Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII:

Kỳ vọng vào Chính phủ

ANTĐ - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội quyết định về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ khóa XIII tiếp tục kiện toàn và đổi mới phương thức hoạt động để Chính phủ thực sự là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả tổ chức tinh gọn, hợp lý; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của hiến pháp, pháp luật; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao trách nhiệm người đứng đầu và từng thành viên Chính phủ.

Trước khi đưa ra Tờ trình Quốc hội, cơ cấu tổ chức Chính phủ, khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài viết quan trọng đề cập tới 3 đột phá chiến lược quan trọng của Chính phủ trong nhiệm kỳ 2011-2016. Trong Tờ trình trước Quốc hội Thủ tướng thẳng thắn nhắc đến những hạn chế trong hoạt động của bộ máy Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua.

Cụ thể là giữa các bộ, ngành vẫn còn một số trùng lặp về chức năng nhiệm vụ. Do đó, quản lý hành chính chưa thực sự thông suốt từ trên xuống. Hoạt động của bộ máy so với yêu cầu, nhiệm vụ còn nhiều hạn chế, bất cập. Thủ tướng khẳng định như một cam kết trước Quốc hội, trong 5 năm tới, Chính phủ sẽ khẩn trương điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và nâng cao hơn nữa trách nhiệm quản lý Nhà nước cũng như trách nhiệm giải trình của các cơ quan Chính phủ trước Quốc hội và nhân dân. Đặc biệt, cụ thể hóa trách nhiệm từng thành viên, phân công công việc rõ ràng giữa các bộ, ngành để khắc phục sự “chồng lấn” trong công việc.

Khi tổng kết về mô hình cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XII, Bộ Nội vụ đã đánh giá rằng, cơ cấu tổ chức Chính phủ khóa XII đã có bước cải cách căn bản hơn trong việc sắp xếp kiện toàn các bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan Chính phủ, đặc biệt đã chuyển các cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước vào các bộ quản lý, không còn cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước.

Đây là một bước cải cách đánh dấu mốc quan trọng kết thúc loại hình cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước tồn tại trong nhiều khóa Chính phủ. Điều đó cũng có nghĩa, cơ quan thuộc Chính phủ không “ôm đồm” làm thay chức năng quản lý Nhà nước. Sự thu gọn đáng kể số lượng các cơ quan thuộc Chính phủ đến mức cần thiết chính là để chuyển sang hoạt động theo cơ chế mới: tự chủ, tự chịu trách nhiệm phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ khóa XIII cần phải phân công chức năng, nhiệm vụ rõ ràng để tránh trùng lặp trong công việc giữa các thành viên Chính phủ, giữa các Phó Thủ tướng và các Bộ trưởng.

Ý kiến của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội có lẽ là tâm tư nguyện vọng của các đại biểu và nhân dân, đó là đặt kỳ vọng vào Chính phủ sẽ vận hành bộ máy như thế nào? Vận hành bộ máy phải “trong suốt” để mỗi người dân, doanh nghiệp nhìn vào quá trình xử lý các vấn đề kinh tế xã hội sẽ theo dõi được và phán đoán được quá trình ra quyết sách kinh tế vĩ mô của người hoạch định chính sách. Đó cũng là yêu cầu đối với bộ máy công quyền trong một xã hội công khai và minh bạch.