Lạ lùng ngôi làng có hơn 100 "họa sỹ nông dân"

ANTD.VN - Thoạt nhìn, làng Cổ Đô không có gì khác so với những ngôi làng ở vùng đồng bằng Bắc bộ. Thế nhưng ngôi làng thuần nông này chính là cái nôi sản sinh ra hơn 100 họa sỹ tài ba và được mệnh danh là “Làng họa sỹ”. 

Về Cổ Đô (Ba Vì, Hà Nội) là trở về với vùng đất cổ xứ Đoài nằm ven sông Hồng. Vượt hơn 60km từ trung tâm Thủ đô, chúng tôi không chỉ ngẩn ngơ trước những đình chùa, miếu mạo - những công trình được người dân ở đây gìn giữ qua nhiều thế hệ mà còn ngạc nhiên biết rằng ngôi làng nhỏ bé này là nơi sinh ra rất nhiều họa sỹ tài năng.

Làng Cổ Đô là nơi sản sinh ra hơn 100 họa sỹ

Lớp học vẽ không bút màu

Theo một thống kê không chính thức, làng Cổ Đô có hơn 100 họa sỹ, trong đó có đến 32 người là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Đây cũng là ngôi làng duy nhất ở Việt Nam đã xây dựng một bảo tàng tranh riêng để trưng bày những tác phẩm nghệ thuật độc đáo của những họa sỹ trong làng. Chẳng thế mà làng Cổ Đô được người ta nhắc đến với cái tên “Làng họa sỹ”. 

Thoạt nhìn Cổ Đô không có gì đặc biệt. Vẫn là những con đường làng nhỏ hẹp, những ngôi đình cổ nằm soi bóng xuống những bờ ao, những nếp nhà cũ kỹ nhuốm màu thời gian… Nếu có một điều khiến ngôi làng này trở nên “khác thường” thì đó chính là những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn lại là những họa sỹ tài ba. 

Ông Đỗ Sự - Chủ tịch CLB Mỹ thuật Cổ Đô, một trong những người tham gia vào cuộc “chấn hưng” phong trào nghệ thuật ở đây cho hay: “Cổ Đô là mảnh đất địa linh nhân kiệt sản sinh ra nhiều bậc tài hoa nên người dân chúng tôi được thừa hưởng chút tài năng về nghệ thuật. Người làng hầu hết không qua một trường lớp đào tạo nào về nghệ thuật, chỉ học hỏi lẫn nhau. Nhưng từ khi có cụ Sỹ Tốt thì phong trào hội họa ở làng chúng tôi trở nên sôi nổi”. 

Nổi tiếng là bậc kỳ tài trong nền hội họa Việt Nam với những bức vẽ như “Tiếng đàn bầu”,  “Em nào cũng được học cả”, “Đan mũ”… họa sỹ Sỹ Tốt còn là người đặt nền móng nghệ thuật cho người dân Cổ Đô. Sinh thời ông mở các lớp dạy vẽ miễn phí để truyền kinh nghiệm hội họa cho người dân trong làng. Dưới bàn tay chỉ dạy, dìu dắt của ông, nhiều họa sỹ đã thành danh và tên tuổi của họ được nhiều người biết đến như Sỹ Tuấn, La Vuông, Ngô Bình Thiểm, Sao Mai, Giang Khích, Trần Hòa…  

Nhớ về những năm tháng miệt mài học vẽ, ông Đỗ Sự kể: “Tôi cũng có may mắn được theo học lớp của cụ. Thời ấy thiếu thốn, chưa có nhiều loại màu vẽ như bây giờ nên chỉ học vẽ bằng than với chì. Học bao nhiêu thì nguệch ngoạc vẽ lên nền nhà, sân gạch. Cụ Sỹ Tốt dạy vẽ không lấy tiền nhưng học vài buổi cũng phải bỏ dở vì thời kỳ khó khăn, phải đi chăn trâu, thả vịt. Cụ dạy vẽ các nét cơ bản nhưng theo trường phái hiện đại. Bởi thế nên các họa sỹ Cổ Đô bây giờ bị ảnh hưởng bởi phong cách này rất rất nhiều”.

