Lãi suất quá thấp, có nên gửi tiền vào ngân hàng?

ANTĐ - Gần một tháng đã trôi qua, nhìn lại thị trường tài chính, một lần nữa, câu hỏi được đặt ra: Lãi suất tiền gửi thấp, có nên gửi tiền cho ngân hàng không? Tiền có chạy ra khỏi ngân hàng không?

Chỉ trong vòng 10 ngày đầu tháng 3, các ngân hàng đã hạ lãi suất tiền gửi thêm từ 0,2-0,4%/năm. Hiện Vietcombank và Agribank là 2 ngân hàng đang giữ “kỷ lục” về niêm yết mức lãi suất kỳ hạn gửi huy động 1 tháng, chỉ 4%/năm. Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) vừa giảm tiếp 0,1-0,2%/năm tùy kỳ hạn gửi. Cụ thể, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng được Agribank giảm từ 4,3%/năm xuống còn 4%/năm. Kỳ hạn gửi 12-18 tháng tại ngân hàng này được điều chỉnh giảm 0,1%/năm, xuống còn 6,2%/năm. Kỳ hạn trên 18 tháng giảm thêm 0,2%/năm, xuống còn 6,3%/năm. Thậm chí lãi suất tiền gửi không kỳ hạn còn xuống dưới 1%/năm, có ngân hàng còn 0.3%/năm. 

Lãi suất quá thấp, có nên gửi tiền vào ngân hàng? ảnh 1

Không biết đầu tư vào đâu nên đành gửi tiết kiệm

Kết luận đầu tiên của nhiều chuyên gia sau gần một tháng hạ lãi suất tiền gửi là việc lãi suất hạ liên tục gây ra những tác động nhất định đến tâm lý người gửi tiền. Lộ trình giảm lãi suất đã được Thống đốc NHNN định hướng điều hành ngay từ đầu năm 2012. Từ năm 2012 đến cuối tháng 3-2013, NHNN đã 6 lần điều chỉnh lãi suất huy động cho vay và đều là hạ trần lãi suất. Từ tháng 3-2013, nhiều đợt hạ lãi suất tiền gửi tiếp tục được công bố tùy theo sự giảm của chỉ số CPI. Đợt giảm đầu tháng 3-2015 không làm dư luận cũng như người gửi tiền ngạc nhiên và  ngươi dân vẫn tiếp tục gửi tiền vào ngân hàng.

Có thể giải thích sự việc trên bằng một số nguyên nhân. Thứ nhất, người dân đã có một thời gian tương đối dài chuẩn bị trước tâm lý đối mặt với việc hạ lãi suất của ngân hàng. Như chúng ta biết, diễn biến lãi suất thời gian qua đi theo xu hướng giảm liên tục, cùng với các tín hiệu kinh tế những tháng đầu năm 2015 như lạm phát ở mức thấp đã được một số chuyên gia kinh tế phân tích và dự báo từ rất sớm, do đó người dân đã nắm bắt được thông tin và có tâm lý chuẩn bị. Dẫn đến thực tế là người gửi tiền đón nhận thông tin hạ lãi suất một cách chủ động, tích cực.

Nguyên nhân thứ hai cần nhắc tới là, tại thời điểm hiện tại, các thị trường đầu tư khác không hấp dẫn. Các thị trường đầu tư được người dân ưa chuộng trong giai đoạn trước như: bất động sản, chứng khoán, vàng đang ở giai đoạn khó khăn và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro nên đa phần người gửi tiền muốn an tâm về nguồn vốn và gia tăng lợi nhuận một cách an toàn, vẫn chọn gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng là một trong những kênh hiệu quả nhất. Thứ ba, việc gửi tiền vào ngân hàng của người dân phụ thuộc rất lớn vào kỳ vọng của họ về lạm phát. Theo thông tin từ Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, cùng với các chuyên gia kinh tế dự đoán thì lạm phát năm 2015 sẽ kết thúc ở mức thấp, có thể là kỷ lục. Do đó người dân có thể yên tâm khi gửi tiền vào ngân hàng và hưởng lãi suất. Nếu đem so sánh với những năm trước, khi mà lạm phát rất cao, lãi suất danh nghĩa dù có cao vẫn thấp hơn mức lạm phát thì tương quan lãi suất và lạm phát này cũng tạo ra sự sự hấp dẫn không nhỏ.

