"Lá đơn" ngược đời và nỗi niềm học dốt

ANTD.VN - Những ngày qua, trên mạng xuất hiện một lá đơn kỳ lạ có lẽ là chưa từng có - “Đơn xin cho con học dốt”, lập tức đã gây xôn xao mạng xã hội chỉ sau vài giờ đăng tải. 

"Lá đơn" ngược đời và nỗi niềm học dốt ảnh 1Ảnh: Minh họa

“Lá đơn” thật ra như một bức tâm thư của tác giả gửi đến các bậc phụ huynh. Trong đó, tác giả đóng vai một người mẹ đã quên rằng con mình là một bản thể duy nhất và không giống bất kỳ đứa trẻ nào khác, vì thế đã có những so sánh khiến con dần rơi vào trạng thái trầm cảm, áp lực quá lớn vì sợ rằng bản thân không phải học sinh giỏi sẽ làm cha mẹ nhục nhã.

“Tôi như người điên... nỗi mặc cảm xấu xa khiến tôi rất ngại khi được anh trưởng phòng hay chị đồng nghiệp hỏi về thành tích học tập của con mình, sợ ánh mắt dè bỉu của họ, sợ tiếng đời, cái lắc đầu thông cảm... Rồi tôi như mọi người, tìm tới tận nhà thầy cô để năn nỉ cho con mình được đi học thêm. Thầy nói lớp đầy, không còn chỗ, tôi van xin để con mình kê thêm cái ghế ngồi trong lớp... Học nhà thầy chưa đủ, tôi đăng ký trung tâm cho cháu học”. Đỉnh điểm dẫn đến việc đứa trẻ đã có quyết định tự tử, khiến vị phụ huynh tỉnh ngộ, quyết định viết đơn với mục đích: “Chỉ mong quý nhà trường, quý bộ xem xét và cho phép con tôi được trở thành học sinh dốt trong năm học này”, mặc dù điều này sẽ làm thành tích của lớp, của trường ảnh hưởng nghiêm trọng. Bởi đến bây giờ, vị phụ huynh mới nhận ra những đứa trẻ chỉ cần - “mang hoài bão, ước mơ và đam mê của bản thân, không cần gánh bất kỳ thứ sĩ diện hão nào của gia đình hay dòng tộc”.

Được biết, tác giả bức thư là người đàn ông tên Phạm Ngọc Thạch, anh cho biết viết “lá đơn” này khi chứng kiến những câu chuyện có thật xung quanh mình, trong đó có gia đình một người chị suốt ngày đau khổ về chuyện học hành của con, dẫn đến đứa trẻ có ý định tự tử. “Lá đơn” ngược đời này nhận được sự quan tâm của dư luận, vì tác giả đã nói đúng hoàn cảnh hay tâm trạng của các bậc làm cha làm mẹ, nói đúng nỗi lòng của nhiều em học sinh. Bởi vì áp lực học hành, không ít em học sinh đã trở thành “gà công nghiệp”, chỉ biết học và học, học chính khóa, học thêm ở trường, học trung tâm… 

Hình ảnh những đứa trẻ từ cấp I đến cấp III, thậm chí cả trẻ mẫu giáo mệt mỏi vì học thêm đã trở nên quen thuộc. Thậm chí, có những đứa trẻ chẳng mấy khi được ăn bữa cơm trọn vẹn ở nhà, sáng ra vội vã ăn trên đường đến trường, chiều về ăn nhanh chiếc bánh mì trên đường đến lớp học thêm và ngủ vùi trong những tiết học vì mệt mỏi… Không chỉ thế, thực tế đã có nhiều bài học đau xót, nhiều em học sinh trầm cảm, phải vào các bệnh viện điều trị tâm lý vì áp lực học tập; sau mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học, đã có những em học sinh tự tử vì không đỗ… Không chỉ gánh áp lực từ cha mẹ, mà các em còn chịu áp lực từ bệnh thành tích của ngành Giáo dục khi lớp nào, trường nào cũng muốn các em phải học giỏi đều các môn để không ảnh hưởng đến thành tích chung.

Vẫn biết, học giỏi là tốt, học hành cần sự cố gắng, chăm chỉ. Tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta biến việc học hành trở thành nỗi ám ảnh, một sự tra tấn với con trẻ. Hãy khuyến khích, động viên, tạo sự hứng khởi và quan trọng, phải cho các em thấy học vì chính các em chứ không vì bất kỳ sự sĩ diện nào của cha mẹ, dòng họ hay trường lớp.