Lãi suất - bài toán nan giải của các "ông lớn"

ANTĐ - Chính sách lãi suất - một công cụ quan trọng hàng đầu điều hành kinh tế vĩ mô - đang là “bài toán nan giải” với nhiều Ngân hàng Trung ương của các “ông lớn” trong nền kinh tế thế giới hiện nay.

Giới đầu tư đang ngóng trông chính sách lãi suất của FED cũng như Ngân hàng Trung ương của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới

Nhiều ngân hàng Trung ương trên thế giới - trong đó có Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), Ngân hàng Trung ương Indonesia… sẽ phải đưa ra quyết định quan trọng về chính sách tiền tệ trong tuần này.

Dù hoàn toàn độc lập với nhau và “thể trạng” nền kinh tế cũng khác nhau, song giới chuyên gia cho rằng những Ngân hàng Trung ương này đều phải nghe ngóng các động thái chính sách của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại cuộc họp trong 2 ngày 14 và 15-6 này. 

Cuộc họp chính sách vào ngày 16-6 của BoE thu hút sự quan tâm rất lớn không chỉ của giới kinh tế tại nước Anh cũng như ở châu Âu mà còn trên thế giới bởi nó diễn ra chỉ hơn 1 tuần trước cuộc trưng cầu ý dân của nước Anh về việc đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 24-6 tới.

Do tính chất và thời điểm rất nhạy cảm nên nhiều khả năng BoE sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0,5% được duy trì hơn 7 năm qua để giữ bình ổn thị trường trước cuộc bỏ phiếu được cho là “định mệnh” với người dân Anh và châu Âu.

Trước BoE, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong cuộc họp mới đây cũng đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức âm 0,4%. Nhiều ngân hàng châu Âu đang vật lộn với khó khăn và lo ngại lãi suất âm đang bào mòn khả năng thu lợi nhuận, nhưng ECB duy trì chính sách lãi suất hiện nay để hỗ trợ cho sự phục hồi kinh tế tại khu vực châu Âu với dự báo Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ đạt mức tăng trưởng 1,6% trong năm nay và 1,7% trong 2 năm tiếp theo (2017 và 2018). 

Tương tự, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) nhiều khả năng cũng sẽ duy trì chính sách lãi suất âm hiện nay, khi mà cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản theo kế hoạch sẽ diễn ra vào tháng 7 tới. Tuy nhiên, các nhà kinh tế thuộc ngân hàng Goldman Sachs cảnh báo rằng rất có thể BoJ sẽ khiến các thị trường phải bất ngờ bởi mức tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản trong quý 1 đã tăng cao hơn so với mức dự báo trước đó.

Chính sách lãi suất thấp vẫn được duy trì khá phổ biến, từ các cường quốc kinh tế tới các nền kinh tế mới nổi, một phần do kinh tế toàn cầu dự báo vẫn đang gặp nhiều khó khăn, song một phần khác cũng rất quan trọng là còn phải trông đợi động thái của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Chủ tịch FED, bà Janet Yellen đã bày tỏ lạc quan về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, song lại khá thận trọng khi đề cập khả năng Ngân hàng Trung ương này nâng lãi suất cơ bản. 

Mới đây đã dấy lên dự đoán về việc FED sẽ nâng lãi suất ngắn hạn do số liệu thống kê cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ trong tháng 5 vừa qua đã giảm xuống còn 4,7 % từ mức 5% của tháng 4. Đây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất của Mỹ tính từ tháng 11-2007.

Tuy nhiên, cuộc họp của các quan chức hàng đầu của FED trong 2 ngày 14 và 15-6 được cho là sẽ giữ nguyên mức lãi suất cơ bản 0,5% hiện nay do báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho biết số việc làm mới trong tháng 5 vừa qua đạt 38.000, chỉ bằng 1/4 dự báo và thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Điều này phản ánh “sức khỏe” nền kinh tế Mỹ vẫn có thể trồi sụt thất thường.

Tin cùng chuyên mục