Ký ức và bài học không quên từ thảm họa sóng thần 15 năm trước

ANTD.VN - Cơn sóng thần, gây ra bởi động đất 9,1 độ richter dưới đáy biển ngoài khơi bờ biển phía Tây Sumatra ở Indonesia hôm 26-12-2004, đã khiến hơn 230.000 người thiệt mạng ở ven biển dọc Ấn Độ Dương như Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ, Maldives và Sri Lanka. Với những người còn sống, ký ức kinh hoàng này còn để lại một số bài học cho đến ngày nay.

2 lần thoát chết trong sóng thần

Ông Rahmat Saiful Bahri, người Indonesia trong đời chưa bao giờ nghe thấy từ “sóng thần”, cho đến khi trải qua thảm họa ở Banda Aceh 15 năm trước. Vào sáng 26-12-2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ richter đã làm rung chuyển hầu hết các tỉnh miền Tây Aceh. Ông Bahri nghe thấy mọi người hét lên rằng nước đã tràn vào thành phố, đang dâng ngập rất nhanh. “Tôi nghĩ đó là ngày tận thế”, người đàn ông 52 tuổi nhớ lại.

Kéo theo vợ và 3 đứa con, ông Bahri lập tức chạy đến nhà thờ Hồi giáo gần nhất để trú ẩn. Mặc dù sóng thần cao 15-30m ở một số khu vực của Aceh, nước không đến được tầng 2 của nhà thờ mà họ trú ngụ. “Tôi thấy mọi thứ bị nước cuốn trôi, từ thùng rác, mảnh vụn nhà cửa cho đến con người. Một người hàng xóm bị mắc kẹt giữa đống đổ nát ấy. Ông ấy đã kêu cứu nhưng tôi không thể đến gần khi còn đang cố gắng tự cứu mình. Tôi đã tận mắt chứng kiến ông ấy chết như thế nào”, ông Bahri kể.

Giữa cảnh hỗn loạn đó, ông Bahri, một công chức, đã mất đi đứa con đầu lòng. Ông điên cuồng tìm kiếm khắp nơi khi nước rút. Cảnh tượng đúng là kinh hoàng, xác chết nằm rải rác khắp thị trấn. Số người chết chính thức ở Aceh là 170.000 người. May mắn cho Bahri, con trai ông đã được tìm thấy còn sống ở Sigli, cách Banda Aceh khoảng 110km, vì cậu bé bị lạc nên được đưa tới đó như một trẻ mồ côi.

Nhưng như một trò đùa của số phận, ông Bahri tiếp tục trải qua nỗi kinh hoàng tương tự vào năm ngoái. Ông đang có chuyến công tác tới Palu trên đảo Sulawesi của Indonesia vào tháng 9 thì một trận động đất xảy ra. Thấy tòa nhà rung lắc, ông chạy lên cầu thang. “Nếu khách sạn sắp sập, ít nhất tôi sẽ ở trên đỉnh tòa nhà và sẽ không bị trần nhà đè bẹp”, ông giải thích. Khi lên đến tầng cao nhất, ông thấy những con sóng khổng lồ nuốt chửng mọi thứ trong tầm mắt. “Tôi nhắm mắt cầu nguyện”, người đàn ông này nhớ lại.

Trận động đất 7,5 độ richter và sóng thần cao 7m hôm đó đã cướp đi 4.000 sinh mạng, khách sạn nơi ông Bahri lưu trú chỉ bị thiệt hại nhẹ. Sống sót sau 2 cơn sóng thần, người đàn ông Indonesia này đã rút ra được một bài học: “Quan trọng là giữ bình tĩnh. Đừng hoảng loạn bởi nếu sợ, bạn không nghĩ được điều gì sáng suốt cả. Bạn phải hành động một cách hợp lý”, ông Rahmat Saiful Bahri nói.

