Lại... về nhà chồng ăn Tết

ANTĐ - Về quê chồng ăn Tết tưởng là chuyện bình thường của những cặp vợ chồng có bố mẹ chồng ở tỉnh xa. Nhưng với không ít gia đình, nó lại là chủ đề của những cuộc chiến “đến hẹn lại lên”. Ấm ức, không vui, thậm chí cãi vã, chiến tranh lạnh, nhiều gia đình còn mất cả cái Tết vui vẻ cũng chỉ vì… cái chuyện phải  về quê chồng ăn Tết.

(Ảnh có tính chất minh họa)

Sao cứ phải về quê chồng ăn Tết

Linh nhớ như in cái Tết đầu tiên ở nhà chồng. Lúc đấy, hai vợ chồng cô mới cưới nhau chưa đầy một năm, lại vừa sinh con được hơn một tháng. Gần Tết, chồng nhỏ to rằng cho vợ về quê với ông bà nội trước mấy ngày, rồi chồng sẽ về sau vừa là để ăn Tết với ông bà cho đỡ buồn, vừa để bà nội trông cháu một thời gian. Thế là trước ngày ông Công ông Táo, trời rét cắt da cắt thịt, tiễn bà ngoại (đang giúp chăm cháu) về xong thì chồng cũng bắt taxi đưa hai mẹ con về tận Hải Phòng quê nội. Đến chiều chồng lại vội vã trở về Hà Nội đi làm, để lại hai mẹ con cô với ông bà nội, tuy gọi bằng bố mẹ nhưng cảm giác vẫn còn xa lạ.

Dù đã chuẩn bị tinh thần cho những khó khăn nhưng Linh vẫn không thể ngờ về nhà chồng ăn Tết lại khiến cô sợ đến vậy. Đêm đầu tiên ngủ nhà chồng, trời mưa phùn, rét mướt. Từ chập tối, con cô không hiểu do lạnh bụng hay mẹ ăn phải cái gì lạ mà xì xoẹt đi ngoài mấy lần. Bố mẹ chồng ngủ ở ngoài, một mình cô vừa mệt vì thức đêm, vừa lo cho con, lại lúc lúc phải đội nón chạy đi vứt bỉm, vứt giấy, rồi ra bể múc nước rửa cho con. Mà bể nước đâu có gần, phải mở cửa, đi qua sân xuống gần bếp, trời lại tối khiến cô đã lạnh cóng cả tay chân còn thêm sợ ma. Ngày hôm sau, bà nội bưng cho một bát cơm nóng dặn dò ăn xong cứ để bát ở đấy mẹ rửa, rồi đi chợ đến gần trưa mới về. Trời vẫn mưa, nước bể thì lạnh cóng, bình nóng lạnh không có. Một mình Linh xoay sở, chạy đi chạy lại với những việc không tên. Bữa cơm cũng nặng nề vì Linh vốn là người khép kín, mẹ chồng thì không khéo việc nội trợ nên những nhu cầu tối thiểu của gái đẻ bà cũng không quan tâm khiến cô ức chế trong lòng. Cứ thế, cứ thế mấy ngày gần Tết nặng nề trôi qua mà Linh không biết nói chuyện, giãi bày với ai, chỉ mong nhanh hết Tết để được ra Hà Nội. Gọi điện cho chồng, cho mẹ đẻ dù đã cố kìm nén nhưng cô vẫn phải bật khóc khiến bố mẹ đẻ cô cũng ăn Tết không ngon.

Sau cái Tết đầu tiên ở nhà chồng ấy, mỗi khi gần Tết, nghe chồng nhắc đến về quê ăn Tết là Linh lại thấy buồn. Thậm chí vợ chồng còn cãi vã vì cái tội sao chẳng bao giờ anh nghĩ đến chuyện về quê ngoại ăn Tết, năm nào cũng về nội, về nội. Cũng may những lần sau về ít ngày hơn, con cũng lớn rồi nên áp lực cũng ít hơn.

