Lãi suất huy động đảo chiều

ANTĐ - Cách đây chưa đầy 1 tháng, các ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh cuộc đua tăng lãi suất ở những kỳ hạn dài có khi tới 13%/năm nhằm thu hút nguồn tiền gửi. Tuy nhiên, cuộc đua ấy giờ đã chấm dứt. Ở các kỳ hạn ngắn, lãi suất tối đa chỉ ở mức 9%/năm. 

Không khơi thông được đầu ra khiến nhiều ngân hàng không còn 

mặn mà đẩy mạnh huy động

Đồng loạt giảm lãi suất

Vừa bán miếng đất ở quê được gần 300 triệu đồng mà chưa dùng vào việc gì nên chị Phương (Thanh Xuân-Hà Nội) quyết định gửi toàn bộ số tiền vào ngân hàng. Nghe nói với số tiền như vậy có thể thỏa thuận lãi suất nên chị Phương hỏi nhân viên một ngân hàng thương mại về việc này. “Tôi đã tới 3 ngân hàng gần nhà để tham khảo lãi suất, tuy nhiên sau khi hỏi mới biết hiện nay lãi suất các kỳ hạn 2-3 tháng chỉ là 9%/năm, các kỳ hạn 1 năm là 11%, có ngân hàng là 11,5%/năm. Nhân viên ở đây cũng cho biết, gửi nhiều hay ít thì lãi suất vẫn giữ nguyên như mức thông báo”.
Tham khảo tại một số ngân hàng, kể cả ngân hàng nhỏ trên đường Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội), các giao dịch viên đều cho biết đã thôi không còn thỏa thuận lãi suất với khách hàng. Một giao dịch viên khẳng định: “Nếu gửi tiền với kỳ hạn ngắn, khách hàng chỉ có thể hưởng lãi suất tối đa là 9%/năm, nhiều ngân hàng mức lãi suất cho kỳ hạn này chỉ là 8,8%/năm. Ưu tiên duy nhất là khách hàng có thể tham gia chương trình khuyến mãi quay số may mắn. Việc ưu đãi lãi suất tốt trong thời điểm hiện tại chỉ còn dành cho một số ít khách hàng thân thiết và gửi tiền với số lượng lớn”.
Khoảng hơn chục ngày trở lại đây, biểu lãi suất huy động với tiền gửi VND dành cho khách hàng cá nhân tại một số ngân hàng lớn giảm khá mạnh. Hiện mức lãi suất cao nhất dành cho các kỳ hạn 12 và 13 tháng tại các ngân hàng như Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank)… chỉ còn ở mức 12%/năm thay cho 12,5-12,8% thời gian trước. Tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lãi suất huy động cao nhất thuộc về kỳ hạn 13 tháng là 12,5%/năm nhưng lĩnh lãi cuối kỳ. Còn kỳ hạn 12 tháng cũng chỉ còn ở mức 12%/năm. 
Còn tại các ngân hàng nhỏ, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng được các ngân hàng này niêm yết ở mức 11%/ năm, các kỳ hạn đến 24 tháng là 11,5%/năm. Trước đó, ở kỳ hạn từ 12 - 24 tháng các ngân hàng đều niêm yết lãi suất ở mức 12,5 - 13%/năm. Đặc biệt, vào tháng 9 lãi suất tiền gửi còn được một vài ngân hàng đẩy lên mức 14%/năm.

Khi đầu ra gặp khó

Do việc cho vay đối với các doanh nghiệp không mấy thuận lợi bởi nhu cầu vay vốn trong giai đoạn này không lớn nên nhiều ngân hàng không đẩy mạnh huy động bằng mọi cách. Ông Nguyễn Thanh Toại - Phó Tổng giám đốc ACB cho biết: “Tăng trưởng tín dụng vẫn chậm do các doanh nghiệp còn nhiều khó khăn nên lượng vốn khá dư thừa và các ngân hàng giảm lãi suất huy động cũng là điều bình thường”.
Đại diện một ngân hàng thương mại cho biết thêm, trước đây các ngân hàng mở cuộc đua tăng lãi suất vì nhiều lý do, với ngân hàng nhỏ thì nhằm bù đắp thiếu hụt nguồn vốn còn ngân hàng lớn lại muốn giữ chân khách hàng. Nhưng khi nguồn vốn dồi dào mà tín dụng tăng trưởng khó thì việc giảm lãi suất huy động cũng là hợp lý, nhất là trong bối cảnh như hiện nay, nhiều khách hàng vẫn chấp nhận gửi tiền lãi suất thấp chứ không bỏ tiền đầu tư vào bất kỳ lĩnh vực gì. 
TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia lĩnh vực tài chính, ngân hàng cho rằng: “Việc lãi suất hạ thể hiện mặt bằng cung cầu tiền tệ trên thị trường. Do tăng trưởng tín dụng vẫn đang ở mức thấp, toàn ngành chỉ khoảng 4,4% nếu loại bỏ yếu tố tăng ảo của các ngân hàng thương mại cuối 2011, trong khi đầu ra yếu thì ngân hàng buộc phải hạ thấp chi phí. Hạ lãi suất như vậy là do chủ quan  tác động chứ không phải khách quan muốn điều chỉnh”.
“Tuy nhiên, đây là cơ hội tốt để cho các ngân hàng cơ cấu lại đồng vốn của mình. Trước đây, các ngân hàng luôn trong tình trạng cho vay vượt vốn huy động thì nay đã có thể đảo ngược lại. Đây cũng là cơ hội để thả nổi trần lãi suất huy động”, ông Hiếu nhấn mạnh.