Lại không phù hợp thực tế

ANTĐ - Thông tư 26 của Bộ LĐ-TB&XH quy định danh mục 77 công việc không được sử dụng lao động nữ có hiệu lực từ ngày 15-12-2013, nhưng nhiều doanh nghiệp cũng như người lao động cho biết thông tư này còn chênh nhiều so với thực tế và việc triển khai, áp dụng xem ra còn là... việc chưa thể xác định.

Trong danh mục 77 công việc không sử dung lao động nữ có 38 công việc mà tất cả lao động nữ không được làm. Phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi không được làm 39 công việc. Việc ban hành danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ rất nhân văn đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với lao động nữ, nhưng thực tế không hề đơn giản, ban hành ra liệu có thực thi được không. Dẫu quy định này có mục tiêu tốt đẹp cho chị em lao động, nhưng khi biết về danh mục những công việc bị cấm chính những người phụ nữ đã phản ứng vì không quan tâm đến sinh kế trong thực tế của không ít gia đình. Theo báo cáo về lực lượng lao động nữ giới các nước từ năm 2005-2009 của trang web databank.worldbank.org thì tại Việt Nam, số lượng lao động nữ năm 2009 chiếm khoảng 68% tổng dân số nữ giới từ 15 tuổi trở lên. Như vậy, có thể nói số lượng nữ giới tham gia lao động tại nước ta rất lớn. Nay khi mở rộng danh mục công việc cấm sử dụng lao động nữ thì bài toán giải quyết việc làm cho lao động nữ càng trở nên khó khăn hơn. Có một thực tế phải thừa nhận là hiện nay vẫn còn rất nhiều lao động nữ làm việc trong các lĩnh vực thuộc danh mục cấm này, trong đó có không ít người lao động nghèo, trình độ thấp. 

Giới nữ lao động đành rằng không muốn làm những việc trong danh mục không được sử dụng lao động nữ nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên cực chẳng đã những phụ nữ vẫn phải làm. Trong xã hội hiện tại, có nhiều phụ nữ đang làm việc trong nhóm nghề ở danh sách này như những người phụ nữ làm nghề mổ tử thi, hay nghề khuân vác... Vì miếng cơm manh áo chứ có ai muốn làm những công việc nặng nhọc, độc hại. Vì những công việc đó chính là lựa chọn duy nhất mà họ có thể làm để mưu sinh. 

Vậy theo quy định của Thông tư, nếu người sử dụng lao động không nhận họ vào làm các công việc đó, ai sẽ tạo cho họ một công việc mới?

Lại một văn bản quy định ban hành cho có hay lại là một văn bản không được ứng dụng trong thực tế, làm tăng thêm những “văn bản không có hiệu lực” của Nhà nước và làm giảm sự nghiêm minh của pháp luật. 

Bộ LĐ-TB&XH cần rà soát lại danh mục cấm theo hướng để phù hợp điều kiện thực tiễn của nước ta hiện tại, nhất là vấn đề giải quyết việc làm cho lao động nữ. Và nếu cấm thì cần đưa ra giải pháp cho những người phụ nữ đang làm những việc trong danh mục cấm. Đồng thời, chúng ta cần chú trọng tới khâu triển khai, thực thi pháp luật, không để xảy ra tình trạng luật có nhưng không thực hiện trên thực tế.