Trường hợp Dương còn căng thẳng hơn. Chồng Dương quê ở Hải Dương. Là con trưởng, cũng là trưởng họ nên trong suy nghĩ của anh ngày Tết về quê nội ăn Tết là đương nhiên. Nhưng Vân lại là con một nên mỗi lần nghĩ đến cảnh Tết để bố mẹ ở tận Yên Bái phải ăn Tết một mình là cô không cầm lòng được. Vì bố mẹ đẻ luôn động viên cô là phải về nhà chồng ăn Tết mới hợp lẽ nên dù buồn cô cũng không làm khác được. Năm nào được nghỉ nhiều lắm thì vợ chồng con cái mới tạt về ngoại được mấy ngày trước Tết. Năm ngoái, Vân quyết định đề nghị với chồng về ăn Tết ở Yên Bái một năm nhưng chồng cô đã gạt đi ngay. Bực quá, Vân tuyên bố “Anh về thì cứ về, tôi ở lại đây”. Thế là Tết đó, chồng Vân mang con về nội mấy ngày Tết, còn Vân ở lỳ trong nhà với lý do bị ốm. Sau Tết đó, chiến tranh lạnh giữa hai vợ chồng cô kéo dài hàng tháng.

Cùng nỗi ấm ức này, Yến kể: Những tưởng lấy chồng ở Hà Nội (bố mẹ chồng cô đã chuyển lên Hà Nội gần hai chục năm) thì Tết nhất không phải đi đâu, thi thoảng được về ăn Tết nhà ngoại. Về nhà chồng mới biết, năm nào cả đại gia đình cũng phải thuê xe về quê chồng từ mùng 2 Tết và ở đó đến tận mấy ngày. Từ ngày Yến về làm dâu, vợ chồng cô lại phải đảm nhận thêm cái khoản chi phí xe cộ cho cả nhà về quê, cũng là một khoản chẳng ít ỏi gì so với đồng lương công chức của vợ chồng cô. Cả nhà chồng luôn coi đó là việc đương nhiên nên chẳng năm nào phải bàn bạc. Tết nhàm chán, nhìn bạn bè sắm sửa đi chơi Tết thấy chạnh lòng đã đành, nhưng điều Yến ấm ức nhất là cả nhà chồng chẳng ai quan tâm đến việc cô còn có bố mẹ đẻ, cũng phải thăm hỏi, cũng nhớ nhung. Suốt mấy ngày ở quê, thôi thì hết cỗ nhà mình đễn cỗ nhà họ hàng, lúc nào cô cũng phải đâm đầu vào làm cỗ, rửa bát. Trong khi bố mẹ đẻ cô ở ngay Vĩnh Phúc, cách nhà có mấy chục cây mà năm nào cô cũng chỉ ghé qua nhà được một vài ngày trước Tết.

Làm sao vẹn cả đôi đường

Để cho công bằng, nhiều phụ nữ đã quyết phải “đấu tranh đến cùng” để được về nhà bố mẹ đẻ dịp Tết. Chị Minh sau đủ các chiêu từ tranh luận, rồi nhỏ to tâm sự, nhờ cả bạn bè tác động tới chồng, cuối cùng anh cũng phải đồng ý sẽ về cả hai quê ăn Tết. Năm thì về nội trước, năm sau lại về ngoại trước. Khổ nỗi, hai nhà thông gia cách nhau cả trăm cây số, đi lại vất vả tốn kém. Có năm trời rét mướt, con nhỏ mà hai vợ chồng vẫn không ai chịu nhường ai. Thế là cậu con trai gần một tuổi sau khi chu du cùng bố mẹ từ Hà Nội về Hà Nam, rồi lại từ Hà Nam về Bắc Giang đã lăn ra ốm. Vừa về Bắc Giang hôm trước thì hôm sau, sáng mùng 3 Tết hai vợ chồng lại vội đưa con ra Hà Nội điều trị vì bị viêm phổi.

