Lại “xé rào” lãi suất

ANTĐ - Bên cạnh việc khẩn trương đưa vốn vào sản xuất kinh doanh, góp phần hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhiều ngân hàng thương mại cũng tranh thủ mở rộng tín dụng tiêu dùng, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần. Nhu cầu mua sắm tiêu dùng không mạnh như mọi năm, nhưng vẫn có những người muốn vay mua đồ gia dụng, xây sửa nhà… với mức lãi suất ưu đãi. Hoạt động này vừa giúp ngân hàng giải phóng được nguồn vốn, vừa giúp người dân tăng sức mua, góp phần giải tỏa lượng hàng tồn kho, vực dậy nền kinh tế.

Một loạt ngân hàng thương mại cổ phần đã đi “tiên phong” triển khai đồng loạt những sản phẩm tín dụng tiêu dùng với thời gian duyệt vay “siêu tốc”. Chẳng hạn, cho vay công chức, cho vay mua ô tô, cho sinh viên vay mua xe máy, đi du học và cho vay cầm cố sổ tiết kiệm. Các sản phẩm tín dụng hấp dẫn chưa từng thấy: duyệt vay “siêu tốc” chỉ trong 4-8 giờ; đối tượng là công chức, viên chức, sinh viên, cán bộ, chuyên viên, khách hàng gửi tiết kiệm. Đặc biệt là, cho vay lên tới 3 tỷ đồng mà không cần tài sản bảo đảm, vay tiêu dùng “siêu tốc” online trên website. Chỉ sau một thời gian “mở cửa” ngân hàng cho vay đã thu hút hàng nghìn khách hàng. Thực ra, cho vay tiêu dùng là chuyện bình thường với các ngân hàng thương mại, nhiều người dân đã tìm đến ngân hàng để vay nhưng do lãi suất cao và sự biến động của lãi suất khiến họ phải chùn tay. Tuy nhiên cũng có luồng ý kiến cho rằng, khuyến khích vay tiêu dùng, vô hình trung ngân hàng đã “dụ” khách hàng vung tay tiêu hoang. Đặc biệt là tiêu dùng qua thẻ tín dụng để thu hút khách hàng, một số ngân hàng còn “lì xì” tiền mặt tới vài triệu đồng, có nơi còn “hào phóng” tặng nhiều phiếu bốc thăm trúng thưởng cả xe SH, máy tính bảng… 

Việc đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng vào thời điểm này cũng là điều dễ hiểu, tuy vậy đang xuất hiện tình trạng đáng lo ngại là các ngân hàng đua nhau khuyến mãi hút khách, “xé rào” lãi suất huy động kỳ ngắn hạn tới 11,5%/năm, vượt 3,5% so với quy định. Không chỉ những ngân hàng nhỏ, hàng loạt ngân hàng lớn cũng tung ra nhiều chương trình khuyến mãi với giá trị lớn. Không chỉ cạnh tranh bằng giải thưởng “khủng”, các ngân hàng còn “linh hoạt” áp dụng nhiều hình thức lãi suất khác nhau tùy theo mức độ VIP. Thậm chí, có ngân hàng “chiều chuộng” khách hàng gửi vài trăm triệu đồng tới mức đến tận nhà, cơ quan để làm thủ tục. Thật hiếm có khi nào, ngân hàng lại săn đón, “chăm sóc” khách hàng, tung ra nhiều chương trình dự thưởng, tặng quà để giữ chân họ như hiện nay. Đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần thừa nhận, hiện đã bão hòa các chiêu dự thưởng, tăng quà nên người dân quan tâm nhiều hơn đến lãi suất thực của tiền gửi. Vì thế vẫn còn tình trạng ngân hàng “ngấm ngầm” trả lãi suất cao hơn mức quy định để hút khách. Điều này chứng tỏ “sức khỏe”, khả năng thanh toán yếu.

Một số ngân hàng thương mại lớn đã lên tiếng cảnh báo việc “xé rào”, đẩy lãi suất sẽ khiến người dân rút tiền rồi “chạy xô” tới nơi trả lãi cao để gửi. Hiện tượng này sẽ rất nguy hiểm, nếu Ngân hàng Nhà nước không thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, để tình trạng lách luật, “châm ngòi” cho cuộc chạy đua lãi suất thì sẽ gây ra rối loạn ngoại tệ.