Lãi suất huy động tăng tại một số ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cuối tháng 10 và đầu tháng 11, một số ngân hàng đã thay đổi biểu lãi suất huy động. Trong đó, một số kỳ hạn có xu hướng tăng.

Lãi suất một số ngân hàng nhích tăng

Trong đó, Sacombank đã tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,4-0,6%/năm ở nhiều kỳ hạn, áp dụng từ 19/10/2021. Chẳng hạn, đối với hình thức gửi tại quầy, tại kỳ hạn 36 tháng, ngân hàng này niêm yết lãi suất ở mức 6,1%/năm, tăng 0,4 điểm phần trăm so với trước đó. Tương tự, kỳ hạn 24 tháng, 18 tháng, lãi suất cũng tăng 0,4 điểm phần trăm lên lần lượt 6%/năm và 5,9%/năm.

Đối với tiết kiệm online, Sacombank áp dụng mức lãi suất cao hơn so với gửi tại quầy tới 0,5%/năm. Trong lần điều chỉnh này, lãi suất tiền gửi online của ngân hàng cũng tăng thêm khoảng 0,2-0,6%/năm tùy kỳ hạn, lên mức cao nhất 6,6% (kỳ hạn 36 tháng). Các kỳ hạn 12 tháng, 9 tháng, 6 tháng, lãi suất lần lượt là 5,9%/năm, 5%/năm, 4,8%/năm.

Một ngân hàng khác là Eximbank, cũng tăng nhẹ 0,1 điểm phần trăm lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và tăng 0,1-0,2 %/năm lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tháng đang áp dụng tại nhà băng này là 3,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,5%/...

Hay tại BaoVietBank, lãi suất kỳ hạn 6 tháng vừa tăng thêm 0,15% lên mức 5,9%/năm, kỳ hạn 12 tháng tăng 0,1% lên mức 6,35%/năm, kỳ hạn 13-16 tháng là 6,5%/năm.

Một số ngân hàng vừa điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động

Một số ngân hàng vừa điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động

Chỉ là diễn biến cục bộ

Dù một số ngân hàng điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động, tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, mặt bằng lãi suất chung trên thị trường gần như vẫn ổn định ở mức thấp. Theo đó, lãi cao nhất hiện nay tại các ngân hàng hầu hết duy trì dưới 7%/năm và mức lãi suất nhỉnh hơn 7%/năm ở một vài ngân hàng chỉ áp dụng với các khoản tiền gửi rất lớn, kỳ hạn dài.

Thậm chí, một số ngân hàng còn có xu hướng giảm lãi suất huy động. Như tại VietCapitalBank, từ 25/10, một số kỳ hạn được ngân hàng điều chỉnh giảm 0,1-0,15%/năm đối với tiền gửi online. Theo đó, kỳ hạn 3-5 tháng còn 3,85%/năm; kỳ hạn 6 tháng còn 6,05%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 6,25%/năm.

Tại NCB, tiền gửi kỳ hạn 18 tháng – 60 tháng cũng được ngân hàng giảm 0,2%/năm xuống 6,6%/năm; kỳ hạn 9 tháng giảm 0,15%/năm xuống 6,25%/năm. Các kỳ hạn ngắn khác cũng giảm 0,1-0,15%/năm.

Trong khi tại các ngân hàng quốc doanh như BIDV, VietinBank, Vietcombank, Agribank, lãi suất tiết kiệm vẫn áp dụng ổn định và thấp hơn so với mặt bằng chung của các ngân hàng nhỏ, ở mức cao nhất chỉ 5,5 – 5,6%/năm.

Như vậy, có thể thấy việc tăng lãi suất chỉ diễn ra cục bộ tại một số ngân hàng, có thể là những ngân hàng có lượng tiền gửi sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của việc phong tỏa chống dịch Covid-19 thời gian qua.

Theo báo cáo mới đây từ Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trung bình lãi suất huy động 6 tháng và 12 tháng giảm lần lượt 0,01 và 0,06 điểm phần trăm, lần lượt xuống 4,7% và 5,5% vào thời điểm cuối tháng 10.

BVSC cho rằng lãi suất có thể sẽ tiếp tục duy trì mức thấp từ nay đến cuối năm. Cụ thể, với chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam đạt 1,81% trong 10 tháng đầu năm - thấp nhất kể từ năm 2016 tới nay thì dự báo lạm phát cả năm nay sẽ chỉ ở khoảng 2,5-3%.

Đây là một yếu tố tích cực, cho phép Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế hồi phục trong những tháng cuối cùng của năm, đặc biệt khi nhiều tỉnh thành phố mới chỉ bắt đầu nới lỏng lệnh giãn cách từ đầu tháng 10. Do đó, nhóm phân tích tiếp tục đánh giá lãi suất ngân hàng sẽ duy trì ở mức thấp trong các tháng tới.

Đồng quan điểm, các chuyên gia thuộc Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cũng giữ quan điểm mặt bằng lãi suất huy động - cho vay sẽ được các tổ chức tín dụng tiếp tục điều chỉnh giảm nhẹ trong quý IV. Theo SSI Resseach, đây là thời điểm thích hợp các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ nên được triển khai nhằm kích cầu nền kinh tế, bao gồm các gói hỗ trợ tài khóa (giảm thuế, giảm phí, hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, đẩy nhanh đầu tư công,…) và tiền tệ (cắt giảm lãi suất điều hành, tăng hạn mức tín dụng, thực hiện gói cấp bù lãi suất…).