Lãi suất huy động tiếp tục tăng nhẹ trong nửa đầu tháng 5

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tăng trưởng tín dụng cao hơn nhiều so với huy động vốn, cộng với áp lực tăng lãi suất của Fed đang đẩy mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục nhích tăng.

Trong nửa đầu tháng 5, làn sóng tăng lãi suất được tiếp tục ở một số ngân hàng. Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) công bố chương trình tặng lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy và trên kênh ngân hàng điện tử với mức tăng cao nhất đến 1,1 điểm % so với mức hiện hành.

Theo đó, trong chương trình khuyến mại mới này, khách hàng sẽ được cộng thêm lãi suất ưu đãi lên đến 1 điểm %/năm vào mức lãi suất hiện hành của SHB cho sổ tiết kiệm/hợp đồng tiền gửi. Bên cạnh mức cộng thưởng này, khi gửi tiền tại quầy giao dịch, khách hàng mới còn được cộng thêm 0,1 điểm %/năm cho các món tiền gửi.

Theo đại diện SHB, mức lãi suất tặng thêm này nhằm thu hút dòng vốn gửi vào ngân hàng trong bối cảnh tiết kiệm vẫn được xem là kênh đầu tư truyền thống an toàn, sinh lãi đều đặn. Hiện mức lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy cao nhất của SHB là 6,6%/năm cho kỳ hạn từ 18 tháng ở sản phẩm Tiết kiệm Đại lợi; và lãi suất 6,7%/năm cho khách gửi tiết kiệm online từ 36 tháng.

Ngày 14/5, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cũng đã công bố áp dụng biểu lãi suất huy động tiết kiệm mới, với mức tăng khoảng 0,1 - 0,3%/năm. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng tăng lên 6%/năm, 9 tháng lên 6,5%/năm, 12 tháng lên 7,3%/năm… Riêng gửi tiết kiệm online có mức lãi cao hơn hình thức gửi thông thường từ 0,5 - 0,85%/năm, chẳng hạn gửi 6 tháng lên 6,85%/năm, 9 tháng lên 7%/năm…

Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động

Nhiều ngân hàng tiếp tục tăng lãi suất huy động

Trước đó, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng tăng lãi suất huy động tiết kiệm tiền gửi online thêm 0,5% ở kỳ hạn ngắn. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng lên 3,95 - 4%/năm, 2 và 3 tháng lên 4%/năm, 6 tháng lên 5,2 - 5,4%/năm…

Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cũng tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng thêm 0,2%/năm, lên 6,4%/năm. Mức lãi suất huy động cao nhất của nhà băng này đang là 7,4%/năm đối với kỳ gửi từ 16 tháng trở lên khi khách hàng gửi online….

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ nhà nước chi phối gồm Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank vẫn duy trì lãi suất huy động ở mức thấp. Lãi suất huy động của những nhà băng này duy trì cao nhất là 5,5%/năm đối với kỳ hạn 12 tháng, còn kỳ hạn 24 tháng là 5,3 - 5,5%/năm…

Theo Báo cáo thị trường tiền tệ vừa công bố của Trung tâm phân tích, Chứng khoán SSI (SSI Reseach), biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tiếp tục được điều chỉnh tăng nhẹ trong những ngày đầu tháng 5/2022 ở một số ngân hàng vừa và nhỏ. Trong khi đó lãi suất huy động dành cho khách hàng tổ chức cũng được điều chỉnh tăng khoảng 0,2 điểm % ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần lớn.

Ngoại trừ nhóm ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước chưa ghi nhận sự điều chỉnh, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,3-0,5 điểm% so với cuối năm 2021 ở hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần nhằm thu hút dòng tiền nhàn rỗi trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm.

Theo SSI, áp lực tăng lãi suất huy động còn được thể hiện qua chênh lệch giữa tín dụng – huy động vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm nay.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tín dụng tính đến ngày 25/4 đã tăng 6,75% so với cuối 2021 (tương đương 16,4% so với cùng kỳ) trong khi huy động vốn chỉ tăng 3,55% (tương đương 10,7% so với cùng kỳ).

Cầu vốn tăng mạnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các ngân hàng tăng lãi suất huy động chuẩn bị thanh khoản đáp ứng tín dụng tăng cao trong các quý cuối năm.

Bên cạnh đó, áp lực tăng lãi suất USD của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cũng được cho đang tác động lên lãi suất tiền đồng tăng, nhất là khi lộ trình Fed đưa ra sẽ có thêm nhiều lần tăng lãi suất trong thời gian tới để kiểm soát lạm phát tăng cao.