Ký ức từ những khu nhà cũ

ANTD.VN - Sau 1954, miền Bắc XHCN có một hình mẫu ở mới ra đời, là “nhà tập thể”. “Nhà tập thể” có khi là một ngôi nhà mà trước đó là nhà riêng của một gia đình, như một căn biệt thự, một ngôi nhà phố bị Nhà nước quản lý rồi phân cho nhiều hộ gia đình, hay do chủ cũ cho ở nhờ, cho thuê rồi thành “nhà tập thể” thuộc sở hữu Nhà nước. 

Ký ức từ những khu nhà cũ ảnh 1

Nhà tập thể Hà Nội (Ảnh trong Triển lãm “Thay hình đổi mặt” )

Khu dân cư theo mô hình “tập thể”

Đến đầu những năm 1960, một mô hình mới của nền kiến trúc - xây dựng XHCN lần đầu tiên được hình thành, là các khu ở có quy mô lớn gọi là “khu tập thể” như khu tập thể Nguyễn Công Trứ với quy mô cao tầng, hay khu tập thể cho công nhân như Dệt 8-3, Cơ khí Mai Động, là các dãy nhà thấp tầng ở Hà Nội. Các tỉnh, thành phố có khu công nghiệp lớn cũng có các khu nhà dành cho công nhân viên chức như khu Gang thép Thái Nguyên, Dệt Nam Định…

Những khu này, điều kiện sống rất thấp, tiện nghi gần như chỉ đáp ứng những nhu cầu tối thiểu, chỉ chỗ ở chính chật hẹp bao gồm những hoạt động sinh hoạt như ăn, ngủ là riêng, còn lại đúng nghĩa “tập thể” từ bếp nấu cho đến tắm táp, vệ sinh. Thập kỷ 70 mới có những khu tập thể mới ra đời quy mô và tiện nghi khá hơn là các khu nhà lắp ghép Trương Định, Thành Công, Giảng Võ.

Sống đời đô thị, nhưng khu tập thể có lúc mang dáng vẻ đời sống của một “cái làng”, nơi mà những người sống ở đó với tính tình, thói quen rất chịu thương chịu khó và đầy tình thân hữu. Song cũng có muôn vàn “mặt trái” với đầy tò mò nhòm ngó, ngồi lê đôi mách và đặc biệt là vô cùng tùy tiện.

Chung nhau cái bếp, sân nước, chỗ rửa rau vo gạo, rửa bát đĩa sau bữa ăn, đấy cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng để trò chuyện, chia sẻ, từ hỏi nhau giá cân thịt lợn, mớ rau muống ngoài chợ, phiếu mua thịt bìa E, bìa D hôm nào hết hạn, cho đến việc nhà ông A sắp gả chồng cho con gái, hay giá bàn là Liên Xô dạo này thế nào ở những khu tập thể có nhiều người đi nước ngoài.

Thậm chí, chỗ nhà vệ sinh chung, người ngồi trong, kẻ ngoài đứng đợi cũng “buôn chuyện” được. Tiếng cười như pháo ran, xen lẫn tiếng sột soạt vò báo. Rồi chuyện cho nhau quả chanh quả ớt, thìa mỡ, vài nhúm mỳ chính hay vay nhau bơ gạo, chai dầu hỏa đun bếp lúc nhỡ nhàng.

Trong khu nhà tập thể, yêu nhau, thân nhau là thế, nhưng cũng có khi lại nhòm ngó, “soi” nhau ra phết. Thành ra sống ở tập thể luôn phải “phòng thủ” và kín kẽ. Nhà nào khá giả một tí, biết cách “kiếm” riêng, thịt con gà phải cắt tiết, vặt lông trong nhà, bao nhiêu lông, ruột phèo phổi và những thứ bỏ đi phải gói vào tờ báo rồi dấm dúi mang ra thùng rác phố bên cạnh mới dám vứt.

Chả biết có ai ghét nhau đến nỗi ra tận thùng rác săm soi xem “hôm nay nhà nó ăn gì” không, nhưng chuyện có thật thế này, nhà kia có thằng con nghịch, lại khó bảo, mẹ nói không nghe lời bị mắng, nó tức quá “trả thù” mẹ bằng cách chạy ra giữa sân nhà tập thể mà hét toáng lên: “Hôm nay nhà tôi ăn giò, hôm nay nhà tôi  ăn giò” cho bõ ghét! (Vì mẹ nó luôn dặn nhà ăn gì không được nói cho ai biết, khi ấy bố nó đi dạy học ở Algerie nên thỉnh thoảng có bữa tươi).   

