Ký ức về trào lưu điện ảnh Thủ đô thuở trước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954, Hà Nội có khoảng 20 rạp chiếu bóng. Những cái tên như Majestic (nay là rạp Tháng Tám) rồi rạp Đại Đồng, Đại Nam, Bắc Đô, Kinh Đô, Công Nhân, Dân Chủ, Mê Linh, Đặng Dung, Bạch Mai, Hồng Hà, Kim Đồng, Hòa Bình… đã để lại nhiều dấu ấn của điện ảnh một thời.
Người dân Hà Nội đi xem phim tại rạp Công Nhân năm 1973

Người dân Hà Nội đi xem phim tại rạp Công Nhân năm 1973

Món ăn tinh thần của thời bao cấp

Hòa bình lập lại, một số chủ rạp đã di cư vào Nam để lại các cơ sở cho Nhà nước quản lý. Thập niên 1950, các rạp vẫn chiếu những bộ phim từ trước ngày Giải phóng Thủ đô nhưng đã được Nhà nước kiểm duyệt do có nội dung tiến bộ như: “Đồng lương khủng khiếp” (phim Pháp), “Sông máu” (phim Mỹ), “Ngày vui đẫm máu” (phim Mỹ), “Anh gắng nuôi con” (phim Nhật)… Sau này Công ty Điện ảnh Việt Nam nhập nhiều phim từ những nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Cộng hòa dân chủ Đức, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hungari, Rumani, Anbani, Trung Quốc, Triều Tiên... nhưng phim được chiếu trên màn ảnh Thủ đô nhiều nhất vẫn là Liên Xô và Trung Quốc.

Phim Trung Quốc ngày ấy đa phần là xoay quanh cuộc chiến tranh Trung - Nhật như: “Nam chinh, Bắc chiến”, “Chiến tranh kháng Nhật 1950”, “Bạch mao nữ”… Riêng điện ảnh Liên Xô vốn được dân Hà Nội yêu thích, đánh giá cao nên kéo nhau đi xem rất đông, nhất là lớp thanh niên trẻ. Những phim được nhập về phần lớn là phim tâm lý xã hội, phản gián, chiến tranh vệ quốc giữa Nga và Đức.

Ngày ấy Tháng Tám là rạp lớn nhất Hà Nội với đầy đủ hệ thống máy chiếu tiên tiến từng nhập về từ Pháp, Anh, Mỹ nên âm thanh tốt, trang thiết bị nội thất hiện đại, có những phòng chiếu dành riêng cho khách VIP với ghế ngồi bọc đệm. Rạp còn điều hai thuyết minh viên xinh đẹp, có chất giọng truyền cảm là cô Liên và cô Toán. Do vậy rạp Tháng Tám bao giờ cũng được chiếu những phim hay nhất. Các phim Liên Xô đoạt giải Liên hoan phim thế giới khi mới công chiếu tại Hà Nội thì kín đặc người xếp hàng mua vé. Những ngày kỷ niệm văn hóa Việt - Xô thì Bộ Văn hóa vẫn tổ chức Tuần lễ phim Liên Xô khắp các tỉnh thành miền Bắc. Riêng Thủ đô Hà Nội thì tuần lễ phim này là sự kiện văn hóa cực kỳ có ý nghĩa nên được tổ chức long trọng nhất. Các rạp khi ấy quảng cáo phim rầm rộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm. Băng rôn, pa nô, áp phích treo dọc tuyến phố Đinh Tiên Hoàng, rồi đèn màu xanh, đỏ, tím, vàng được giăng lên cây và cả Tháp Rùa khiến ánh sáng nhấp nháy rực rỡ về đêm như ngày hội.

Từ sáng sớm, xích lô với cờ quạt, băng rôn quấn quanh xe và người đánh trống đã khua vang đường phố: “Alô… Alô… mời đồng bào đón xem Tuần lễ phim Liên Xô với nhiều bộ phim đặc sắc chiếu trên màn ảnh các rạp từ ngày…”. Xe quảng cáo vừa đi vừa tung ra những chương trình giới thiệu nội dung các bộ phim. Rất đông trẻ em chạy theo xe để nhặt poster, tất cả tạo thành không khí hội hè náo nức.

