nội hỏi:
Tham khảo thấy rất nhiều nước áp dụng hình phạt rất nghiêm khắc với các lái xe có nồng độ cồn vượt quá quy định, kể cả khi mới cầm lái mà chưa di chuyển, để phòng ngừa tai nạn. Hoặc quy định chỉ bán một lượng đồ uống có cồn nhất định cho một người và nếu người uống gây tai nạn thì nơi bán cũng liên đới chịu trách nhiệm. Tại sao Việt Nam có tỷ lệ gây tai nạn giao thông do rượu bia lớn như vậy mà không áp dụng?
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGT Quốc gia trả lời:

Các giải pháp mà bạn đọc trao đổi đều đã và đang được áp dụng ở nhiều nơi trên thế giới, và chúng đều cân nhắc để có thể áp dụng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, từng giải pháp với từng bối cảnh cụ thể cần phải cân nhắc giải pháp đặc thù. Trong điều kiện Việt Nam cũng không thể "nhập khẩu" hoàn toàn, máy móc những giải pháp của các quốc gia phát triển.

Song, về nguyên tắc thì việc áp dụng các giải pháp đa dạng để làm sao có thể xử phạt các hành vi vi phạm theo mức độ vi phạm là hết sức quan trọng.

Với hành vi vi phạm quy định nồng độ cồn, nếu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng thì không chỉ xử lý về hành chính mà hoàn toàn có đủ  căn cứ để xử lý về mặt hình sự. 

Với mức vi phạm thấp hơn, thì ngoài xử lý hành chính (phạt tiền) chúng ta hoàn toàn có thể cân nhắc các hình phạt bổ sung, trong đó có xử lý tái phạm; hoặc là giáo dục (lao động công ích hoặc học thi lại bằng lái; hoặc nâng cao mức bảo hiểm trách nhiệm dân sự).
Theo tôi được biết, tất cả những lựa chọn này đang được chuyển tới các cơ quan chức năng để có nghiên cứu trong thời gian tới. 

Đào Mạnh Tú hỏi:
Vừa rồi tôi thấy có xe công an đâm va người đi xe máy rồi bỏ chạy. Xin hỏi, khi người dân uống rượu mà gặp CSGT thì bị xử lý rất nghiêm. Vậy nếu có đồng chí CSGT có nồng độ cồn mà chạy xe, thì liệu có bị kiểm tra và xử lý hay không?
Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:
Mọi công dân khi tham gia giao thông đều phải chấp hành nghiêm luật giao thông. Đối với cán bộ chiến sĩ, nếu vi phạm ngoài việc bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải chịu các hình thức kỷ luật khác trong ngành Công an.
Cảnh Bình - Hải Hậu, Nam Định hỏi:
Ông bà đánh giá thế nào về mức phạt tài xế, người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn hiện nay? 
PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế trả lời:

Chế tài xử phạt vi phạm nồng độ cồn theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở mức phạt tiền và tạm giữ giấy phép lái xe, theo tôi, mặc dù mức phạt tiền cũng không hề thấp, có những hành vi bị phạt lên tới gần 20 triệu đồng.

Tuy nhiên, mức phạt này còn chưa đủ sức răn đe với nhiều lái xe và việc chỉ xử phạt hành chính bằng tiền chưa có thêm những hình phạt khác như nhiều quốc gia khác áp dụng như: lao động công ích, phạt tù, thu hồi vĩnh viễn giấy phép lái xe...

Đây cũng là những giải pháp mà chúng ta có thể bổ sung, áp dụng để tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật.

Đặng Tất Hải, Thạch Thất, Hà Nội hỏi:
Ủy ban ATGT quốc gia có thống kê về việc, uống rượu bia liên quan đến TNGT như thế nào, và nếu có nghiên cứu, mong ông hãy chia sẻ thông tin?
Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng UBATGT Quốc gia trả lời:

Lái xe vi phạm nồng độ cồn có thể bị tước bằng lái ảnh 27

Ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia

Hiện nay chúng ta có đầy đủ số liệu thống kê về mặt nguyên nhân dẫn tới TNGT. Số liệu này do cục CSGT, Bộ Công an được giao đảm trách.