Thế mới biết, muốn “công bằng” trong chuyện này cũng chẳng dễ. Trên các diễn đàn mạng chủ đề về quê chồng ăn Tết đã thu hút rất nhiều chị em vào để “xả” nỗi ấm ức. Nhiều người cho rằng việc cứ nhất nhất về quê chồng ăn Tết thể hiện tư tưởng “trọng nam khinh nữ” cần phải loại bỏ. Lại có người than trách chồng, bố mẹ chồng không tâm lý, coi thường gia đình nhà ngoại… Mong muốn được chia đều Tết cho bên nội - bên ngoại là rất chính đáng. Tuy nhiên, việc phân chia này không phải lúc nào cũng công bằng nên thường gây ấm ức cho người vợ. Do quan niệm “lấy chồng phải theo chồng” nên không ít người chồng suy nghĩ đưa vợ con về ông bà nội, còn bỏ mặc ông bà ngoại. Ông bà ngoại cũng không dám trách vì “con gái đã là con người ta”.

Ngược lại, cũng có nhiều phụ nữ cho rằng việc con dâu về ăn Tết nhà chồng là đương nhiên, là phù hợp đạo lý. Chị Minh An (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: “Con gái đi lấy chồng rồi là người nhà chồng, phải lo chu toàn cho nhà chồng trước đã. Tết nhất phải lo cúng bái, lễ lạt mọi việc đầy đủ trước rồi mới tính đến nhà mình được. Nếu mình không muốn về nhà chồng ăn Tết, có nghĩa là đã “có vấn đề” với chồng, bố mẹ chồng. Như thế nếu bố mẹ đẻ biết chuyện cũng chẳng vui gì khi mình về ngoại ăn Tết”.

Chị Thành (Hoàng Mai) cũng chia sẻ câu chuyện của mình. Năm đầu về quê chồng ăn Tết thấy hãi lắm, không điều hòa, máy giặt, không bình nóng lạnh, không cả bếp gas… Nhà tắm thì gió lùa bên trên bên dưới, mỗi lần tắm chỉ dội qua hàng nước cho nhanh nhanh không thì chết rét. Nhưng về vài lần lại thấy nó cũng… thường thôi. Năm sau, bố chồng tự tay sửa lại cái nhà tắm cho đỡ lạnh, cái bếp cho đỡ khói. Mẹ chồng thì đun cho nồi nước tắm gội to đùng với lá xả, lá bưởi thơm ngát. Rồi rau sạch mẹ chồng trồng, trứng, thịt quê ăn cứ thơm ngon hơn hẳn thành phố. Thế là thấy ấm lòng.

Còn bác Đinh Thị Phúc (Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì chia sẻ: Các con cả gái và trai đã đi xây dựng gia đình nên tôi hiểu tâm lý bố mẹ. Các cặp vợ chồng phải bàn bạc, thống nhất cho vẹn cả đôi đường. Bố mẹ hai bên đều phải mang nặng đẻ đau, vất vả sớm hôm nuôi con thành người. Vì thế trước tiên, con cái phải nhận thức được đều phải có nghĩa vụ quan tâm, chăm sóc hai bên thì mới có cách giải quyết “vẹn cả đôi đường”. Ví dụ như khi nhà vợ ít người trong khi bên chồng lại đông đúc anh em, con cháu thì chồng nên sắp xếp cùng vợ về bên ngoại để ông bà được hưởng không khí đầm ấm mấy ngày Tết. Các ông chồng không nên quá cứng nhắc, bắt ép vợ dù giá nào cũng phải về nhà mình, sẽ gây tâm lý ức chế, dẫn đến lục đục, mất vui thì bố mẹ cũng chẳng vui gì. Ngược lại người vợ cũng cần khéo léo cư xử, nói chuyện nhẹ nhàng với chồng, đừng tỏ ra chống đối nếu phải về nhà chồng ăn Tết mà trở thành nàng dâu vô trách nhiệm trong mắt bố mẹ, thậm chí họ hàng nhà chồng.

Đã đành chuyện nhà chồng với nàng dâu chẳng dễ gì dung hòa, chuyện về quê chồng ăn Tết cũng chẳng dễ với nhiều người. Nhưng đã lấy vợ, lấy chồng cũng đồng nghĩa với việc gánh thêm trọng trách với gia đình nội ngoại đôi bên. Mỗi người cần có cách giải quyết vẹn toàn hơn để không biến ngày Tết trở thành áp lực cho một bên nào đó.