Sau 1 tháng thực hiện Thông tư 12 của Bộ Công an

“Lãi” của Công an Hà Nội!

ANTĐ - Tính đến hôm nay đã là một tháng CATP Hà Nội áp dụng việc thực hiện Thông tư 12 của Bộ Công an khi “tung” hàng nghìn Cảnh sát khu vực (CSKV), Công an xã đến tận nhà để hướng dẫn người dân làm thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ phương tiện. Điều đó cũng có nghĩa là trong suốt một tháng qua CSKV và Công an phụ trách xã phải vất vả hơn, làm việc nhiều hơn, ít có thời gian dành cho gia đình mình hơn. Nhưng đổi lại, Công an Hà Nội đã mang đến cho người dân những cảm xúc mới, cách nhìn mới về lực lượng công an. Còn hàng nghìn chiến sĩ CSKV và Công an phụ trách xã cũng cảm thấy yêu công việc hơn khi nhận thức được rằng mình đang làm những việc có ý nghĩa giúp người dân…

Thực hiện Thông tư 12 của Bộ Công an về việc tạo điều kiện cho người dân đăng ký sang tên đổi chủ phương tiện qua nhiều đời chủ, Ban Giám đốc Công an TP Hà Nội có văn bản chỉ đạo yêu cầu trưởng công an phường, xã, thị trấn giao nhiệm vụ cho lực lượng CSKV, công an phụ trách xã trực tiếp đến từng nhà những người dân có phương tiện giao thông nhưng chưa hoàn tất thủ tục sang tên đổi chủ theo quy định của pháp luật để hướng dẫn kê khai, đăng ký... nhằm tạo điều kiện cho bà con nhanh chóng hoàn tất thủ tục này, không phải đi lại vất vả. Đáng lẽ người dân phải đi “gõ cửa” chính quyền để làm các công việc hành chính liên quan đến cá nhân mình, thì nay lực lượng công an lại đến “gõ cửa” nhà dân để giúp họ. Quy trình tưởng như là ngược ấy đã được Giám đốc Công an TP Hà Nội chọn là khâu đột phá cải cách hành chính của Công an Hà Nội, thể hiện thái độ “vì nhân dân phục vụ”. 

Chuyện ghi ở phường Phúc Xá

Đầu giờ chiều một ngày cuối tháng 5, tôi có mặt tại trụ sở Công an phường Phúc Xá gặp đồng chí Phó trưởng công an phường phụ trách khu vực - Trung tá Bùi Anh Tuấn. Đang bận rộn với việc cắt dán mấy biểu mẫu, thấy tôi Trung tá Bùi Anh Tuấn giải thích: vừa rồi cấp trên mới chuyển xuống  một số biểu mẫu mới về Thông tư 12 của Bộ Công an, tôi đang tập hợp chỉnh sửa gửi anh em để thống kê bổ sung kịp thời. 

Phúc Xá tuy không phải là phường được chọn thí điểm để triển khai mô hình CSKV đến nhà dân hướng dẫn thực hiện Thông tư 12, nhưng từ trước khi có Thông tư này, phường đã từng có những mô hình đã được triển khai đến từng hộ dân mà gần đây nhất là việc ký cam kết phòng chống mất cắp xe máy. Phúc Xá còn là địa bàn nằm trong danh sách trọng điểm phức tạp về ANTT được Công an thành phố triển khai kế hoạch chuyển hóa để trở thành địa bàn không có tội phạm hoặc giảm tới mức thấp nhất. Chính vì vậy, với những kinh nghiệm riêng có của mình, khi triển khai Thông tư 12 của Bộ Công an vào thực tiễn, phường Phúc Xá cũng được sự hỗ trợ, ủng hộ rất lớn từ nhân dân. Việc CSKV đến tận nhà dân trực tiếp tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn đã tạo ra được một quan niệm mới, cách nhìn mới trong nhận thức của người dân về hình ảnh của CSKV. Phường Phúc Xá vốn nổi tiếng với những hộ dân quanh năm sống bám mặt nước, không phải hộ nào cũng có điều kiện để sắm chiếc xe máy làm phương tiện đi lại. Thế nhưng anh em CSKV vẫn xuống tận nơi, vào từng nhà để phổ biến cho người dân biết về việc sang tên đổi chủ xe máy để họ biết quyền lợi của mình khiến người dân rất vui. 

