Ký ức xem chiếu bóng ở Hà Nội xưa

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những năm mới giải phóng Thủ đô, dân số Hà Nội chỉ khoảng 53.000 mà đã có tới 20 rạp chiếu bóng. Rạp Majestic (nay là rạp Tháng Tám) trên phố Hàng Bài là niềm tự hào của người Hà Nội lúc bấy giờ.

Ngoài ra còn có các rạp như Eden (nay là rạp Công nhân) trên phố Tràng Tiền, Olympia ở phố Hàng Da, Đại Đồng ở phố Hàng Cót, Bắc Đô ở phố Hàng Giấy, Kinh Đô ở phố Cửa Nam, Đại Nam ở phố Huế, Mê Linh ở phố Lò Đúc…

Cinéma Palace ở phố Paul Bert (nay là rạp Công nhân ở, 42 Tràng Tiền)

Cinéma Palace ở phố Paul Bert (nay là rạp Công nhân ở, 42 Tràng Tiền)

Hoàng kim một thời

Những năm trước đó thì Hà Nội còn có các rạp dành riêng lứa tuổi thiếu niên như rạp SYROS (nay là rạp Kim Đồng) trên phố Hàng Bài chuyên chiếu phim hoạt hình, cổ tích, rối, viễn tưởng…. Lại có thêm rạp Lửa Hồng ở phố Hàng Trống (nay là UBND Hoàn Kiếm). Rạp này là địa điểm sinh hoạt của CLB Sói - Hướng đạo. Phim được chiếu ở đây phần lớn là phim phiêu lưu mạo hiểm, cao bồi, thổ dân da đỏ, hiệp sĩ rừng xanh, Tarzan… Gọi là rạp chiếu bóng nhưng thực chất là ngôi nhà chừng 50m2, nơi sinh hoạt của nhóm hướng đạo, với vài chục hàng ghế có khi được thải ra từ mấy rạp trên phố vừa nâng cấp. Cuối rạp, 1/3 diện tích là kê ghế băng cho khách xem chiếu bóng. Xem phim mùa hè thì rất nóng vì chỉ có mấy chiếc quạt trần chạy lờ đờ.

Một rạp chiếu phim nữa nằm giữa khu dân cư trước cửa chợ Hôm mà rất nhiều người sống lâu năm ở Hà Nội không để ý là rạp Hà Nội Cine. Sở dĩ Hà Nội Cine bị lu mờ so với các rạp chiếu phim lúc bấy giờ vì nó bé quá. Ông chủ chỉ đầu tư một rạp chiếu bóng mini chủ yếu phục vụ cho lớp trẻ. Diện tích rạp có hơn 40m2, màn hình bằng vải trắng viền xanh, rộng chỉ bằng chiếc chiếu đôi. Đã thế lại không có ghế xem phim thông thường mà toàn bộ là ghế băng kê sát nhau. Khán giả nào thấp mà phải ngồi sau thì chỉ có nghển cổ suốt cả buổi. Khi hết phim và ra về, nhiều ông khách cứ lấy tay xoa cổ do phải nghển lên xem suốt giờ chiếu. Giá vé Hà Nội Cine cũng rẻ, vì thế đám trẻ con nhà nghèo, tầng lớp bình dân cũng có thể vào. Nhiều học trò trốn học không có tiền thì thường đợi phim chiếu một lúc, đến khi người soát vé ra ngoài mới lẻn vào rạp ngồi bệt xuống sàn xi măng “xem chùa”. Chủ các rạp chiếu bóng lúc bấy giờ đa phần là người Pháp, sau này một số trở về Pháp thì sang nhượng lại cho người Hoa hay người Việt có nguồn tài chính khá giả.

Rạp Công nhân ngày nay

Rạp Công nhân ngày nay

Hồi ấy, đôi lần tôi được anh trai mua vé cho xem ở rạp Majestic - rạp chiếu bóng sang nhất Hà Nội lúc bấy giờ. Lần đầu tiên bước chân vào rạp, tôi thực sự choáng ngợp về sự sang trọng của nó. Tường được ốp nỉ xanh, ghế ngồi bọc nhung đỏ, còn có thể lật lên lật xuống được. Vé VIP trên gác thì thậm chí còn được ngồi ghế đệm bọc vải trắng. Còn sân khấu thì tuyệt vời, màn nhung đỏ từ trên cao rủ xuống chia làm đôi tách sang 2 bên. Dù có ngồi tận cuối rạp cũng nhìn rõ màn ảnh rộng trắng tinh nằm sâu trên sân khấu. Trần rạp thì đèn sáng như sao xa, những chiếc quạt trần 2 cánh quay tít, mát rượi. Trước giờ tôi mới chỉ được đi xem phim với mấy thằng bạn học ở rạp Syros hay Lửa Hồng chứ bao giờ được vào đây. Vé vào xem ở Majestic rất đắt so với các rạp khác nên khách phần đông là người khá giả, sang trọng, ô tô đỗ dọc cửa rạp. Những chiếc xích lô tấp nập đưa khách đến rạp rồi quay đi ngay, nam thanh nữ tú quần áo tân thời khoác tay nhau vào xem.

