Lãi lớn nhờ bằng Đại học giả

ANTĐ - Giá gốc bộ bằng Đại học giả (gồm bằng, bảng điểm đã được công chứng) chỉ 3,5 triệu đồng, nhưng khi đến tay “khách hàng”, giá được đẩy lên hơn 20 triệu đồng. Đường dây môi giới mua bán, sản xuất bằng Đại học, Cao đẳng… giả này vừa bị CAQ Hai Bà Trưng, Hà Nội bóc gỡ.

Hai đối tượng chính trong vụ án

Chỉ huy CAQ Hai Bà Trưng ngày 15-9 cho biết, đã khởi tố vụ án hình sự “Làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức”, xử lý gần 10 đối tượng về hành vi nêu trên, gồm: Nguyễn Chí Thành (SN 1980), trú ở phường Hạ Đình - Thanh Xuân; Trương Văn Thưởng (SN 1986), tạm trú xã Tứ Hiệp - Thanh Trì; Lê Văn Hòa (SN 1986), trú ở xã Hải Bối - Đông Anh, công nhân điện nước tự do; Nguyễn Nam Thắng (SN 1976), trú ở Nghĩa Tân - Cầu Giấy; Hoàng Thị Thu Hằng (SN 1972), trú ở Xuân La - Tây Hồ; và Nguyễn Thị Thu Huyền (SN 1975), trú ở quận Tây Hồ. Trong số này, Thưởng là sinh viên, còn Huyền là nhân viên 1 cơ quan Nhà nước có trụ sở tại quận Tây Hồ. 

Tài liệu điều tra, xác minh của CAQ Hai Bà Trưng thể hiện: tháng 5-2013, do nhu cầu xin việc, La Duy Tân, 32 tuổi, trú ở quận Hai Bà Trưng đã nhờ Nguyễn Nam Thắng “lo” giúp bằng Đại học của trường Kinh doanh và Công nghệ với giá 22 triệu đồng. Cuối tháng 7, Thắng đã chuyển cho Tân 1 bằng tốt nghiệp Đại học, 10 bản photocopy công chứng bằng và 10 bản photocopy công chứng bảng điểm. Ngày 25-8, khi Tân mang bằng tốt nghiệp Đại học đến phòng công chứng thì bị cán bộ Công chứng phối hợp cùng CAQ Hai Bà Trưng phát hiện, thu giữ bộ bằng giả trên. 

Quá trình điều tra, CQĐT CAQ Hai Bà Trưng đã lần lượt bắt giữ Nguyễn Nam Thắng, Lê Văn Hòa, Trương Văn Thưởng và Nguyễn Chí Thành. Các đối tượng khai nhận, Thành là người làm bằng giả mang tên La Duy Tân theo đơn đặt hàng của Thưởng với giá 5 triệu đồng. Tuy nhiên, Thưởng bán lại cho Hòa với giá 6,5 triệu đồng; Hòa giao lại bằng cho Thắng với giá 13,5 triệu đồng và cuối cùng, Thắng nhận từ Tân số tiền 22 triệu đồng. 

Mở rộng vụ án, CQĐT CAQ Hai Bà Trưng làm rõ, ngoài phi vụ trên, Thắng còn mua 2 bằng giả khác của Hòa để bán cho 2 “khách hàng”. Hòa cũng từng nhờ Thưởng “lo” 3 bộ bằng giả để bán lại cho Thắng. Trong đường dây phạm pháp này, Thưởng là khách hàng lớn của Thành; từ năm 2012 đến khi bị bắt, Thưởng đã đặt hàng Thành làm khoảng 50 bộ bằng giả các loại. Nguyễn Chí Thành khai nhận đã cung cấp hàng chục bộ bằng giả, nhưng phần lớn các bộ bằng giả này, Thành lại thông qua 1 đối tượng tên Liên (hiện chưa rõ lai lịch) làm để bán kiếm lời. Mỗi bằng Đại học, Thành mua của Liên với giá 3,5 triệu đồng; bằng Cao đẳng, Trung cấp mua 3 triệu đồng; bằng THPT mua với giá 2,5 triệu đồng. Cứ thế, qua mỗi khâu trung gian, giá tiền lại được tăng lên gấp nhiều lần.

Mở rộng diện điều tra đối với những “khách hàng” của Thành, CAQ Hai Bà Trưng đã triệu tập, làm việc với Bùi Công Quốc, trú ở huyện Thanh Trì; Nguyễn Thị Vân, trú ở quận Thanh Xuân; và Hoàng Thị Thu Hằng, trú ở quận Tây Hồ. Quốc nhờ Thành làm bộ bằng giả trường Đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội với giá 4 triệu đồng. Vân từng đặt hàng Thành bộ bằng giả của trường Đại học Thăng Long với giá 8 triệu đồng. Nguyễn Chí Thành khai nhận đã bán 4 bằng giả các trường Đại học, Cao đẳng cho Hoàng Thị Thu Hằng; ngoài ra Hằng còn đặt Thành làm 1 bằng Đại học của trường Điện lực nhưng Thành chưa làm. 

Đối với Nguyễn Thị Thu Huyền, nữ nhân viên cơ quan Nhà nước này khai nhận mua của Hằng 2 bộ bằng giả. Một bộ, Hằng báo giá 7,5 triệu đồng, sau đó Huyền báo lại cho “khách hàng” là 18 triệu đồng. Ngày 23-8, Hằng giao bằng giả cho Huyền, nhưng Huyền chưa giao bằng và chưa nhận tiền của khách. Trước nữa, cuối năm 2012, có khách nhờ Huyền làm bằng giả của trường Cao đẳng Công nghiệp. Huyền hỏi Hằng và Hằng báo giá 7,5 triệu đồng. Huyền thông báo lại cho khách chi phí hết 10 triệu đồng. Hằng đã làm xong và giao bằng cho Huyền, nhưng vì bằng làm sai nội dung và hình thức xấu nên Huyền không giao cho khách. Khi bị CQĐT triệu tập làm việc, Huyền đã tự nguyện giao nộp 2 bộ bằng giả trên. Vụ án đang được CAQ Hai Bà Trưng tiếp tục điều tra mở rộng.