Để đáp ứng yêu cầu của tôi là muốn được xuống thực tế địa bàn, Thượng sĩ Nguyễn Văn Vũ ngay lập tức được chỉ huy “trưng dụng”. Vũ còn khá trẻ, sinh năm 1991 quê ở Hưng Hà, Thái Bình. Tốt nghiệp trường Trung cấp cảnh sát là về nhận nhiệm vụ ở phường này. Chở tôi xuyên qua những ngõ ngách ô bàn cờ chằng chịt đến chóng mặt của Phúc Xá, Vũ quay đầu nói chuyện với tôi như thể muốn át cả tiếng gió sông Hồng: “Em về công tác ở phường đã được hơn 2 năm, được chỉ huy phường giao phụ trách 8 tổ dân phố, tổ nhiều thì hơn 100 hộ còn ít thì cũng phải 50, 60 hộ. Kể từ khi phường triển khai thực hiện Thông tư 12, bọn em cũng miết mải chạy đua với thời gian. Nhiều lúc mệt, nhưng bù lại là cảm thấy người dân tin yêu, quý mến CSKV hơn nhiều”. Nghe Vũ nói, tôi bất chợt nhớ lại câu chuyện của Trung tá Bùi Anh Tuấn kể mới rồi. Đợt triển khai Thông tư 12 lần này, có những trường hợp là người nơi khác đến mua nhà trên địa bàn phường. Khi CSKV xuống điều tra, khảo sát nắm được tình hình gia chủ có phương tiện ở trong diện chuyển đổi đã hướng dẫn chủ phương tiện kê khai. Sau đó lại cũng CSKV mang tờ khai đến CAP nơi đăng ký hộ khẩu của chủ phương tiện gặp CSKV nơi ở cũ xác nhận rồi mang về trả lại người dân để đi đóng thuế trước bạ và đăng ký lại. Việc làm ấy bảo sao người dân không xúc động!

Xe dừng ở số 37 đường 5 - Nghĩa Dũng, chủ hộ là anh Ngô Quốc Tế, dân Phúc Xá gốc. Nhà có 4 nhân khẩu thì kèm theo là 4 chiếc xe máy. Nhưng oái ăm là cả 4 chiếc xe đều không phải chính chủ người sử dụng. Anh Tế bảo trước đây cũng biết là chiếu theo luật thì mình sai, nhưng ngại phải qua các thủ tục rườm rà, đi lại nhiều lần, tốn thời gian để bổ sung hồ sơ giấy tờ nên cứ đành để như vậy đi. Cho đến khi được CSKV đến tận nhà phát tờ khai và hướng dẫn làm các thủ tục để sang tên đổi chủ cho phương tiện, gia đình phấn khởi lắm. Chia sẻ cùng tôi và Vũ, anh Tế không ngại bộc lộ tình cảm của mình: “Các anh CSKV đã tận tâm, tận lực thế này làm tôi cũng áy náy. Từ nay mọi người trong gia đình tôi yên tâm đi xe mà không còn nơm nớp lo phạm luật nữa. Tôi không còn biết nói gì hơn là cám ơn các anh rất nhiều”. 

Rời nhà anh Ngô Quốc Tế, chúng tôi có mặt ở nhà ông Nguyễn Đình Sỹ, Tổ trưởng tổ dân phố 60. Chuyện quanh ấm trà đang hồi sôi nổi thì nhà có khách. Chẳng phải ai xa lạ mà cũng là một cư dân của tổ 60, ông Đỗ Văn Tiến. Thấy bóng dáng của anh CSKV là ông vội sang để xin cái tờ khai. Mấy hôm trước khi triển khai Thông tư 12, gia đình ông đi vắng hết nên chưa có điều kiện để làm. Điều làm cho ông Tiến không thể ngờ tới đó là cách làm, cách triển khai của Công an Hà Nội khi cử CSKV tới tận nhà dân để hướng dẫn người dân làm thủ tục. Theo ông Tiến thì cách làm ấy rất được lòng dân. Lúc chia tay, lên xe máy cùng Vũ rồi, tôi còn nghe ông Tiến nói với theo: Chú Vũ đi làm thế này thì đúng là vất vả lắm, vất vả nhưng lại được lòng dân thì cũng là hạnh phúc rồi...

