Kỳ vọng vào vaccine Covid-19 “made in Việt Nam”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

ANTD.VN - Sự kiện được quan tâm hàng đầu trong lĩnh vực y tế của Việt Nam ở thời gian này chắc chắn là việc khởi động dự án thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19 có tên Nano Covax do Công ty Nanogen TP.HCM nghiên cứu sản xuất. Vậy có thể kỳ vọng gì vào vaccine Covid-19 do Việt Nam sản xuất? Quy trình thử nghiệm ra sao và bao giờ chính thức có vaccine Covid-19 cung cấp cho cộng đồng?

Trở thành 1 trong 40 quốc gia thử nghiệm trên người

Các tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19

Các tình nguyện viên đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19

Ngày 10-12, tại Học viện Quân y, ngay trong lễ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Nano Covax phòng Covid-19 trên người, đã có rất đông tình nguyện viên đến đăng ký tham gia tiêm thử nghiệm. Kết thúc ngày đầu tiên thông báo tuyển, có khoảng 150 người, chủ yếu là sinh viên ngành y, dược, tại các trường trên địa bàn Thủ đô đăng ký tham gia thử nghiệm loại vaccine do Việt Nam sản xuất. Đối tượng đủ điều kiện đăng ký tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 phải là người tình nguyện, từ 18-50 tuổi, khỏe mạnh, các chỉ số huyết học, sinh hóa bình thường, chưa từng mắc Covid-19. Đặc biệt, các đối tượng này còn phải đảm bảo tiêu chí không chịu áp lực về sức khỏe, tài chính, hành chính và một số tiêu chí đặc thù khác…

Theo thông báo từ Học viện Quân y - đơn vị triển khai thử nghiệm lâm sàng - giai đoạn 1 sẽ có 60 người tình nguyện được chọn để tiêm, phân ngẫu nhiên vào 3 nhóm: Nhóm 1 là người dùng mức liều 25mcg; nhóm 2 là những người dùng mức liều 50mcg; nhóm 3 dùng mức liều 75mcg. Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y cho biết, khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đầu tiên của thế giới thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 trên người. “Chúng ta đã sản xuất test thử Covid-19 từ rất sớm và chất lượng, giờ đến vaccine phòng Covid-19. Chúng ta đã ngồi ngang hàng, ngồi bàn tròn được với quốc tế ở một số lĩnh vực nghiên cứu y sinh” - GS Đỗ Quyết tự hào chia sẻ.

Thận trọng tối đa, không để xảy ra tai biến

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y trả lời về thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người

Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân y trả lời về thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người

Vaccine phòng Covid-19 có tên Nano Covax (do Công ty Nanogen ở TP.HCM nghiên cứu, sản xuất) là vaccine tái tổ hợp protein S - đoạn gai của virus SARS-CoV-2, với 4 loại liều lượng 25mcg, 50mcg, 75mcg, 100mcg. Qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ, kết quả cho thấy vaccine đảm bảo về an toàn, khả năng sinh miễn dịch tốt. Tuy vậy, khi thử nghiệm trên người, sự thận trọng càng phải được nâng lên bởi đảm bảo an toàn là yếu tố quan trọng nhất. Ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine chia sẻ: “Chúng tôi xác định giai đoạn 1 thử nghiệm vaccine là giai đoạn nhạy cảm. Vì thế, sẽ tạo mọi sự tối ưu nhất cho giai đoạn này về cơ sở vật chất, trang thiết bị, con người”.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm tham gia thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine, Học viện Quân y chính là đơn vị được lựa chọn để phối hợp với Công ty Nanogen thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trên người đầu tiên tại Việt Nam. Đơn vị này đã thành lập Trung tâm về vaccine bao gồm thử nghiệm tiền lâm sàng và thử nghiệm tiêm vaccine trên người. Đồng thời, Học viện Quân y cũng đã thành lập 10 tổ chuyên môn nghiệp vụ cấp cứu, theo dõi, dược, an toàn tiêm chủng để phục vụ cho nghiên cứu. Mặt khác, chuẩn bị sẵn hệ thống 24 giường bệnh, hệ thống tiêm truyền, hệ thống cấp cứu và nhân sự sẵn sàng ứng trực xử lý mọi tình huống trong quá trình thử nghiệm.

