Lãi suất huy động đồng loạt tăng, lãi suất cho vay càng khó giảm?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc trần lãi suất huy động và lãi suất điều hành tăng đã kích hoạt làn sóng tăng lãi suất huy động mới của các ngân hàng thương mại. Với diễn biến này, dự kiến mục tiêu giảm lãi suất cho vay sẽ khó đạt được.

Lãi suất huy động lập tức tăng

Kể từ 23/9, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tăng 100 điểm cơ bản đối với trần lãi suất huy động dưới 6 tháng và một loạt các lãi suất điều hành chủ chốt. Đây là đợt tăng lãi suất điều hành đầu tiên kể từ năm 2020 sau khi dịch Covid-19 bùng phát.

Theo các chuyên gia, động thái tăng lãi suất của NHNN là phù hợp với diễn biến thị trường tiền tệ hiện nay, nhằm ổn định tỷ giá, tránh tạo ra khoảng cách quá lớn trong điều hành so với mặt bằng chung của nhiều quốc gia lớn trên thế giới, nhất là sau khi Fed tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản mới đây.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, việc tăng lãi suất điều hành trong thời điểm này là cần thiết khi lãi suất điều hành đã được giữ quá lâu và không còn phù hợp trong tình hình hiện tại trước bối cảnh Fed liên tục tăng lãi suất.

Việc tăng lãi suất sẽ góp phần “cởi trói” cho các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nhỏ tăng lãi suất để bù đắp thanh khoản thiếu hụt trong thời kỳ chính sách tiền tệ đang thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát hiện nay.

Dù vậy, ông TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng việc tăng lãi suất điều hành thời gian tới (nếu có) của NHNN cần diễn ra từ từ và có lộ trình cụ thể, phát tín hiệu rõ ràng để thị trường nắm được, tránh gây tâm lý hoang mang.

Sau động thái tăng lãi suất từ NHNN, hàng loạt ngân hàng thương mại đã đồng loạt tăng lãi suất huy động, trong đó, sự điều chỉnh diễn ra mạnh nhất ở kỳ hạn dưới 6 tháng, lên mức trần 5%/năm, thay vì 4% như trước đó. Tương tự, lãi suất huy động trung và dài hạn cũng nhích tăng khoảng 0,3 – 0,5%/năm ở một số nhà băng.

Lãi suất cho vay sẽ khó giảm
Lãi suất cho vay sẽ khó giảm

Liệu có kích hoạt tăng lãi suất cho vay?

Việc tăng lãi suất điều hành dẫn đến cạnh tranh nhiều hơn trong lãi suất huy động dự kiến sẽ tác động không nhỏ đến các ngân hàng.

Trong báo cáo vừa phát hành, Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định, việc tăng lãi suất điều hành sẽ gây áp lực lên chi phí huy động vốn của các ngân hàng thương mại. NHNN tăng lãi suất điều hành nhưng lại cố gắng giữ ổn định lãi suất cho vay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch sẽ khiến biên lãi ròng (NIM) toàn ngành thu hẹp trong thời gian tới.

TS Nguyễn Hữu Huân cũng cho rằng, khi lãi suất huy động tăng một mặt có thể giúp ngân hàng huy động dễ hơn, nhưng đồng thời cũng đẩy chi phí vốn tăng theo, ảnh hưởng đến NIM cũng như lợi nhuận của ngân hàng.

Do Chính phủ và NHNN đã có chủ trương ổn định mặt bằng lãi suất cho vay, vị chuyên gia cho rằng, lãi suất cho vay khó tăng mạnh thời gian tới.

Tuy nhiên, ông cũng không loại trừ việc lãi suất cho vay danh nghĩa của ngân hàng thương mại có thể không tăng, song các ngân hàng sẽ tìm cách thu thêm phí để đảm bảo kế hoạch lợi nhuận, từ đó đẩy lãi suất cho vay thực lên.

“Chi phí vốn cao, trong khi room tín dụng ít ỏi sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp thời gian tới, từ đó ảnh hưởng phần nào tới khả năng phục hồi của nền kinh tế.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng, với chính sách tiền tệ coi trọng ổn định vĩ mô, mặt bằng lãi suất, kể cả lãi suất huy động và cho vay - thời gian tới sẽ nhích từ từ chứ không tăng mạnh” – vị chuyên gia nhận định.

Còn theo dự báo của các chuyên gia của Chứng khoán VNDirect, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 30-50 điểm cơ bản từ mức hiện tại vào cuối năm 2022.

Theo đó, lãi suất tiền gửi 12 tháng của ngân hàng thương mại (bình quân) tăng lên mức 6,1-6,3%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn mức 7%/năm trueowcs đại dịch.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc làm sao giảm lãi suất cho vay theo định hướng Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ, đại diện NHNN thừa nhận mục tiêu này là khó khăn.

Ông Phạm Chí Quang cho biết, NHNN đã kiên định, liên tục nhiều lần báo cáo Chính phủ, Quốc hội để giải trình những khó khăn trong điều hành lãi suất.

Theo ông, thời điểm ban hành các Nghị quyết trên, điều kiện kinh tế toàn cầu và trong nước hoàn toàn khác bây giờ.

Thời điểm đó, Fed tuyên bố lạm phát Mỹ chỉ là tạm thời nhưng đến nay, Fed đã phải thừa nhận điều đó là hoàn toàn sai lầm, lạm phát cao không phải là tạm thời mà có tính dai dẳng. Chính sách tiền tệ của Fed và các ngân hàng trung ương thế giới cũng thay đổi rất nhiều. Thêm vào đó, căng thẳng Nga – Ukraine dẫn đến giá dầu tăng đã đổ thêm dầu vào lửa vào trào lưu tăng lạm phát.

"Tại Nghị quyết 43 có nêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay chứ không khẳng định sẽ giảm được. Để phấn đấu, NHNN đã phối hợp nhiều công cụ chính sách tiền tệ, như hỗ trợ thanh khoản, chia sẻ áp lực đối với lãi suất, tỷ giá, đề nghị các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất" - ông Phạm Chí Quang nói.