Vui buồn ký ức

Sau ngày hòa bình lập lại năm 1954, các rạp chiếu bóng Hà Nội vẫn hoạt động dù đã có vài chủ rạp di cư vào Nam nhượng lại cho chủ khác. Vài năm sau đó, các rạp chiếu phim đều vào công tư hợp doanh do Nhà nước quản lý. Ngày ấy, rạp Majestic ở Hàng Bài chưa đổi tên thành rạp tháng Tám, vẫn còn chiếu mấy phim cũ của Pháp để lại nhưng có nội dung tiến bộ như “Đồng lương khủng khiếp” (Pháp), “Anh gắng nuôi con” (Nhật), “Ngày vui đẫm máu” (Mỹ), “Sông máu” (Nam Mỹ)…

Trước giờ chiếu phim bao giờ cũng có chương trình ca nhạc, mà cũng chỉ duy nhất Majestic mới thêm phần âm nhạc để hút khách đến rạp. Tôi vẫn còn nhớ ban nhạc biểu diễn vào cái buổi đầu tiên tôi xem phim. Trên sân khấu, các nhạc công mặc comple trắng, thắt nơ đen, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn với cây đàn Hawaii, nhạc sĩ Hoàng Giác đánh guitar đệm. Nhưng nổi bật nhất là nhạc công chơi contrebass, đầu rẽ ngôi bóng mượt, comple trắng bó sát với cây đàn to gần bằng người. Sau này tôi mới biết đó là nhạc sĩ Đỗ Liên. Có lẽ nhạc sĩ Đỗ Liên đã để lại ấn tượng mạnh đối với tôi nên sau này khi cũng bắt đầu học nhạc, tôi đã chọn ngay contrebass. Khi hồi chuông cuối cùng vừa dứt, tiếng nhạc réo rắt của guitar Hawaii cùng phần đệm của contrebass làm cho không khí trong rạp im phăng phắc. “Nam Dương yêu dấu”, “Dòng sông Solo”, rồi “Hoa đất nước”… sau mỗi bài biểu diễn, tiếng vỗ tay không ngớt. Mấy vị khách ngồi hàng ghế trên cùng còn mang hoa tươi lên sân khấu tặng ban nhạc. Chương trình ca nhạc trước buổi chiếu kết thúc, đèn tắt phụt, tiếng máy chiếu bắt đầu chạy sè sè, hình ảnh trên màn hình xuất hiện…

Rạp chiếu bóng ở Hà Nội đầu thế kỷ 20

Rạp chiếu bóng ở Hà Nội đầu thế kỷ 20

Khi Nhà nước thành lập Quốc doanh Chiếu bóng, toàn bộ cụm rạp ở Hà Nội lúc bấy giờ đều chỉ chiếu phim của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, chủ yếu là Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungary, Rumani, Triều Tiên… Những rạp được phát hành nhiều phim truyện hay vẫn là rạp tháng Tám, Công nhân, Kinh đô, Mê Linh… với các nữ thuyết minh chuyên nghiệp, giọng tốt. Như rạp tháng Tám bấy giờ có thuyết minh phim tên Bích Liên, chất giọng rất ấm, rất điện ảnh và truyền cảm. Do đó rạp này vẫn đông khách nhất vì có nhiều phim mới, hay, lại khang trang, rộng rãi, trang thiết bị hiện đại. Chính vì thế, để có tấm vé vào rạp cũng không dễ.

Nhiều cặp đôi phải xếp hàng mua vé từ mấy ngày trước, lắm khi xếp hàng gần đến lượt thì hết vé, người yêu đứng chờ bên ngoài mặt buồn thiu. Cũng có anh “nghiện phim”, hoặc vì chiều người yêu nên không mua được vé trong rạp thì đành ra mua vé chợ đen. Dĩ nhiên, vé chợ đen luôn đắt “cắt cổ”, đã thế chỉ còn toàn ghế phụ, ghế sát màn hình, ấy thế mà khách vẫn mua tấp nập. Trước giờ chiếu, đội quân phe vé ngoài cổng rạp đông như đi chợ. Họ mồm năm miệng mười, cầm xấp vé gí vào mặt khách mời chào, chèo kéo. Tuy nhiên, cái cảnh tượng mang tính “lịch sử” ấy, cộng với những mẹt quà bán táo dầm, sấu chín, hạt dưa, hạt bí san sát trước rạp đã tạo nên một không khí nhộn nhịp độc nhất vô nhị.

Những đợt vào tuần lễ phim Liên Xô thì chương trình được quảng bá rộng rãi. Pano, áp phích chăng quanh hồ Hoàn Kiếm, xích lô chở cờ quạt, trống chiêng khua vang khắp đường phố. Trẻ con thích chí chạy bám theo để xin mấy tờ poster to gần bằng tờ báo, trên có in hình các tài tử, minh tinh xinh đẹp. Những bộ phim kinh điển như “Người thứ 41”, “Đêm giao thừa”, “Thằng ngốc”, “Số phận một con người”, “Cánh buồm đỏ thắm”, “Năm 1918”, “Buổi sáng ảm đạm”, “Phục sinh”… cả một thế hệ chúng tôi chẳng thể nào quên được. Giờ thì rạp tháng Tám dù án ngữ ngay con phố đẹp nhất Hà Nội nhưng vẫn không thể có được sự tấp nập như ngày xưa. Thanh niên thời nay có vẻ như chuộng cụm rạp CGV với âm thanh lập thể. Thậm chí có những nơi còn bán vé giường nằm, có bàn uống nước, vừa đắp chăn đến cổ vừa duỗi dài chân xem phim, đồ snack phát miễn phí. Xem phim phụ đề, diễn viên Hollywood, tôi lại nhớ đến giọng thuyết minh đầy chất điện ảnh của cô Bích Liên năm nào và cả chàng Petsorin thần tượng giới trẻ trong “Tiểu thư Mary” nữa. Ngày ấy đã xa quá rồi, còn hư ảo hơn cả màn bạc đang ở trước mặt đây.

Tin đọc nhiều