Lạ lùng ngôi làng có hơn 100 "họa sỹ nông dân" ảnh 2Cổ Đô có bảo tàng riêng trưng bày tác phẩm của các họa sỹ trong làng

Tình yêu nghệ thuật không phân tuổi tác 

Có một người họa sỹ tài danh và tâm huyết với quê hương như vậy nên không có gì lạ khi ở Cổ Đô, từ người già đến người trẻ, từ ông già tóc bạc đến những em bé mầm non, ai cũng say mê vẽ. Ở Cổ Đô, không nhà nào lại không có một phòng tranh riêng. Chúng tôi được giới thiệu tới họa sỹ Trường Yên, một trong những cây bút trẻ rất có tiềm năng của làng. Vào căn nhà của anh người xem sẽ ngỡ như được lạc vào một gallery thu nhỏ, bởi hàng chục bức tranh lớn nhỏ treo ở những vị trí trang trọng trong nhà.

Trong một góc phòng nhỏ khiêm tốn, Trường Yên đang cặm cụi pha màu, hoàn thành bức tranh dang dở. Là giáo viên trường làng, nên ngoài giờ dạy học, anh tranh thủ thời để sáng tác. Tranh của Trường Yên thấm đượm tình quê. Nào là những ruộng lúa xanh mượt trải dài tít tắp, những con đò nằm im ru dưới những rặng tre hay những con đường làng nhuộm đỏ ánh hoàng hôn. Xem tranh của anh thấy được tình yêu, sự gắn bó tha thiết với quê hương, đất nước. 

Cổ Đô có bảo tàng riêng trưng bày tác phẩm của các họa sỹ trong làng

Anh tâm sự, nghề vẽ không chỉ giúp người dân Cổ Đô thỏa chí đam mê, mà còn mang lại một phần thu nhập cho họ. Một bức tranh trung bình ở Cổ Đô có thể bán được 1-2 triệu đồng, có bức lên tới hàng chục triệu đồng. Nếu như trước đây người ta không biết nhiều đến Cổ Đô, thì nay nhiều du khách, nhà sưu tập tranh từ những nơi xa xôi đã đánh tiếng về đây để mua tranh. 

Không chỉ lớp trẻ, ở Cổ Đô còn có những “lão họa sỹ” đặc biệt. Một trong những người như thế  là ông Nguyễn Ngọc Cũi, cháu ruột của họa sỹ Sỹ Tốt. Ông là thương binh loại 1, từng công tác trong tiểu đoàn pháo binh thuộc Bộ Tư lệnh 351, từng trải qua những năm tháng chiến đấu ác liệt ở Tây Nguyên trước khi vào chiến trường Tây Ninh. Trong một lần đánh xe tăng địch, ông bị mảnh đạn xiên vào ổ khớp tay phải, bị thương nặng đến nỗi phải tháo khớp tay. Tưởng như mọi thứ trở nên vô vọng khi một bên cánh tay đã không còn hoạt động được, ông bỗng tìm thấy ánh sáng của cuộc đời khi bén duyên với hội họa. 

Nghỉ hưu từ năm 1990, theo phong trào nghệ thuật của làng, ông quyết định theo đuổi nghề vẽ. Không dùng được tay phải, ông tập vẽ bằng tay trái. Cứ thế đã hơn 10 năm nay… “Nhiều lúc thấy khổ sở lắm vì không thể điều khiển đường nét như ý muốn. Cộng thêm mỗi khi trái nắng trở trời, cánh tay phải sưng lên, mưng mủ, đau buốt khiến tôi muốn phát điên. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ cuộc” - ông Cũi tâm sự. 

Có lẽ bị ảnh hưởng bởi người cha nên 3 con trai của ông cũng có năng khiếu về vẽ. 2 người theo đuổi ngành kiến trúc, người còn lại làm trong lĩnh vực điêu khắc - xây dựng tượng đài. Người vợ hiền cũng ủng hộ và vui khi thấy chồng con theo đuổi nghệ thuật. Còn với người đàn ông 72 tuổi, dù biết làm nghệ thuật không phải để kiếm sống nhưng việc thỏa sức sáng tạo khiến ông tìm thấy niềm vui, ý nghĩa cuộc sống.  

Nhìn những người như ông Nguyễn Ngọc Cũi, chúng tôi thầm ngưỡng mộ, cảm phục những “họa sỹ nông dân” ở cái làng quê nhỏ bé xứ Đoài. Rằng đằng sau những cánh cổng cũ kỹ, những căn nhà lợp ngói in dấu thời gian, những mảnh đời lam lũ, vất vả còn có những trái tim đầy nhiệt huyết, gắn bó và hết lòng vì nghệ thuật.