Ngày đó, trước buổi chiếu phim người ta đều phát cho khách mua vé những tờ giới thiệu chương trình, nội dung phim in ấn đẹp, có hình ảnh minh họa nên ai cũng mê, nhiều poster to bằng cả tờ báo

Ngày đó, trước buổi chiếu phim người ta đều phát cho khách mua vé những tờ giới thiệu chương trình, nội dung phim in ấn đẹp, có hình ảnh minh họa nên ai cũng mê, nhiều poster to bằng cả tờ báo

Những dấu ấn vang bóng một thời

Ngày ấy, chính người viết bài này cũng có thú vui sưu tầm các poster phim. Giống các rạp CGV bây giờ, ngày đó trước buổi chiếu phim người ta đều phát cho khách mua vé những tờ giới thiệu chương trình, nội dung phim in ấn đẹp, có hình ảnh minh họa nên ai cũng mê. Nhiều poster to bằng cả tờ báo, ngoài nội dung phim còn có cả chân dung các ngôi sao điện ảnh Liên Xô nổi tiếng và xinh đẹp. Đám học trò chúng tôi thường rủ nhau đến rạp và xếp hàng, nhưng không phải để mua vé xem phim mà để xin các tờ poster rồi đổi chác cho nhau như một thứ “tài sản”. “Kho tàng” của tôi hồi ấy cũng có cả một tập poster dày gồm rất nhiều phim đã xem và chưa xem, nhiều nhất vẫn là các phim Liên Xô mà dù chẳng được vào rạp, tôi vẫn ngồi tưởng tượng ra bộ phim qua nội dung in sẵn và hình ảnh đẹp đẽ của các nam nữ tài tử.

Những bộ phim Liên Xô ngày ấy đã để lại trong thế hệ chúng tôi nhiều kỷ niệm đẹp của năm tháng tuổi học trò. Những bộ phim tâm lý xã hội kinh điển như “Anna Karenina”, “Hai chị em”, “Năm 1918” (3 tập) dựa theo tiểu thuyết cùng tên của đại văn hào Nga Lev Tolstoy. Trong đó, phim “Năm 1918” nói về câu chuyện tình lãng mạn trong thế chiến thứ nhất. Bộ phim đã được giành 4 đề cử tại giải Oscar lần thứ 85 và 6 đề cử giải thưởng điện ảnh của Viện Hàn lâm điện ảnh Anh quốc lần thứ 66. Mỗi khi được người anh kèm đi xem phim, chúng tôi mắt dán vào màn hình như bị thôi miên. Nhưng tôi vẫn mê nhất bộ phim “Phục Sinh” kể về câu chuyện tình đau lòng giữa một chàng sĩ quan kỵ binh với cô gái nông thôn Maslova xinh đẹp, trong trắng, ngây thơ. Sau những ngày nghỉ phép, chàng kỵ binh đã để lại sự đau khổ, bất hạnh cho người yêu mình khi cô gái bụng mang dạ chửa và bị 2 người cô đuổi đi. Hay phim “Khi đàn sếu bay qua” cũng là bộ phim khắc họa câu chuyện tình trong chiến tranh mà cho đến giờ vẫn được hàng triệu người Việt yêu văn hóa Nga nhớ mãi. Rồi thì “Sông Đông êm đềm”, “Đất vỡ hoang”, “Số phận một con người”, “Thằng ngốc”, “Đêm giao thừa”, “Tiểu thư Mary”, “Câu chuyện phương Bắc”, “Cánh buồm đỏ thắm”, “Người thứ 41”, “Trên cao”, “Bài ca người lính”, “Chiến tranh và hòa bình”, “Tiếng hát trái tim”… và các loại phim tình báo, phản gián hấp dẫn, ly kỳ về cuộc chiến đấu giữa Hồng quân Liên Xô với Đức Quốc xã khiến thế hệ thanh niên thời ấy không thôi mơ mộng.

Giờ thì phim đã sẵn quá rồi. Kể cả không ra rạp thì khán giả vẫn có thể xem phim qua Netflix, K+ hay HBO từ màn ảnh nhỏ trong phòng khách tại gia. Bây giờ cũng không mấy ai xem phim Nga nữa, chúng gần như thành của hiếm, khán giả cứ phim Hollywood mà chọn thôi. Có lẽ cũng vì thế mà những khán giả “cuồng” phim Nga ngày ấy đến giờ vẫn không thôi mơ mộng.

Tin đọc nhiều