Hình ảnh thân thiện giữa công an và nhân dân

 Theo thống kê mới nhất của Công an TP Hà Nội, qua 2 tuần đồng loạt triển khai tại các quận, huyện, thị xã trên toàn thành phố, lực lượng CSKV đã trực tiếp hướng dẫn, xác nhận vào tờ khai cho trên 32.000 trường hợp có nhu cầu sang tên, đổi chủ xe theo quy định Thông tư 12. Đưa ra con số này để thấy rằng không chỉ yêu cầu quản lý Nhà nước về phương tiện đã được nâng lên mà còn cho thấy những nỗ lực của lực lượng CSKV trong việc thực hiện Thông tư 12. Trung tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) đã đánh giá cách làm của Công an Hà Nội vừa tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục của ngành Công an lại vừa tạo ra hình ảnh tốt đẹp, thân thiện giữa công an và người dân. 

Như vậy là cách làm hay của CA Hà Nội đã được ghi nhận, nhưng ngoài cái được lớn nhất là sự hiệu quả của tinh thần “vì nhân dân phục vụ”, có vào thực tế công việc mới thấy quá trình triển khai Thông tư này đã vỡ ra được nhiều điều khác nữa. Trung tá Nguyễn Văn Khoát, Trưởng Công an phường Văn Chương (Ba Đình) cho rằng với sự tận tụy hết mình trong đợt triển khai Thông tư 12 này chắc chắn sẽ lấy lại hình ảnh người Công an phường nói chung và CSKV nói riêng. Văn Chương là một trong 3 phường được Công an TP Hà Nội chọn để thí điểm mô hình CSKV đến nhà dân phục vụ triển khai Thông tư 12. Cán bộ của phường có đến trên 70% là chiến sĩ trẻ nên đây là một dịp quan trọng để CSKV nắm chắc tình hình địa bàn, phát huy công tác vận động quần chúng. Có một điều mà Trung tá Nguyễn Văn Khoát tâm đắc đó là khi có bóng dáng CSKV xuống tận nhà dân, ít nhiều cũng có tác dụng phòng ngừa, đẩy lùi tội phạm. Và thực tế là quá trình triển khai thực hiện Thông tư 12 này, phường cũng đã phát hiện và xử lý 2 vụ án liên quan đến ma túy. 

Còn như cách nói chỉ huy của phường Ngô Thì Nhậm, Đại úy Nguyễn Quốc Khánh thì việc triển khai Thông tư 12 chúng tôi được “lãi” nhiều thứ lắm. Cái “lãi” rất thiết thực và quan trọng với một người CSKV đó là nhờ có việc triển khai Thông tư 12 xuống từng hộ dân mà CSKV có điều kiện rà soát, điều tra luôn cả tổng số hộ khẩu, tổng số nhân khẩu và nắm được 100% từng hộ dân, từng người ở trên địa bàn mà CSKV phụ trách. Sau khi thực hiện Thông tư 12, mỗi đồng chí CSKV lại có thêm 2 tập hồ sơ dầy 300 trang. Đấy chính là “sản phẩm lao động” mà phải vất vả người CSKV mới có được.  Cái “lãi” nữa là qua việc “gõ cửa” các nhà dân đã khiến cho những cán bộ trẻ từng trải hơn lên bởi cán bộ trẻ từ ngày nhận địa bàn, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để đến. Nay nhờ có việc thực hiện Thông tư 12 mà họ đến được từng hộ, vào được từng nhà. Tự nhiên mối quan hệ gắn kết giữa người dân với CSKV cũng theo thế mà nâng lên. 

Còn tôi thì hiểu rằng, “vốn” mà các anh bỏ ra là thời gian, là sự vất vả, sự tận tụy, là tinh thần trách nhiệm, nhưng cái “lãi” mà các anh nhận về là sự gần gũi, thân thiện với nhân dân, là tình yêu với công việc và cái “lãi” lớn nhất là niềm tin của người dân đối với lực lượng công an.