Lại “nóng” chuyện cho bác sĩ kê đơn

ANTĐ - Cuối tháng 11-2013, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã hoàn thành dự thảo thông tư về việc cho phép bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng. Theo thông tư này, người bệnh khi đi khám chữa bệnh, nếu có nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng sẽ được bác sĩ kê đơn và tư vấn, hướng dẫn sử dụng giống như một đơn sản phẩm hỗ trợ điều trị.

Theo các chuyên gia, nếu Bộ Y tế cho phép bác sĩ tư vấn, kê đơn thực phẩm chức năng sẽ giúp người dân tránh sử dụng thực phẩm chức năng một cách tùy tiện, vừa tốn kém vừa thiếu hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không quản lý chặt chẽ được việc kê đơn của bác sĩ có thể lại xảy ra tình trạng bác sĩ “bắt tay” với các hãng thực phẩm chức năng, lạm dụng kê đơn để móc tiền của người bệnh.

Lo ngại này không phải không có cơ sở khi hiện nay, tình trạng lạm dụng kê đơn thuốc cũng vẫn tồn tại khá phổ biến. Mặt khác, bản chất của thực phẩm chức năng không phải là thuốc, chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị nên người bệnh có điều kiện, có nhu cầu thì sử dụng còn không là quyền của họ, nếu bác sĩ kê đơn có thể sẽ khiến người bệnh có tâm lý bắt buộc phải dùng. Do đó, việc ban hành quy định nói trên cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho rằng, thực phẩm chức năng là một dạng sản phẩm giao thoa giữa thực phẩm và thuốc, có tác dụng tăng cường cho sức khỏe, hỗ trợ phòng ngừa bệnh, hỗ trợ trong công tác điều trị, do đó việc cho bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng có ý nghĩa quan trọng nhằm tránh việc người bệnh dùng bừa bãi, có thể gây hại. Hiện nay, Luật quy định không được kê đơn thực phẩm chức năng vào đơn thuốc nhưng bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh dùng thực phẩm chức năng trong một đơn khác, hay trong sổ y bạ…

GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã bàn thảo nhiều lần với Hiệp hội Thực phẩm chức năng, các nhà sản xuất, Hiệp hội Người tiêu dùng trước khi chuẩn bị xây dựng dự thảo thông tư cho phép bác sĩ kê đơn thực phẩm chức năng. Theo đó, để hạn chế bác sĩ lạm dụng kê đơn thực phẩm chức năng, dự thảo sẽ cho phép kê đơn nhưng đơn đó phải ghi rõ đơn thực phẩm chức năng chứ không được kê chung vào đơn thuốc. Đối tượng được phép kê đơn phải là bác sĩ, cán bộ dinh dưỡng có chuyên môn, đã qua tập huấn. Điều quan trọng, khi đã kê đơn thì người thầy thuốc phải có trách nhiệm về đơn của mình và với chính lương tâm của họ. Cũng theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc sử dụng thực phẩm chức năng như thế nào cho đúng phải hài hòa với thông lệ quốc tế và phù hợp thực tiễn.

Xuất hiện tại Việt Nam 12 năm trở lại đây với khởi điểm ban đầu chỉ có 30 sản phẩm song đến nay thị trường thực phẩm chức năng đang có tốc độ phát triển rất mạnh mẽ. Tính đến năm 2012, cả nước có trên 1.800 doanh nghiệp tham gia sản xuất thực phẩm chức năng với khoảng 10.000 sản phẩm được công bố, trong đó 40% là sản phẩm nhập khẩu. Tháng 10 -02013, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế tiến hành kiểm tra 95 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng trong nước thì phát hiện có đến 48 cơ sở vi phạm các quy định về chất lượng, quảng cáo, nhãn mác, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm…, chiếm tỷ lệ 50%.