Nơi sản sinh ra “kiến trúc chuồng cọp” 

Ấy là chuyện ở những ngôi nhà tập thể kiểu cũ, chuyển hóa từ những căn nhà riêng bị “tập thể hóa”. Những khu nhà “lắp ghép” sau này có văn minh hơn. Là những căn hộ khép kín, có bếp, vệ sinh riêng nhưng vẫn chật chội. Cỡ Vụ trưởng mới được căn hộ 2 phòng ngủ tổng chừng bốn năm chục thước vuông. Còn làng nhàng 1 phòng ngủ chừng ba chục mét là cùng.

Con cái lớn lấy vợ, “cái khó ló cái khôn”, thế là vẩy, một nền “kiến trúc vẩy”, sau này quen gọi là “chuồng cọp” ra đời trong các tòa nhà tập thể. Những không gian tự phát nhô ra từ ban công, những cái lồng sắt lô nhô mặt tiền nhà, làm chỗ đun bếp, kho hay bọc lại thành phòng ngủ nhỏ. Công năng tòa nhà được “lắp ghép” đúng nghĩa bằng những cái lồng sắt đó. Sau này có một số văn phòng thiết kế kiến trúc ở châu Âu lấy cảm hứng từ sự “nhấp nhô” ấy để thiết kế những tòa nhà chung cư có mặt tiền rất sinh động. 

Thói quen sinh hoạt, tâm tư tình cảm người dân trong những khu tập thể có vẻ hiện đại đầu tiên trong thời bao cấp ấy cũng dần thay đổi theo hướng “khép kín” hơn. Nhưng tính “lắp ghép” nhanh nhạy trong tư duy dường như cũng lộ diện. Căn hộ tầng một được “vẩy” ra thành hiệu tạp hóa, chỗ giữ xe, quán nước chè. Thanh niên hư tụ tập ở chân cầu thang, hút thuốc lá, tán bậy, chửi nhau.

Sau năm 1975, ở Sài Gòn bắt đầu xuất hiện dạng nhà tập thể như Hà Nội. Những chung cư cũ có từ trước như khu Thanh Đa, những chung cư dành cho viên chức của ngành như chung cư Ngân hàng đều có những tiện nghi khá đầy đủ, khép kín, văn minh vẫn tiếp diễn cái đời sống cũ của nó. Những khu “nhà tập thể” mới là biệt thự, nhà chung cư “được tiếp quản” thì có thay đổi theo đời sống của những cư dân mới. Thành ra một số tiện nghi cũ đã bị biến dạng.

Có lẽ do sự phóng khoáng cởi mở của Sài Gòn mà một số cư dân đến từ Hà Nội ở một vài căn nhà tập thể đã có những tâm thức mới. Khi xưa ngoài Hà Nội có thể tranh chấp kèn cựa từng vài tấc lối đi, thì bây giờ lại vui vẻ, dễ dàng thỏa thuận dùng cái chỗ đi lại chung cho thuê lấy tiền cho những việc tập thể. Hay cũng chả ai thắc mắc gì với một ông về hưu sáng sáng để cái xe bán xôi, bán bánh mỳ trước cửa dù hơi vướng cho việc đi lại.

Trong ký ức của mỗi người, nhất là khi đi xa, ký ức về nơi ở có lẽ là sâu nặng nhất. Cho dù đấy có thể là một nơi “ở không ra ở”, suốt ngày căng thẳng vì ông hàng xóm bẳn tính, ưa cãi nhau, hay cảnh chờ hứng từng giọt nước rỉ ra từ vòi công cộng những đêm hè, nhưng khi đã là “ký ức”, thì chả hiểu sao bỗng lung linh đẹp. Một này nào bỗng gặp ông hàng xóm xưa ở giữa Sài Gòn lại “tay bắt mặt mừng”, rồi hẹn nhau đi uống cốc bia, hỏi thăm tíu tít về ông nọ bà kia ngoài ấy.

Nhà thơ Chế Lan Viên từng bảo: “Khi ta ở đất là nơi đất ở/Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” cũng phải. Nơi ở không chỉ là ngôi nhà, căn phòng riêng nhỏ hẹp mà là “đất sống”, dù vui buồn, sung sướng, khổ đau cũng là một phần đời người, chả dễ gì quên được.