Lãi suất cho vay có thể giảm

ANTĐ - Đây là nhận định được đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra khi chia sẻ về mục tiêu và định hướng các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2014.

Tăng tín dụng ra nền kinh tế không còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố lãi suất 

Doanh nghiệp muốn giảm thêm

NHNN cho biết, lãi suất cho vay phổ biến đối với lĩnh vực nông nghiệp, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa ở mức 7-9%/năm. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở mức 9-11,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn và khoảng  11,5-13%/năm đối với cho vay trung và dài hạn. Trong khi đó, lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại Nhà nước và một số ngân hàng thương mại khác ở mức thấp hơn trần lãi suất quy định của NHNN. Hiện mặt bằng lãi suất huy động phổ biến như lãi suất không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 

1-1,2%/năm. Từ 1 đến dưới 6 tháng là khoảng 5-7%/năm và trên 12 tháng khoảng 7,5-8,5%/năm.

Chia sẻ về định hướng điều hành chính sách tiền tệ trong năm 2014, bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nói: “NHNN tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ để kiểm soát lượng tiền cung ứng qua các kênh một cách linh hoạt, đảm bảo kiểm soát tiền tệ hợp lý. Điều hành lãi suất và tỷ giá ở mức phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đặc biệt là diễn biến của lạm phát, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, bảo đảm giá trị đồng Việt Nam”. 

Nhìn lại lộ trình điều chỉnh lãi suất trong thời gian qua, NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất giảm khá mạnh đã tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Khi ngân hàng đưa ra những chính sách giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều và doanh nghiệp được hưởng các chính sách này đều có cố gắng trong việc sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn mong muốn lãi suất giảm thêm, các NHTM đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện xét tín dụng. 

“Những vấn đề này chúng tôi cũng mong muốn và hướng đến. Nhưng ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nếu chi phí huy động vốn chưa giảm nhiều thì sẽ rất khó để giảm lãi suất cho vay thêm. Bởi vậy việc tiếp tục giảm lãi suất còn phụ thuộc giá vốn và khả năng tài chính của từng tổ chức tín dụng”, bà Nguyễn Thị Hồng nói.

Giảm lãi suất không đơn giản

Đánh giá về khả năng giảm lãi suất trong năm 2014, Báo cáo triển vọng của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) cho rằng: “Căn cứ vào diễn biến và kỳ vọng của lạm phát, chỉ tăng 6,02% trong năm 2013 và khoảng 5,5-6% trong năm 2014, kết hợp với dự báo tỷ giá có thể sẽ được điều chỉnh tăng khoảng 2% để duy trì lãi suất thực dương cũng như sức hấp dẫn tương đối của đồng VND so với USD thì khả năng tiếp tục giảm lãi suất huy động trong năm 2014 là ít”. 

“Mặt bằng lãi suất cho vay cũng đã lùi về ngang với mức năm 2005-2006, việc đẩy mạnh tín dụng ra nền kinh tế không còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố lãi suất mà chủ yếu đến từ vấn đề nợ xấu cũng như khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp còn yếu trong bối cảnh sức cầu phục hồi chưa mạnh. Khả năng giảm lãi suất cho vay đặc biệt là những khoản vay mới, trong thời gian tới là khá thấp”, các chuyên gia phân tích của VCBS nhìn nhận.

Còn theo các chuyên gia, việc hạ lãi suất sẽ tác động tới doanh thu và lợi nhuận của ngân hàng nhưng lại giúp tiếp thêm sức cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều kiện để các ngân hàng có thể hạ mặt bằng lãi suất cho vay trong năm nay phụ thuộc vào chính sách cho vay của chính NHNN để đảm bảo thanh khoản.