Ký ức và bài học không quên từ thảm họa sóng thần 15 năm trước ảnh 1Người dân Aceh, Indonesia cầu nguyện cho nạn nhân sóng thần năm 2004

Mất 100 người trong nhà cùng lúc

Tương tự, ông Ridwan Johan may mắn sống sót nhờ trú ẩn tại một nhà thờ Hồi giáo trên khu phố của mình ở Banda Aceh. Tuy nhiên, quê hương Meulaboh của ông là một trong những thành phố ven biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất. “Tôi đã mất 100 thành viên trong  gia đình đúng ngày xảy ra cơn sóng thần đó”, người đàn ông 53 tuổi nói. Ngôi nhà của mẹ ông đã bị biến thành đống đổ nát nhưng bà vẫn thoát được bằng cách bám vào một mảnh gỗ khi bị nước cuốn trôi.

Bằng kinh nghiệm bản thân, ông Johan kết luận rằng cấu trúc tòa nhà đóng vai trò chính trong việc liệu nó có thể chống chọi lại được thảm họa tự nhiên hay không. Ông đã làm việc tại Baiturrahman - nhà thờ Hồi giáo mang tính biểu tượng của Banda Aceh, trong suốt 31 năm, đầu tiên là một thực tập sinh và hiện giờ là người đứng đầu kỹ thuật, đồng thời chứng kiến nó đã “sống sót” sau thảm kịch kép động đất - sóng thần năm ấy như thế nào. 

Xây dựng vào năm 1292, nhà thờ Baiturrahman được tiếp tục dựng lại trong thời kỳ thực dân Hà Lan sau một trận hỏa hoạn lớn vào năm 1873. Không giống như hầu hết các tòa nhà ở Aceh, nhà thờ Hồi giáo này tồn tại sau trận sóng thần đó chỉ với vài vết nứt nhỏ trên tường và bị vỡ hàng rào. Móng chắc, gạch được làm bằng đá cẩm thạch, tòa nhà chính được xây dựng cách mặt đất 2m… đó là những lý do khiến nhà thờ vẫn đứng vững và nước chỉ dâng tới các bậc thềm. “Sau sóng thần, các tòa nhà mới ở Aceh được xây dựng tốt hơn bởi ai cũng đều hiểu Aceh rất dễ bị thiên tai”, ông Johan nói.

Ngày lễ tạ đặc biệt hàng năm

Doanh nhân A Suppiah ở Penang, Malaysia sẽ luôn nhớ về trận sóng thần năm 2004 đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người ở Đông Nam Á. Năm đó, ông Suppiah, 70 tuổi, gần như mất đi cô con gái 22 ngày tuổi S Thulaasi trong cơn sóng thần. Những con sóng khổng lồ đổ vào bãi biển Batu Ferringhi, Penang cũng tràn vào cửa hàng của ông Suppiah, cuốn theo một tấm đệm với bé gái sơ sinh đang ngủ xuống biển. May mắn thay, làn sóng thứ hai đã mang theo chiếc đệm và em bé trôi lại đúng bãi biển đó, một sự sống sót kỳ diệu.

“Tình hình vô cùng hỗn loạn, chỉ thấy tiếng người la hét. Trước đó, một người nước ngoài đi qua gặp tôi hỏi 2 dòng nước màu trắng hay bong bóng mà anh ta nhìn thấy ngoài biển là gì. Tôi không biết, liền trả lời rằng tháng 12 là tháng của lễ hội ở Penang, sẽ tổ chức một cuộc đua thuyền, nhưng anh ấy nói không phải vậy và có gì đó không ổn. Sau đó, nước biển dâng lên và mọi người hò nhau chạy”, doanh nhân Suppiah kể.

Ông Suppiah chạy đi tìm cứu vợ con nhưng không kịp. Ông bị dòng nước cuốn đi và cố giữ lấy một cây sào. Vợ ông và Thulaasi đang ở một căn phòng trong cửa hàng thì sóng thần ập đến. “Sau đó, tôi đã đi tìm con tôi, đăng khắp nơi mà không thấy. Cho đến khi một người đến tìm nói rằng con tôi được tìm thấy an toàn trên một tấm đệm. Thulaasi được cả thế giới biết đến là em bé trôi về nhà một cách kỳ diệu”.

