Lãi suất huy động tiếp tục tăng ở nhiều ngân hàng lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều ngân hàng lớn như MB, VPBank, Techcombank, ACB… đồng loạt tăng lãi suất huy động tiền gửi cá nhân từ đầu tháng 8.

Trong biểu lãi suất huy động vừa công bố, Ngân hàng Quân đội (MB) đã tăng lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn, áp dụng từ đầu tháng 8.

Cụ thể, tại kỳ hạn 3 tháng, nhà băng này đã tăng thêm 0,2 điểm % lên 3,6%/năm; kỳ hạn 5 tháng tăng mạnh 0,5 điểm % lên mức trần 4%/năm. Ở kỳ hạn 7-8 tháng, lãi suất cũng tăng từ 4,4%/năm lên 5%/năm.

Với một số kỳ hạn dài hơn, MB cũng nhích nhẹ lãi suất. Trong đó, lãi suất kỳ hạn 13 tháng tăng 0,2 điểm % lên 5,9%/năm.

Hiện lãi suất cao nhất tại ngân hàng này đang là 6,9%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng và số tiền gửi từ 200 tỷ đồng trở lên. Với số tiền nhỏ, lãi suất cao nhất là 6,6%/năm.

Một ngân hàng lớn khác cũng dồn dập điều chỉnh tăng lãi suất huy động thời gian gần đây là Techcombank. Nếu như hồi đầu năm và suốt năm ngoái, ngân hàng này luôn giữ mức lãi suất huy động thấp nhất hệ thống với lãi suất tối đa chỉ 5,4%/năm thì năm nay, mức lãi suất cao nhất đã lên tới 6,4%/năm, thậm chí là 6,5%/năm với khách hàng VIP.

Các kỳ hạn từ 7-11 tháng, ngân hàng này cũng điều chỉnh tăng từ mức thấp trước đó chỉ 4%/năm lên mức cao nhất 5,55% năm (tùy độ tuổi, số tiền gửi); hay kỳ hạn từ 13-23 tháng lãi suất tăng từ mức thấp nhất 4,7%/năm lên 5,95%/năm.

Các ngân hàng liên tiếp tăng lãi suất huy động thời gian gần đây

Các ngân hàng liên tiếp tăng lãi suất huy động thời gian gần đây

Tại VPBank, biểu lãi suất vừa cập nhật cho tháng 8 cũng ghi nhận mức tăng ở nhiều kỳ hạn. Cụ thể, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng tại quầy, khoảng tiền dưới 300 triệu đồng được hưởng lãi suất tới 5,2%/năm, tăng 0,4 điểm % so với trước đó.

Các kỳ hạn khác cũng được điều chỉnh tăng thêm 0,1-0,2 điểm % tùy số tiền gửi. Hiện lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy của VPBank cao nhất là 6,7%/năm cho kỳ hạn 36 tháng với khoản tiền gửi trên 50 tỷ đồng. Nếu gửi online, lãi suất cao nhất có thể lên tới 7%/năm.

Ngân hàng ACB sau đợt tăng lãi suất kỳ hạn ngắn hồi đầu tháng 7, bước sang tháng 8 tiếp tục tăng ở các kỳ hạn dài hơn. Mức lãi suất tại các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên tăng cao nhất lên tới 0,4%/năm, áp dụng cho các khách hàng ưu tiên. Với khách hàng thường, mức tăng từ 0,1-0,3 điểm %. Lãi suất cao nhất đang được ACB áp dụng là 6,7-6,8%/năm.

Trước đó, trong tháng 7, các ngân hàng có vốn Nhà nước bao gồm Vietcombank, BIDV, Agribank cũng có động thái tăng lãi suất huy động nhưng mức tăng chỉ 0,1 – 0,2%. Mặt bằng lãi suất ở các nhà băng này vẫn thấp hơn so với mặt bằng chung, cao nhất cũng chỉ dao động 5,6 – 5,8%/năm.

Có thể thấy, mặc dù có nhiều lần tăng lãi suất song mỗi lần điều chỉnh các ngân hàng chỉ tập trung vào một số kỳ hạn nhất định và rải rác ở các ngân hàng vào các thời điểm khác nhau. Do đó, mặt bằng lãi suất chung có nhích tăng nhưng vẫn duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với trước dịch Covid-19.

Hiện lãi suất cao nhất trên thị trường là 7,55%/năm trong khi giai đoạn trước đại dịch, lãi suất huy động cao nhất có lúc lên tới 8,5%/năm.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng những tháng đầu năm 2022 tăng nhanh trước diễn biến phục hồi của nền kinh tế. Đến ngày 30/6/2022, tín dụng tăng 9,35% so với cuối năm trước, đạt mức 11,4 triệu tỷ đồng (tăng 16,69% so với cùng kỳ năm 2021), là mức tăng 06 tháng đầu năm cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Trong khi đó, huy động vốn nhỉnh hơn chút ít, đạt trên 11,8 triệu tỷ đồng, nhưng tốc độ tăng trưởng huy động chỉ đạt 4,51% so với cuối năm 2021 (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,09%).

Thanh khoản các ngân hàng đang rơi vào trạng thái căng thẳng hơn khi trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cho vay giữa các ngân hàng với nhau cũng đang ở mức rất cao, đạt trên 4%/năm ở tất cả các kỳ hạn.

Trong đó, kỳ hạn phổ biến nhất là qua đêm đang duy trì mức 4,03%/năm; kỳ hạn 1 tuần, 1 tháng lần lượt là 4,34%/năm và 4,95%/năm. Kỳ hạn cao nhất là 9 tháng lãi suất lên tới 5,9%/năm.

Trên thị trường mở, liên tiếp các ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã chào thầu giấy tờ có giá với mức lãi suất trên dưới 4%/năm.

Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, với dự báo nhu cầu tăng trưởng tín dụng cao hơn trong giai đoạn phục hồi kinh tế, nhu cầu huy động của các ngân hàng thương mại có thể đi kèm tăng lãi suất huy động trong thời gian tới. VCBS dự báo, lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5 điểm % trong cả năm 2022.

Tương tự, Chứng khoán SSI cũng nhận định lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến và lãi suất cho vay bắt đầu tăng vào cuối quý II/2022. Lãi suất huy động được dự báo có thể tăng thêm 0,5-0,7 điểm % sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm, lãi suất huy động được kỳ vọng tăng 1 - 1,5 điểm %.