Lãi suất huy động tiếp tục “nóng”, đã xuất hiện mức lãi suất 10%/năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Nhiều ngân hàng thương mại nhỏ đã niêm yết lãi suất huy động lên đến 10%/năm, trong khi nhóm các ngân hàng tầm trung cũng lên tới trên 9%/năm.

Từ hôm qua 22/11, Techcombank và VPBank đã tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng.

Tại Techcombank, các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên lãi suất tăng phổ biến thêm 0,3%/năm. Theo đó, mức lãi suất cao nhất đang được ngân hàng này áp dụng lên tới 9,3%/năm dành cho khách hàng VIP1 gửi mới, với số tiền gửi tối thiểu 3 tỷ đồng tại kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Đối với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất dao động trong khoảng 8,7 – 9,1%/năm tùy theo số tiền gửi.

Đáng chú ý, với biểu lãi suất mới này, các kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng cũng được hưởng lãi suất rất cao, trong đó với khách hàng VIP1 gửi mới số tiền từ 3 tỷ đồng trở lên sẽ hưởng lãi 9%/năm. Với khách hàng thường, mức lãi suất cũng lên tới 8,4 – 8,8%/năm tùy theo số tiền gửi.

Từ đầu tháng 11 đến nay, Techcombank đã 5 lần điều chỉnh biểu lãi suất, qua đó lãi suất tiền gửi tại ngân hàng này không ngừng tăng lên.

Một số ngân hàng đã đưa lãi suất tiền gửi lên 10%/năm

Một số ngân hàng đã đưa lãi suất tiền gửi lên 10%/năm

Không kém cạnh, VPBank cũng đưa lãi suất tiền gửi mới dành cho khách hàng cá nhân lên mức cao nhất 9,4%/năm, dành cho các khoản tiền gửi online tại các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng, với số tiền gửi tối thiểu là 10 tỷ đồng. Với số tiền gửi dưới 10 tỷ đồng, lãi suất cao nhất khách hàng được hưởng khi gửi online là 9,2%/năm.

Ở kỳ hạn tương tự, khách hàng gửi tiền tại quầy sẽ được hưởng lãi suất thấp hơn 0,1%/năm.

Đối với các kỳ hạn từ 6 tháng đến 11 tháng, VPBank áp dụng mức lãi suất 8,7 – 8,8%/năm cho các khoản tiền gửi tại quầy, 8,8 – 8,9%/năm đối với tiền gửi online.

Đây cũng là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 10 ngày qua VPBank thay đổi biểu lãi suất huy động.

Trước đó, VPBank đã thông báo áp dụng biểu lãi suất huy động mới trên toàn hệ thống từ ngày 14/11. Trong đó, lãi suất tiết kiệm cao nhất là 9%/năm, áp dụng cho khách hàng ưu tiên gửi tiết kiệm theo hình thức online, kỳ hạn từ 18 tháng, không phân biệt số tiền gửi. Trong khi với khách hàng thông thường, lãi suất cao nhất là 8,9%/năm.

Theo khảo sát của phóng viên, mức lãi suất 9%/năm đã xuất hiện rất phổ biến ở nhiều ngân hàng ngoài quốc doanh. Ngoài Techcombank, VPBank, thì SHB cũng niêm yết lãi suất cao nhất 9%/năm với kỳ hạn 36 tháng; kỳ hạn 12 tháng là 8,7%/năm và kỳ hạn 6 tháng là 8,4%/năm.

Tại các ngân hàng vừa và nhỏ, mức lãi suất niêm yết cao nhất thậm chí đã vượt xa con số này. Trong đó, SCB áp dụng lãi suất cao nhất 9,7%/năm cộng thêm các chính sách khuyến mại cộng thêm lãi suất.

MSB cũng công bố mức lãi suất cao nhất lên đến 9,9%/năm cho khách hàng chưa có sổ tiết kiệm, tiền gửi, chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng này và gửi tiết kiệm online tối thiểu từ 1 triệu đồng theo hình thức "Lãi suất đặc biệt", kỳ hạn 24 tháng. Chương trình cũng giới hạn mỗi khách chỉ được mở 1 sổ tiết kiệm 1 lần và số tiền tối đa mỗi khách hàng có thể tham gia là 5 tỷ đồng.

Sacombank cũng áp dụng lãi suất cao nhất lên đến 9,8%/năm dành cho khách hàng tham gia gói "Tiết kiệm tăng bảo vệ - thêm tích lũy", kỳ hạn 36 tháng. Đối với tiền gửi thông thường, mức lãi suất cao nhất đối với hình thức tại quầy là 9%; online là 9,2%/năm.

Trong khi Kienlongbank áp dụng lãi suất từ 9,1%/năm trở lên với tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 6 tháng trở lên; trong đó mức lãi suất cao nhất 9,6%/năm được áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng.

Hàng loạt các ngân hàng khác như SeABank, NCB, BaoVietBank, ABBank cũng đều có lãi suất cao nhất vượt 9%.

Cá biệt, một số ngân hàng đã đẩy lãi suất lên 10%/năm, có thể kể đến GPBank và OceanBank.

Theo các chuyên gia, sở dĩ các ngân hàng thương mại liên tục tăng lãi suất thời gian qua là thanh khoản eo hẹp hơn trong bối cảnh tín dụng từ đầu năm tăng tới 11,5% nhưng huy động vốn chỉ tăng 4,8%/năm.

Tại nhiều nhà băng, tỷ lệ tín dụng/huy động vốn đã vượt 90%, thậm chí có nơi vượt 100%, trong khi mức quy định hiện hành chỉ là 85%. Đây là áp lực rất lớn đối với các ngân hàng trong bối cảnh tín dụng cuối năm có xu hướng tăng theo yếu tố mùa vụ.