Kỳ vọng sau bầu cử Tổng thống Timor Leste

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 19-3, Timor Leste tổ chức bầu cử Tổng thống, kỳ bầu cử thứ năm ở đất nước mới tuyên bố độc lập từ năm 2002. Với khoảng 20% cử tri đi bầu lần đầu ở đất nước 1,3 triệu dân, kỳ bầu cử có thể tạo ra bước ngoặt mới cho tương lai của quốc gia trẻ nhất Đông Nam Á này.
Một số cựu lãnh đạo nằm trong số 16 ứng viên cạnh tranh trong cuộc bầu cử Tổng thống Timor Leste ngày 19-3

Một số cựu lãnh đạo nằm trong số 16 ứng viên cạnh tranh trong cuộc bầu cử Tổng thống Timor Leste ngày 19-3

Theo Chỉ số dân chủ năm 2021 do Economist Intelligence Unit (thuộc Công ty truyền thông Economist Group) công bố, quy trình bầu cử ở Timor Leste được xếp vào hàng tốt nhất thế giới. Và ở kỳ bầu cử lần thứ năm này, các nhà lãnh đạo như cựu Tổng thống Xanana Gusmao, cựu Tổng thống Jose Ramos-Horta (từng đoạt giải Nobel Hòa bình), Tổng thống đương nhiệm Francisco “Lu-Olo” Guterres, và cựu Thủ tướng Mari Alkatiri vẫn tái tranh cử. Joao da Cruz Cardoso, một nhà nghiên cứu độc lập có trụ sở tại Dili, cho biết: “Những nhân vật anh hùng của nền độc lập vẫn thống trị chính trường”.

Đáng chú ý, trong số 16 ứng cử viên Tổng thống, các ông Lu-Olo, Ramos-Horta và cựu chỉ huy quân sự Lere Anan Timur ứng cử độc lập, nhưng tất cả đều trên 65 tuổi. Các ứng cử viên trẻ hơn bao gồm Milena Pires - cựu đại diện của Liên hợp quốc, Antero Benedito da Silva - một học giả tại Đại học quốc gia Timor và Mariano Sabino Lopes - một cựu bộ trưởng nội các. Giới phân tích cho rằng, sự phân chia thế hệ giữa những “nhà lập quốc” đã có tuổi và một nhóm các nhà lãnh đạo trẻ mới nổi sẽ quyết định kết quả cuối cùng.

Cuộc bầu cử ngày 19-3 ở Timor Leste ước tính có khoảng 860.000 cử tri đủ điều kiện bỏ phiếu, trong số đó có 200.000 cử tri lần đầu tiên được thực hiện quyền công dân. Họ là thế hệ được sinh ra sau khi đất nước độc lập. “Nhiều cử tri trẻ tuổi vẫn sẽ ủng hộ các ứng cử viên lớn tuổi, những người trực tiếp tham gia vào cuộc chiến giành độc lập. Đất nước này vẫn tồn tại một chủ nghĩa dân tộc rất lớn. Có một thực tế rằng phần lớn dân số vẫn có mối liên hệ tình cảm mạnh mẽ với cuộc đấu tranh giành độc lập trước đây” - bà Berta Antonieta, nhà phân tích và nghiên cứu tại Dili cho biết.

Tuy nhiên, một số ứng cử viên tổng thống đang thúc đẩy các chương trình nghị sự tiến bộ để thu hút nhân khẩu học trẻ hơn. Theo bà Antonieta, một bộ phận dân số trẻ quan tâm đến tiến bộ xã hội nên các ứng viên tập trung nhiều hơn vào quyền con người và công bằng xã hội. “Các vấn đề như quyền phụ nữ, bạo lực gia đình và gia trưởng đã được thảo luận rất nhiều. Chúng thu hút rất nhiều người trẻ đến với chính trị. Vào đầu năm 2000, khi chúng tôi giành được độc lập, những vấn đề này thậm chí còn không được đề cập đến” - nhà phân tích nói.

Các nhà phân tích như Cardoso và Antonieta dự đoán, các ông Lu-Olo và Ramos-Horta sẽ nhận được số phiếu bầu cao nhất trong cuộc bầu cử hôm 19-3. Nếu không có ứng cử viên nào chiếm đa số trong vòng đầu tiên, cặp có số phiếu bầu cao nhất sẽ đối đầu trong vòng thứ hai vào ngày 19-4. Cựu Tổng thống Ramos-Horta đã cam kết “dọn đường” với tư cách là Tổng thống để cho phép Quốc hội xử lý các nguồn tài nguyên dầu khí ở biển Timor thông qua việc xây dựng một đường ống biển sâu, mà một số chuyên gia cho rằng rất rủi ro và phức tạp.

Trong một bài phát biểu gửi tới Cộng đồng Chính sách đối ngoại Indonesia vào cuối ngày 17-3, cựu Thủ tướng kiêm Tổng thống (72 tuổi) Ramos-Horta cho biết, ông cảm thấy bắt buộc phải tranh cử để bảo vệ tính toàn vẹn hiến pháp của Timor Leste. “Những gì đã xảy ra trong vài năm qua là Tổng thống vượt quá quyền hạn của mình” - ông Ramos-Horta nói và đề cập đến những căng thẳng chính trị kéo dài đã cản trở nỗ lực cắt giảm nghèo đói, giải quyết tham nhũng và phát triển các nguồn năng lượng.

Timor Leste đã có mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao sau khi độc lập nhờ vào nguồn thu từ dầu khí. Nhưng phong trào giảm khí thải cacbon toàn cầu đang phủ bóng lên nền kinh tế tương lai của họ. Michael Leach, một học giả từ Đại học Swinburne của Australia nhận định: “Vấn đề lớn trong một xã hội có độ tuổi trung bình là 18 là phải tạo ra nhiều việc làm và cơ hội giáo dục hơn là phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu khí”.