Tới nay, cứ vào ngày 26-12, gia đình Suppiah lại tổ chức những buổi tạ ơn đặc biệt. Được biết, khu vực ven biển Penang, Malaysia đợt đó đã có 52 người thiệt mạng, trong số 68 người chết được báo cáo trên toàn quốc.

Ký ức và bài học không quên từ thảm họa sóng thần 15 năm trước ảnh 2Bãi biển bên bờ vịnh Andaman thiệt hại nặng sau trận sóng thần 2004

Sẵn sàng ứng phó với thiên tai

Tối 26-12, những người sống sót ở Ban Nam Khem, ngôi làng chịu thiệt hại nặng nhất ở Thái Lan trong trận sóng thần 14 năm trước tổ chức một buổi cầu nguyện dưới ánh nến. Ít nhất 1.400 người đã thiệt mạng khi sóng đánh vào làng chài này. Tới nay, ký ức vẫn gắn với nỗi đau đối với ngư dân Songkram cũng như tất cả những người sống sót, dù họ còn ở lại làng hay không. 

Hôm đó, ông Songkram cùng các thuyền viên khác đang đánh cá ngoài khơi. Dưới thuyền, sóng có vẻ lặng. Nhưng khi nhìn ra, họ thấy những con sóng khổng lồ cao bằng những chiếc cây lớn đang di chuyển rất nhanh. “Chúng tôi phải đi ra biển càng nhanh càng tốt, vì nếu không sẽ không thể thoát”, ngư dân Songkram nay đã nghỉ đánh cá nhớ lại.

“Khi chúng tôi trở lại, mọi thứ đã biến mất, bị cuốn đi. Ven bờ từng có rất nhiều nhà hàng nhưng đều không còn. Nhà tôi không còn ở đó nữa, chẳng còn lại gì. Tôi bị sốc. Tôi cũng thấy xác nhiều người, có cả những người quen, họ nằm xung quanh khu vực này”. Con dâu ông Songkram nằm trong số người chết, còn cháu trai ông không bao giờ tìm thấy.

Ban Nam Khem hiện giờ có đài tưởng niệm lưu giữ tên và ảnh của nhiều nạn nhân, cả người dân địa phương và người nước ngoài. Tại nghĩa trang các nạn nhân sóng thần gần đó, đến nay vẫn có hàng trăm gạch đầu dòng chỉ được đánh dấu bằng một con số, nghĩa là 15 năm qua, họ vẫn chưa xác định được danh tính, có thể vĩnh viễn nằm lại mà không có người thân đến nhận.

Dịp này, những người như bà Yutthapong vẫn cho rằng, dù đau đớn nhưng vẫn phải kể cho con cháu về những bài học rút ra từ những thời điểm tuyệt vọng đó. “Nếu chúng ta không trò chuyện hoặc kể lại, những người khác sẽ không hiểu và nếu thảm họa xảy ra lần nữa, họ không biết phải làm gì”.

Kể từ sau thảm họa, Thái Lan và nhiều quốc gia khác ở Ấn Độ Dương đã tăng cường các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn thương vong hàng loạt tương tự thảm họa năm 2004. Tại Thái Lan, một hệ thống cảnh báo sớm, bao gồm các tháp cảnh báo và phao phát hiện sóng thần và các trung tâm sơ tán luôn sẵn sàng. Mỗi năm, cộng đồng địa phương lại diễn tập chống thảm họa để giúp công chúng làm quen với kỹ năng tự cứu mình. Nỗ lực ứng phó với thiên tai cũng tập trung vào phổ biến kiến thức và truyền thông. Khi sóng thần xảy ra cách đây 15 năm, mọi người ở đây chưa từng nghe về nó.

“Hiện giờ, mọi người rất tích cực khi đối phó với thảm họa vì họ đã học được từ quá khứ. 95% người dân ở Ban Nam Khem sẽ sống sót nếu một trận sóng thần xảy ra bởi họ đã hiểu và luôn chuẩn bị sẵn sàng. Chúng tôi có một đội tình nguyện, thuyền, còi báo động cùng các công cụ và thiết bị khác”’

Ông Amornthep Paletham (Văn phòng Phòng chống và giảm nhẹ thiên tai tỉnh Phang Nga, Thái Lan)