Lại thêm "cú sốc" súng đạn ở Mỹ

ANTĐ - Vụ xả súng bắn chết phóng viên truyền hình và người quay phim khi đang truyền hình trực tiếp trên một kênh truyền hình của Mỹ một lần nữa “gây sốc” và cấp thiết đặt ra việc kiểm soát súng đạn chặt hơn tại Mỹ.
Lại thêm "cú sốc" súng đạn ở Mỹ ảnh 1

Giây phút Vester Flanagan xả súng vào nữ phóng viên Alison Parker do chính hung thủ ghi lại bằng máy quay

Không chỉ nước Mỹ mà cả thế giới đã bàng hoàng khi chứng kiến cảnh nữ phóng viên Alison Parker, 24 tuổi và người quay phim Adam Ward, 27 tuổi, bị bắn chết khi đang thực hiện phỏng vấn tại trung tâm mua sắm ở bang Virginia (Mỹ) được truyền hình trực tiếp trên sóng kênh truyền hình WDBJ7 ở Mỹ. Hung thủ được xác định là Vester Flanagan, một người da màu 41 tuổi, từng làm việc tại WDBJ7, đã tự mô tả mình là “thùng thuốc nổ” giận dữ vì bị phân biệt đối xử. 

Trước khi tự sát khi bị cảnh sát truy đuổi, Flanagan đã gửi tới đài ABC News một bức fax dài 23 trang, trong đó nói rằng chính vụ người da trắng xả súng hàng loạt ngày 17-6 tại một nhà thờ dành cho người da màu ở Charleston (bang Nam Carolina) khiến 9 người thiệt mạng đã châm ngòi cho hành động của hắn. Flanagan nói bản thân đã phải chịu đựng sự phân biệt chủng tộc, quấy rối tình dục và bị chèn ép ở nơi làm việc. 

Cho dù động cơ, mục đích có đúng như hung thủ Flanagan nêu hay không còn chờ kết luận chính thức của cuộc điều tra, song vụ xả súng chấn động nước Mỹ này đã một lần nữa làm dấy lên vấn đề kiểm soát súng đạn tại nước này. Ngay sau vụ xả súng tại Virginia, người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nêu rõ, đây là một bằng chứng nữa cho thấy bạo lực súng đạn đang trở nên quá phổ biến trong các cộng đồng lớn và nhỏ trên khắp nước Mỹ, đồng thời kêu gọi Quốc hội nhanh chóng thông qua luật kiểm soát súng.

Với 310 triệu khẩu súng lưu hành trên đất nước có khoảng 320 triệu dân, Mỹ là một trong những nước sử dụng vũ khí nhiều nhất trên thế giới. Súng đạn hiện được xếp thứ 13 trong danh mục các nguồn gốc dẫn tới chết người nhiều nhất hàng năm ở Mỹ, mà theo kết quả điều tra của LHQ,  từ năm 2003 đến năm 2010 đã có khoảng 88.000 người Mỹ thiệt mạng trong các vụ bạo lực súng đạn, nhiều hơn rất nhiều số người Mỹ chết trong các vụ khủng bố hay những cuộc chiến mà nước này can dự khắp thế giới.

Việc mua súng đạn ở Mỹ rất dễ dàng, thuận tiện cho công dân nước này khi người mua súng không có tiền án, tiền sự chỉ cần điền vào tờ khai do Cục Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ Mỹ (ATF) phát hành, sau đó những thông tin họ khai sẽ được gửi tới Cục Điều tra liên bang (FBI) xác minh. Sau toàn bộ quy trình diễn ra trong vòng vài phút này, người Mỹ có thể đến ngay một cửa hàng bán súng trong phạm vi khoảng 16 km để lựa chọn cho mình một món “hàng nóng” mong muốn.

Trước việc sở hữu súng đạn dễ dàng đã gây ra rất nhiều vụ thảm sát chấn động, Quốc hội Mỹ năm 1994 thông qua đạo luật cấm 10 năm đối với việc buôn bán và sở hữu 19 loại vũ khí tấn công. Đến năm 2004, đạo luật này hết hiệu lực và từ đó đến nay, đảng Cộng hòa với sự vận động hành lang ráo riết của Hiệp hội Súng đạn Mỹ (NRA) có khoảng 4,5 triệu hội viên cùng doanh thu bán súng đạn 3,5 tỷ USD/năm đã phản đối mạnh mọi đề xuất kêu gọi kiểm soát chặt chẽ việc buôn bán súng.

Bất lực trước một trong những ưu tiên hàng đầu của mình, Tổng thống Barack Obama trong cuộc trả lời phỏng vấn BBC cuối tháng 7 vừa qua đã thừa nhận rằng việc không thông qua được luật kiểm soát súng đạn ở Mỹ là thất bại lớn nhất trong nhiệm kỳ của ông.