Tỷ lệ, lái xe bị phạt vi phạm nồng độ cồn trong tổng số các trường hợp bị xử phạt vi phạm giao thông chiếm khoảng 2-3%.

Những người bị phạt còn khá khiêm tốn, nếu chúng ta so với tỷ lệ những người nhập viện do TNGT có liên quan đến nồng độ cồn vào ngày thường khoảng 36%, trong các dịp lễ Tết cao điểm có thể lên tới 60%.

Qua phân tích cho thấy, hiện nay, vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới đang là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới TNGT tại Việt Nam. 

Rõ ràng, chúng cần tiếp tục tăng cường vừa giáo dục, vừa kiểm tra xử phạt để tăng tính răn đe hơn nữa.

Bảo Nam, Hà Đông- Hà Nội hỏi:
Công ty Transerco có quy định thế nào với lái xe về việc uống rượu bia khi lái xe? Nếu phát hiện lái xe uống rượu bia khi lái xe, công ty sẽ xử phạt như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội trả lời:

Tổng công ty quy định, lái xe không có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Các đơn vị trực thuộc sẽ có quy định về mức xử phạt cụ thể đối với công nhân lái xe có nồng độ cồn trong hơi thở.

Nếu phát hiện công nhân lái xe có nồng độ cồn trong hơi thở sẽ ngay lập tức đình chỉ tay lái và xử lý theo quy chế của Tổng công ty và các đơn vị.

Vũ Đình Bơ - Kiên Giang hỏi:
Ba phụ nữ tử vong giữa trung tâm TP Hà Nội trong một tuần bởi các tài xế ôtô say xỉn khiến ông, bà suy nghĩ gì?
PGS.TS Phạm Việt Cường, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phòng chống chấn thương - Đại học Y tế công cộng, Bộ Y tế trả lời:
Lái xe uống rượu bia gây ra những vụ va chạm dẫn đến tử vong cho những người khác đó là vấn đề y tế công cộng không chỉ ở Việt Nam mà còn các nước khác trên thế giới. Việc chỉ trong vòng 1 tuần có tới 2 vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng gây tử vong cho 3 người, tôi nghĩ đã đến lúc tất cả các cơ quan chức năng và xã hội cần chung tay lên tiếng mạnh mẽ để ngăn chặn tình trạng này. Uống rượu bia lái xe không chỉ là chuyện cá nhân mà là vấn nạn cần lên án mạnh mẽ và cần những chế tài xử phạt nghiêm minh.
Nguyễn Quang Vinh - Vĩnh Phúc hỏi:
Sau khi phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ thì cảnh sát giao thông sẽ lập biên bản vi phạm rồi cho tài xế đó tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông tiếp hay sẽ làm gì để ngăn chặn tai nạn có thể xảy ra.
Đại úy Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT CATP Hà Nội trả lời:
 Căn cứ vào Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính Phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, nếu phát hiện người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn vượt quá mức cho phép thì lực lượng cảnh sát giao thông sẽ dừng xe. Trong bất cứ trường hợp nào, thì người vi phạm cũng không được tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông; tùy vào mức độ cụ thể, phương tiện sẽ bị tạm giữ trong thời gian 7 ngày.
Văn Trọng hỏi:
Chính phủ, Bộ GTVT đến UBND TP Hà Nội và Sở GTVT Hà Nội đều có chỉ đạo về việc khám sức khỏe lái xe để đảm bảo an toàn, vậy Tổng công ty Vận tải triển khai việc này như thế nào? Có thể chia sẻ thông tin về kết quả khám sức khỏe của Tổng công ty?
Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng Trung tâm Quản lý chất lượng dịch vụ, TCTy Vận tải Hà Nội trả lời:

Hàng năm, Tổng công ty đã tổ chức khám sức khỏe cho toàn bộ cán bộ công nhân viên, trong đó có công nhân lái xe. Tùy theo quy định của Luật, đã tiến hành kiểm tra sức khỏe lái xe định kỳ 6 tháng hoặc 1 năm 1 lần.