Chia sẻ thêm về sự an toàn của vaccine Nanocovax khi tiêm thử nghiệm, Trung tướng Đỗ Quyết cho biết, ở giai đoạn 1, tính an toàn của vaccine là mục tiêu cao nhất. Ở giai đoạn 2 là thử nghiệm về tính đáp ứng miễn dịch. Trước mắt, từ thử nghiệm giai đoạn 1 chuyển sang giai đoạn 2, từ giai đoạn 2 sang giai đoạn 3 cần được Hội đồng Đạo đức nghiên cứu y, sinh học quốc gia thông qua trước khi được triển khai tiếp theo.

“Chúng ta không đổi sự an toàn của người dân Việt Nam với bất cứ điều gì khác. Tất cả sẽ nỗ lực hết sức không để tai biến xảy ra trong quá trình tiêm thử nghiệm vaccine phòng Covid-19. Chúng tôi vinh dự khi được Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng giao cho cùng với Nanogen thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trên người và sẽ nỗ lực hết mình” - Giám đốc Học viện Quân y khẳng định.

Bao giờ vaccine Covid-19 được sử dụng cho cộng đồng?

Đến lúc này, vẫn còn quá sớm để trả lời câu hỏi bao giờ thì vaccine Covid-19 chính thức được sử dụng rộng rãi cho người dân, bởi việc khởi động dự án thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Nano Covac mới là khởi đầu một giai đoạn mới trong công cuộc phòng chống đại dịch Covid-19 của Việt Nam. Theo kế hoạch, Công ty Nanogen đề xuất thử nghiệm lâm sàng loại vaccine này qua 3 giai đoạn. Giai đoạn 1: Từ tháng 12-2020 đến tháng 2-2021, có 60 người từ 18-50 tuổi tiêm thử nghiệm. Giai đoạn 2: Từ tháng 2-2021 đến tháng 8-2021, có khoảng 400 - 600 người từ 12-75 tuổi tiêm thử nghiệm. Giai đoạn 3: Từ tháng 8-2021 đến tháng 2-2022, có 1.500 - 3.000 người từ 12-75 tuổi tiêm thử nghiệm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ phối hợp với các đơn vị đang “chạy đua với thời gian” để nghiên cứu, thử nghiệm, sản xuất vaccine Covid-19. Hiện cả nước có 4 đơn vị tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19. Ngoài Công ty Nanogen còn có Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH); Trung tâm Nghiên cứu sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC); Viện Vaccine và sinh phẩm y tế (IVAC). Sau vaccine Nano Covax thì vaccine của 3 công ty còn lại cũng sẽ được đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

“Như vậy, nếu mọi chuyện thuận lợi thì sớm nhất cũng phải tới quý 2-2022 thì Việt Nam mới có thể có được vaccine Covid-19 do chính người Việt Nam nghiên cứu, sản xuất để phục vụ rộng rãi cộng đồng. Trước mắt, vẫn phải triển khai quyết liệt, thực hiện nghiêm tất cả các biện pháp phòng chống dịch, không thể trông cậy quá nhiều vào vaccine Covid-19” - Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Người tình nguyện được bảo hiểm chi trả nếu gặp tai biến

Ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) nói về thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người

Ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) nói về thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người

Về chi phí cho người tham gia tình nguyện thử vaccine Covid-19, ông Nguyễn Ngô Quang - Phó Cục trưởng Cục Khoa học, Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, nhóm nghiên cứu chỉ chi trả những khoản hợp lý như đi lại, ăn nghỉ... và chỉ hỗ trợ chi phí cho đối tượng đủ điều kiện tham gia nghiên cứu. Trong quá trình triển khai, nếu có những biến cố (tai biến) với các đối tượng tham gia nghiên cứu do liên quan đến vaccine, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học sẽ yêu cầu dừng nghiên cứu nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối. Để giảm bớt rủi ro cho nhà sản xuất vaccine, cơ quan quản lý cũng yêu cầu đơn vị sản xuất phải mua bảo hiểm cho các đối tượng tham gia nghiên cứu thử nghiệm. Trong trường hợp có biến cố ngoài mong muốn (có liên quan đến vaccine hoặc do nghiên cứu) thì bảo hiểm sẽ chi trả.