Lãi suất giảm mạnh, vì sao tiền gửi vẫn đổ vào ngân hàng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - So với hồi đầu năm, mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh với mức giảm có nơi, có kỳ hạn lên đến vài phần trăm. Nhiều lo ngại cho rằng lãi suất giảm sẽ khiến dòng tiền rút khỏi kênh tiết kiệm để đổ vào các kênh đầu tư khác, tuy nhiên theo ghi nhận, tiền gửi của người dân và doanh nghiệp tại ngân hàng vẫn cao.

Mặt bằng lãi suất giảm mạnh

Ngay trong những ngày đầu tháng 9, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động. Lãi suất các kỳ hạn ngắn thậm chí đã xuống dưới 3%/năm, thấp hơn nhiều so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong đó, đối với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, hiện còn chưa tới 10 nhà băng niêm yết lãi suất ở mức trần 4,25%/năm mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép, chủ yếu là các ngân hàng quy mô nhỏ như CBBank, DongABank, GPBank, OceanBank, PGBank và Saigonbank.

Số ngân hàng còn lại, mặt bằng lãi suất chung cho kỳ hạn này dao động trong khoảng 3,05-4,0%/năm, giảm khoảng 0,2% so với hồi tháng 7. Trong đó, nhóm big4 ngân hàng có vốn nhà nước (Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agriabank) giữ vị trí top dưới, dao động quanh 3,05 – 3,8%/năm tùy kỳ hạn; nhóm các ngân hàng tư nhân quy mô lớn và vừa như ACB, HDBank, MBBank, LienVietPostBank, SHB, Sacombank, VPBank ở mức khoảng 3,9-4%/năm. So với tháng 7, lãi suất tại các ngân hàng này cũng đã giảm 0,15-0,35%. Cá biệt, tại Techcombank, lãi suất kỳ hạn ngắn thậm chí giảm xuống chỉ còn 2,85%/năm, thấp nhất toàn hệ thống.

Đối với kỳ hạn 6 tháng, dải lãi suất của hệ thống ngân hàng hiện nay trong khoảng 4,4-7,05%/năm. Trong đó, 4 ngân hàng quốc doanh, mức lãi suất ở kỳ hạn này chỉ quanh 4,4%/năm, giảm 1%/năm so với hồi đầu năm.

Ở chiều ngược lại, lãi tiền gửi 6 tháng cao nhất thị trường hiện nay thuộc về NCB với mức 7,05%/năm, CBBank 7%/năm. Nhóm còn lại cũng là phổ biến nhất thuộc về các ngân hàng tư nhân tầm trung và lớn, dao động trong khoảng 5,6-6%/năm.

Lãi suất huy động giảm mạnh so với đầu năm

Lãi suất huy động giảm mạnh so với đầu năm

Tương tự, với các kỳ hạn trung và dài cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh về lãi suất. Gần như không còn ngân hàng nào niêm yết mức trên 8%/năm trong khi mức lãi suất cao nhất hồi đầu năm lên tới 8,7%/năm.

Theo báo cáo hoạt động ngân hàng mới nhất của NHNN, mặt bằng lãi suất huy động bằng tiền VNĐ của các ngân hàng đã có xu hướng giảm trong tháng 8 vừa qua.

Hiện lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,7-4,25%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng; 4,4-6,4%/năm với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng. Với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, lãi suất huy động hiện ở mức 6-7,3%/năm.

Tiền gửi ngân hàng vẫn an toàn

Báo cáo kinh tế vĩ mô 8 tháng năm 2020 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu - Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho thấy lãi suất tiếp tục xu hướng giảm và đứng ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào, nhu cầu tín dụng chưa cao khi dịch Covid-19 trở lại ở một số địa phương.

Xu hướng hạ lãi suất huy động còn được thúc đẩy nhờ việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 08 gia hạn thêm 1 năm đối với lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Dù lãi suất giảm mạnh nhưng huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng vẫn cao hơn tăng trưởng tín dụng, cho thấy người dân vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm cho tiền vốn nhàn rỗi của mình trong bối cảnh những bấp bênh về dịch bệnh ngày càng phức tạp.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, nhìn nhận thời gian qua, các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất ở tất cả kỳ hạn. Khối ngân hàng thương mại nhà nước giảm phổ biến khoảng 0,15 - 0,55 điểm phần trăm, khối ngân hàng cổ phần giảm khoảng 0,11 - 0,48 điểm phần trăm, khối ngân hàng liên doanh và nước ngoài giảm mạnh nhất tới 0,61 điểm phần trăm trong giai đoạn thống kê từ ngày 16/7 - 15/8.

Trên địa bàn TP.HCM, tính đến ngày 31/8, huy động vốn tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 4,55% so với cuối năm ngoái. Mức tăng trưởng này cao hơn mức tăng tín dụng là 3,68% so với cuối năm ngoái.

Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 19/6/2020, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,59% so với cuối năm 2019, thấp hơn mức tăng trưởng cùng thời điểm năm 2019 (6,05%). Trong đó, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 4,35%, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 2,45%. Như vậy, tốc độ tăng trưởng huy động vốn nửa đầu năm cao gần gấp đôi tín dụng.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định có 3 lý do khiến gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn trong giai đoạn này. Đó là lãi suất tiền gửi tuy giảm nhưng nếu khách hàng chọn kỳ hạn từ 1 năm trở lên vẫn có mức lãi suất khá hấp dẫn, khoảng 6,5%/năm, trong khi kỳ vọng lạm phát năm nay dưới 4%. Nhà đầu tư vẫn luôn coi kênh gửi tiết kiệm là an toàn, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay. Đồng thời, một số nhà đầu tư cũng đa dạng hóa các kênh đầu tư của mình, trong đó có chọn gửi tiết kiệm.

Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng, nhiều người dân và doanh nghiệp đang chọn gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn dù lãi rất thấp, chủ yếu là do tâm lý phòng thủ, chờ đợi để điều kiện thuận lợi để đưa dòng tiền trở lại sản xuất, kinh doanh hoặc các kênh đầu tư khác.