Nếu lãi suất tiền gửi về sâu ở mức 4%/năm, thậm chí xuống mức trên ngưỡng 3%/năm thì dân có còn gửi tiền vào ngân hàng trong khi thị trường bất động sản được cho là đang ấm nóng, thị trường chứng khoán đang sôi động? Nhiều chuyên gia cho rằng có thể sẽ có một lượng tiền đổ vào hai kênh đầu tư này kiếm lời, nhưng không lớn. Phần lớn người dân gửi tiền tiết kiệm để giữ vốn, không phải kinh doanh và không quen với việc đầu tư kinh doanh nên họ vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm. Với thị trường chứng khoán, người đầu tư cần am hiểu sâu về thị trường chứng khoán cũng như mã cổ phiếu và hoạt động kinh doanh của công ty đó. Vì thế cần phải nghiên cứu mới có thể đầu tư. Còn thị trường bất động sản muốn đầu tư phải có khoản tiền lớn. Mua ngoại tệ sợ rủi ro, mua vàng thì bị lỗ… Quan trọng nhất, những thị trường này đều chưa thật minh bạch, nếu không phải chuyên kinh doanh không mấy ai rút tiền tiết kiệm tham gia. Vì vậy, gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng vẫn là kênh an toàn nhất cho những khoản tiền nhàn rỗi, tiền tiết kiệm của dân. 

Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước TP Hồ Chí Minh cho biết tổng vốn huy động trên địa bàn TP đến tháng 3/2015 đạt gần 1.400.000 tỉ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 15,3% so với tháng cùng kỳ. Trong khi đó tăng trưởng tín dụng đến hết tháng 3 là 2,3%. Điều đó cho thấy đầu vào ở các ngân hàng tiếp tục tăng nhưng đầu ra vẫn chậm chạp. Nhóm chuyên gia tài chính, ngân hàng - Đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng dân không biết đầu tư vào đâu nên đành gửi tiết kiệm. Ngân hàng huy động được vốn nhưng cho vay ra khó khăn. Sắp tới, các ngân hàng vẫn rơi vào khuynh hướng bí đầu ra nên cần tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi về sâu hơn nữa. Vì thế cần hạ thêm  lãi suất tiền gửi nữa để để tạo điều kiện cho dòng vốn đến được với sản xuất kinh doanh. 

Nhưng các doanh nghiệp vẫn phải vay với lãi suất cao

Phải khẳng định, nền kinh tế của chúng ta đã qua giai đoạn khó khăn nhất, nhưng không phải đã phát triển ổn định, đặc biệt những khó khăn của doanh nghiệp còn bộn bề. Với tình hình hiện nay, doanh nghiệp không dễ đạt lợi nhuận 10%. Vậy mà đến đầu năm 2015 này, hầu hết các doanh nghiệp vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất 8-10%. Dĩ nhiên, lãi suất đã giảm đáng kể so với thời 18 - 20% của những năm trước nhưng vẫn cao so với mặt bằng lãi suất huy động cũng như khả năng sinh lời của doanh nghiệp. Nhu cầu vay trung dài hạn của doanh nghiệp để đầu tư máy móc thiết bị, chuẩn bị cho hội nhập cộng đồng kinh tế chung ASEAN, các hiệp định FTA... là rất lớn. Tuy nhiên, mức lãi suất hiện vẫn còn cao khiến cho nhiều đơn vị phải chùn tay.

Có một thực tế phải chấp nhận, không phải muốn giảm lãi suất cho vay là giảm ngay được. Riêng về lãi suất cho vay trung dài hạn, các ngân hàng buộc phải cân nhắc khi cơ cấu nguồn vốn hiện nay của các ngân hàng có tới 85% vốn huy động ở kỳ hạn ngắn (chỉ 1-3 tháng). Khi cho vay trung và dài hạn nếu có biến động lãi suất, ngân hàng sẽ không xoay xở được. Cần phải lưu ý, lãi suất tiền gửi hay cho vay còn bị ảnh hưởng bởi giá dầu, khả năng điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và một yếu tố quan trọng là quy mô phát hành trái phiếu Chính phủ. Nếu trái phiếu Chính phủ phát hành ngày càng nhiều có thể dẫn tới lãi suất tăng trở lại. Mặc dù Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng trong cuộc họp gần đây nhất cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng các giải pháp để can thiệp trên thị trường, hiện nay các ngân hàng nếu có khó khăn về thanh khoản sẽ tiếp cận được nguồn vốn từ trung ương, tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn rất lo lắng về lãi suất cho vay.

Lãi suất tiền gửi tuy thấp, nhưng người dân vẫn gửi tiền vào ngân hàng. Kinh doanh vốn thế nào, dĩ nhiên các ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên các doanh nghiệp và người dân vẫn hy vọng, những chính sách tiền tệ sớm có những giải pháp khơi nguồn vốn rẻ cho các doanh nghiệp, để các khoản tiền gửi của người dân sớm được đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Lãi suất tiền gửi thấp nhưng các doanh nghiệp phải vay với lãi suất cao là điều khó chấp nhận.